19/01/2014 02:15 GMT+7

Đừng xem thường những chuyện nhỏ

NGUYỄN QUANG THÂN
NGUYỄN QUANG THÂN

TT - Nhớ lại thời chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, sau một trận bom, một lần báo động, loa truyền thanh lại gióng giả: “Máy bay địch đã đi xa, cuộc sống trở lại bình thường”. “Cuộc sống trở lại bình thường” không chỉ là máy bay địch đã đi xa, mà còn là hòa bình, là hạnh phúc, là ước mơ cháy bỏng.

Là có công ăn việc làm, cơm ăn áo mặc, con cái được học hành. Là con người được sống ngay thẳng với nhau, người tốt được đề cao, kính trọng. Kẻ xấu bị lên án, trừng phạt. Người dốt học người giỏi, kẻ gian sợ người ngay.

Hòa bình đã ngự trên đất nước hình chữ S tươi đẹp gần bốn chục năm. Nhưng những ai cả nghĩ, không bàng quan, cũng không vô cảm với cuộc sống quanh ta hiện nay sẽ lại đặt câu hỏi trước bao nhiêu nghịch lý:

Đất nước xuất khẩu đến 7 triệu tấn gạo ra thế giới, tính ra hằng năm nuôi sống tới 35 triệu người nước ngoài. Vậy mà cứ vào dịp giáp hạt cuối năm vẫn có trên 10 tỉnh xin gạo dự trữ quốc gia cứu đói cho đồng bào nghèo, trong khi ở các thành phố người ta đua nhau hút mỡ, ăn gạo lứt muối mè hoặc nhịn ăn nhiều ngày để chống béo.

Một anh cảnh sát giao thông dắt tay một cụ già qua đường, hình ảnh bình thường ấy đưa lên mạng cũng được mọi người khen ngợi (thật lòng) một cách bất thường.

Một đất nước tự hào có hàng ngàn năm văn hiến, có hàng chục ngàn tiến sĩ, giáo sư, vậy mà không có trường đại học nào nằm trong tốp 1.500 của thế giới hiện đại. Dân có khả năng đều đặn đưa con em ra nước ngoài du học, mỗi năm đổ hàng mấy tỉ đôla “mua chữ” cho con em ở nước ngoài, và chất xám bị người ta hớt váng thảm hại.

Cảm ơn, xin lỗi vốn là chuyện bình thường từ khi con người tự nhận mình là văn minh cũng như đầy rẫy trong giáo huấn của cha ông ta. Thế nhưng trên đất nước của chúng ta ngày nay, lời cảm ơn, xin lỗi đã trở nên quá khó để thoát ra khỏi miệng.

Một chuyện bình thường như thương thảo với dân thì có tiến có lùi, có được có thua. Thế nhưng tính kiêu ngạo cố hữu làm người ta không chịu “thua dân” dù một li một tấc. Cho nên khi ông bí thư tỉnh Thanh Hóa chịu lùi trước tiểu thương Bỉm Sơn, một cách thừa nhận cái sai của chính quyền, được dư luận cả nước khen ngợi hết mực khi ông chỉ làm một việc đúng đắn bình thường trên cương vị của ông. Cũng như một ông bộ trưởng, không như nhiều vị bộ trưởng khác, ông đã can đảm nói lên một số “sự thật mất lòng” (và đau lòng) trong công việc điều hành. Đó cũng là chuyện bình thường, một bộ trưởng mà không biết nói, không dám nói như thế mới là lạ. Thế nhưng ông được ca ngợi như một vị anh hùng, được gửi gắm rất nhiều niềm tin của dân chúng. Phải chăng như thế là “bình thường”?

Và mới đây, người tài xế bị dân Đồng Nai “hôi bia”, được nhiều mạnh thường quân gửi hàng trăm triệu giúp bồi thường cho hãng. Và anh đã trả lại toàn bộ số tiền khi không phải bồi thường nữa. Đó là một chuyện bình thường, ai có lương tri đều làm. Nhưng tỉnh đó đã công nhận anh là một trong ba công dân tiêu biểu của năm. Có vẻ như muốn vớt vát lại sự hổ thẹn của tỉnh do những kẻ “hôi bia” gây nên, tỉnh này đã làm một việc bất bình thường. Trả lại những gì không phải của mình đang là hành động hiếm hoi, thậm chí “anh hùng” rồi chăng?

Chuyện “bình thường bất bình thường” tuy có vẻ nhỏ nhặt nhưng là triệu chứng lâm sàng của một căn bệnh nguy cấp và khó chữa của xã hội. Xin hãy hành động và điều chỉnh để người ta khỏi phải hỏi mình: “Liệu anh có làm sao không đấy?”.

NGUYỄN QUANG THÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên