Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - cho biết UBND TP.HCM đã giao Ban Giao thông từ đây đến cuối năm tập trung triển khai bước lập dự án, phê duyệt, khảo sát nhà đầu tư và chuẩn bị bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Theo ông Phúc, dự án này được áp dụng các cơ chế đặc thù (vận dụng nghị quyết 98) tương tự vành đai 3 TP.HCM, được tách riêng dự án thành phần giải phóng mặt bằng, làm trước một số công việc ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư và trước khi duyệt dự án khả thi.
"Đây là điều kiện thuận lợi để phấn đấu trong quý 2-2025, chúng ta có thể khởi công xây dựng dự án và hoàn thành một công trình trước 31-12-2027, đồng bộ tuyến cao tốc Phnom Penh - Bavet phía Campuchia", ông Phúc cho hay.
UBND TP.HCM (cơ quan đầu mối triển khai dự án) đã chia dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài thành bốn dự án thành phần.
Thành phần 1, đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (BOT), vốn đầu tư 10.421 tỉ đồng (vốn nhà đầu tư là 9.943 tỉ đồng, vốn nhà nước 478 tỉ đồng).
Thành phần 2, đầu tư xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang cao tốc, vốn đầu tư nhà nước 2.422 tỉ đồng.
Thành phần 3, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua TP.HCM, vốn đầu tư công 5.270 tỉ đồng. Cả ba dự án thành phần trên do UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản.
Đối với thành phần 4, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Tây Ninh, tổng mức đầu tư công 1.504 tỉ đồng. UBND tỉnh Tây Ninh là cơ quan chủ quản.
Về phía tỉnh Tây Ninh, hiện các đơn vị liên quan đã bắt đầu triển khai kế hoạch, trình tự, thủ tục thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 16-8, ông Đặng Hoàng Chương - phó giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh - cho biết cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là dự án trọng điểm quốc gia. Vì vậy việc giải phóng mặt bằng của dự án phải làm hiệu quả, nhanh chóng hoàn thành trước ngày 15-4-2025.
Do đó, cần phải có sơ đồ chi tiết cho từng giai đoạn, mốc thời gian hoàn thành để có sự phối hợp của các ngành, địa phương trong nhiệm vụ chung của tỉnh Tây Ninh.
Hiện tại, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông Tây Ninh cho biết đã hoàn thành việc xác định tim đường, cắm mốc đã được đơn vị này hoàn thành, bàn giao cho các địa phương.
"Tiếp theo nếu gặp khó khăn vướng mắc tới đâu, Sở Giao thông vận tải Tây Ninh cùng các đơn vị liên quan sẽ cùng tính toán tháo gỡ tới đó. Tinh thần chung là phấn đấu có mặt bằng để làm cao tốc trước 15-4-2025", ông Chương nói.
Cách tổ chức làm dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
UBND TP.HCM đăng tải thông báo mời khảo sát quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án thành phần 1.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1, 2, 3 và làm thủ tục thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần. Tiếp theo tính toán chuẩn xác phần vốn nhà nước hỗ trợ trong dự án thành phần 1.
Phối hợp với các bộ, ngành địa phương có liên quan và nhà thầu thi công về thí điểm một số chính sách đặc thù. Trong thời gian làm, nếu phát sinh các vướng mắc thì báo cáo đề xuất với Ban Chỉ đạo nhà nước để kịp thời có chỉ đạo, tháo gỡ.
UBND tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 4, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận