01/08/2019 08:43 GMT+7

Đừng xử phạt rồi lại hợp thức hóa vi phạm xây dựng

TRẦN VĂN TƯỜNG
TRẦN VĂN TƯỜNG

TTO - TP.HCM có gần 6.830 công trình vi phạm xây dựng, tình trạng này có dấu hiệu ngày càng tăng. Chính quyền quản chặt đến đâu, buông lỏng đến đâu khi vẫn còn tồn tại nhiều sai phạm nghiêm trọng?

Đừng xử phạt rồi lại hợp thức hóa vi phạm xây dựng - Ảnh 1.

Công trình xây dựng sai phép ở quận Thủ Đức (TP.HCM), nhiều cán bộ bị kỷ luật sau sự việc này - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tình trạng xây dựng trái phép diễn ra khá phổ biến nhưng mỗi địa phương xử lý vi phạm cũng khác nhau.

Phạt rồi hợp thức hóa

Nơi làm nghiêm, buộc tháo dỡ phần sai phạm ngay cả những công trình nhỏ, nhờ vậy giảm hẳn các vi phạm xây dựng. 

Nơi hành xử hình thức, ban hành quyết định phạt, làm lơ để tồn tại, từ đó pháp luật bị xem thường, xuất hiện càng nhiều trường hợp vi phạm xây dựng.

Tại huyện Bình Chánh, hộ dân ở Vĩnh Lộc A xin phép xây nhà hai tầng, rộng 168m2 nhưng sau đó tự thay đổi kiến trúc chia thành 125 căn với tổng diện tích hơn 1.180m2

Một trường hợp khác xin giấy phép xây ba căn nhưng hai năm sau thành 19 căn. 

Thậm chí, một công ty thương mại hợp khối công trình nhà ở thành chung cư hơn 200 hộ dân với 645 nhân khẩu đang ở.

Quận Tân Bình năm qua đã thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với 112 nhà dân xây dựng trái phép trên đất công đã được quy hoạch làm trường học, công viên.

Ban đầu chỉ vài căn nhà xây trái phép, chính quyền địa phương chỉ phạt rồi để tồn tại, nhiều người "ăn theo" đã xây dựng tổng cộng cả trăm căn nhà trái phép và tồn tại trong nhiều năm qua.

Nhiều công trình xây trái phép, cơ quan chức năng đã ban hành quyết định cưỡng chế nhưng khá lâu vẫn chưa thực hiện. 

Điển hình dọc sông Sài Gòn hiện có hơn 115 lô đất ảnh hưởng hành lang bảo vệ bờ sông, 76 công trình đã xây hoàn thành và đưa vào sử dụng của 13 doanh nghiệp, nhiều công trình vi phạm xây dựng đã ban hành quyết định cưỡng chế và yêu cầu tháo dỡ nhưng qua nhiều năm vẫn chưa thực hiện.

Nhiều trường hợp xây trái phép chỉ phạt rồi để tồn tại, ban hành quyết định cưỡng chế nhưng không thực hiện làm cho người dân hoài nghi có sự móc ngoặc giữa người vi phạm với cán bộ quản lý, thực thi nhiệm vụ. 

Nhiều vụ đã có kết luận của cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền nhưng chính quyền địa phương để kéo dài qua nhiều năm. 

Có nơi còn đề xuất xử lý theo hình thức phạt rồi để tồn tại, sau đó điều chỉnh hợp thức hóa.

Đừng xử phạt rồi lại hợp thức hóa vi phạm xây dựng - Ảnh 2.

Bạn đọc TRẦN VĂN TƯỜNG - Ảnh: NVCC

Cả nể hay dung túng?

Chính quyền địa phương không biết, không phát hiện hay người vi phạm bất hợp tác nên không thể xử lý? 

Có nhiều cách xử lý, chỉ là có quyết tâm hay không thôi. Chính quyền địa phương có thể lập biên bản, báo cấp trên hoặc cơ quan quản lý người vi phạm, ban hành quyết định xử lý từ đầu, cương quyết cưỡng chế... 

Phải chăng vì cả nể, sợ đụng chạm hay có dung túng mới để việc xây dựng kéo dài đến khi hoàn thành? Cũng có thực tế công tác kiểm tra, giám sát lắm khi qua loa, chiếu lệ.

Nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, giảm thiệt hại cho xã hội và cho chính người vi phạm, chính quyền địa phương cần ngăn chặn ngay từ đầu và cương quyết đình chỉ thi công phần xây dựng trái phép. 

Nếu cho rằng chính quyền địa phương chậm phát hiện, không biết nên không kịp xử lý là chưa thuyết phục. 

Tôi làm nhà, đổ xe cát buổi sáng, đầu giờ chiều có người ở phường xuống kiểm tra giấy phép, sau đó còn có lực lượng thanh tra xây dựng quản lý địa bàn đến kiểm tra.

Thiết nghĩ, công trình xây sai phép, trái phép vẫn cho tồn tại và chỉ xử phạt hành chính thì chẳng khác gì dùng tiền hợp thức hóa cho sai phạm. 

Đây là tiền lệ xấu trong đời sống xã hội, là tiếp sức cho ra đời thêm nhiều công trình xây sai phép, trái phép vẫn tồn tại.

Vi phạm xây dựng, cần ngăn chặn và xử lý từ gốc rễ, ngay từ đầu, tránh để kéo dài. Hơn nữa, đừng xử phạt rồi cho tồn tại hay hợp thức hóa. 

Suy cho cùng, mục đích của người vi phạm vẫn tìm mọi cách hoàn thành thủ tục để công trình được tồn tại, được sử dụng một cách hợp pháp. 

Khi những mục đích này không đạt được, hẳn không ai dám vi phạm làm liều làm ẩu.

Quy định pháp luật phải thực hiện triệt để, công trình vi phạm lớn hay nhỏ, bên cạnh xử lý nghiêm người có trách nhiệm, buộc cưỡng chế tháo dỡ, tuyệt đối không để tồn tại hay hợp thức hóa bằng hình thức khác. Có vậy mới chấm dứt vi phạm xây dựng.

Rà soát lại các dự án trên giấy

TP.HCM có trên 4.800 dự án quy hoạch dự kiến thực hiện trong 4 năm (2016-2020). Trong đó, hàng loạt dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất khá lâu nhưng vẫn còn nằm trên giấy.

Có nhiều nguyên nhân như quy hoạch không phù hợp, thiếu khả thi, thiếu vốn, chủ đầu tư thiếu năng lực... Và kéo theo đó là chuyện "xí" đất trong nhiều năm thành dự án "treo".

Nhà ở xập xệ bán không xong, không chuyển được mục đích sử dụng đất. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân xây nhà trái phép.

Nên chăng rà soát lại quy hoạch. Hãy loại bỏ những quy hoạch kéo dài, đã giao đất nhưng không thực hiện, thu hồi các dự án thiếu khả thi không có cơ sở triển khai để tạo điều kiện cho người dân ở đó xây nhà ở hợp pháp.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Giảm xây dựng trái phép, làm cho dân có nhà ở hợp pháp

TTO - Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xây dựng cần tạo điều kiện để dân có nhà ở hợp pháp, chứ không phải để dân xây nhà trái phép rồi tháo dỡ.


TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên