Số heo chết đang trong quá trình phân huy, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đen, giòi bọ lúc nhúc được quăng bừa bãi ra thượng nguồn sông Sài Gòn - Ảnh: B.L |
Từ tin báo của người dân, Phòng cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Bình Phước đã kiểm tra và phát hiện một doanh nghiệp nước ngoài tự ý ném hàng trăm sát thượng nguồn sông Sài Gòn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đó là Công ty TNHH nông sản Việt Phước do ông Li Kuo Hui (quốc tịch Đài Loan) làm đại diện theo pháp luật.
Công ty này nuôi 27.000 con heo ngay sát khu vực đầu nguồn con sông đang ngày ngày cung cấp nước sinh hoạt cho người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận. Họ cũng thừa nhận đã nhiều lần tự ý vứt hàng trăm xác heo thối ra môi trường.
Người dân sống ở khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn cho biết gần đây họ thấy rất nhiều loại cá chết nổi dày đặc mặt sông, nước sông bốc mùi hôi.
Hành vi này rõ ràng rất nguy hiểm cho cộng đồng vì đã gây ô nhiễm môi trường, gieo rắc mầm mống dịch bệnh và trên hết là nguồn nước uống của hàng chục triệu dân ở hạ nguồn bị đe dọa.
Cơ quan chức năng của Bình Phước từ ngành thú y, môi trường đến chính quyền địa phương đã làm gì suốt thời gian qua mà để một doanh nghiệp (DN) nước ngoài tùy tiện vứt heo thối ra môi trường như vậy?
Không chỉ một lần, họ đã thừa nhận làm cái việc thiếu ý thức này rất nhiều lần. Cuối cùng, chỉ có người dân chịu không thấu ô nhiễm do xác hàng trăm con heo phân hủy bốc mùi hôi thối nên phải hành động, tố cáo thì vụ việc mới vỡ ra.
Hành vi sai phạm của DN này đã rõ, họ cũng đã thừa nhận nên cần phải xử lý nghiêm theo Luật bảo vệ môi trường.
Có điều đáng lo ngại là lâu nay, rất nhiều vụ việc xâm hại môi trường được chính cơ quan chức năng chủ động đấu tranh phát hiện hoặc người dân tự tìm ra sự thật thì hầu như ít được xử lý triệt để.
Không ít vụ khi mới phát hiện cơ quan chức năng đánh giá nghiêm trọng, cung cấp cho báo chí đăng rầm rộ, nhưng sau đó thì xử phạt hành chính nhẹ nhàng. Vì vậy không ít DN sẵn sàng vi phạm môi trường rồi chịu nộp phạt vì chi phí rẻ hơn việc xử lý chất thải.
Ở vụ việc cụ thể này của Công ty Việt Phước, cho thấy một phần do ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm bảo vệ môi trường với cộng đồng của DN chưa cao.
Nhưng cũng có nguyên nhân từ việc thiếu theo dõi, kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng ở địa phương. Có hay không việc cán bộ được giao trách nhiệm không sâu sát hoặc làm ngơ cho DN này vi phạm?
Đừng vì cái lợi trước mắt mà lơ là, xuê xoa bỏ qua sai phạm của DN nước ngoài khi họ bất chấp hậu quả đối với cộng đồng dân cư và bất chấp cả luật pháp nước ta. Pháp luật VN có thể chưa hoàn chỉnh nhưng nếu thực thi chặt chẽ và quyết liệt thì tác dụng răn đe không phải là nhỏ.
Công ty Việt Phước thừa nhận tái phạm nhiều lần rõ ràng cho thấy họ biết sai nhưng không sợ, hoặc coi thường chế tài của luật pháp.
Vì vậy không những phải xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm của Công ty Việt Phước, mà cần thiết phải truy cứu cả trách nhiệm của cán bộ, cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi chăn nuôi ở địa phương nhưng lơ là để xảy ra vụ việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận