06/03/2017 11:07 GMT+7

Đừng xem thường bài học sơ cứu

S.HUYÊN - H.ĐĂNG, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
S.HUYÊN - H.ĐĂNG, [email protected]

TT - Câu chuyện tiền vệ đội trưởng Gabi cùng một số cầu thủ khác của Atletico Madrid sơ cứu kịp thời cho đồng đội Fernando Torres trong trận hòa Deportivo 1-1 ở vòng 25 Giải vô địch Tây Ban Nha (La Liga) hôm 3-3 cho thấy sự chuyên nghiệp của cầu thủ phương Tây.

HLV Caliso đang sơ cứu chấn thương dây chằng phái sau mông của Minh Phương Ảnh: SĨ HUYÊN
HLV Caliso đang sơ cứu chấn thương dây chằng phái sau mông của Minh Phương Ảnh: SĨ HUYÊN

Ngay sau khi Torres đổ gục trên sân sau cú va chạm kinh hoàng, Gabi lập tức có hành động sơ cứu khi giữ chặt miệng và ngăn cho lưỡi của người đồng đội không bị tụt. Hành động đó của Gabi được ca ngợi như đã cứu sống Torres.

Cấp bách như sơ cứu

Trước đó, chỉ ngay trong mùa giải này, thế giới bóng đá chuyên nghiệp từng chứng kiến nhiều câu chuyện tương tự về việc cầu thủ bóng đá cứu sống đồng nghiệp mình bằng cách sơ cứu kịp thời. Hồi tháng 10 năm ngoái, hậu vệ người Bờ Biển Ngà Serge Aurier từng ngăn chặn hành động nuốt lưỡi trong vô thức của cầu thủ Moussa Doumbia phía Mali và sau đó nhận lời cảm ơn như một ân nhân cứu mạng từ người đồng nghiệp. Mới cách đây một tuần, Francis Kone (CLB Slovacko) cũng làm điều tương tự với Daniel Krch của đội Bohemians 1905 ở Giải vô địch CH Czech.

Trao đổi về tầm quan trọng của việc sơ cứu - đặc biệt là trong những tình huống cầu thủ dính chấn thương có dấu hiệu bất tỉnh, bác sĩ Võ Châu Duyên (trưởng đơn vị y học thể thao Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM) cho biết: “Việc nhận định đúng tổn thương và sơ cứu hợp lý có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo an toàn và còn tạo thuận lợi cho quá trình điều trị tiếp theo. Trong một số trường hợp, việc sơ cứu quan trọng như cứu mạng người bị thương. Khi nạn nhân bị chấn thương và bất tỉnh, việc đầu tiên cần làm là kiểm tra, đảm bảo tình trạng hô hấp và tuần hoàn, phải giữ cho đường thở của nạn nhân thông thoáng để nạn nhân có thể tự thở, nhất là không để lưỡi tụt xuống gây cản trở đường hô hấp. Động tác dùng hai tay nâng cằm và giữ đầu nạn nhân ở tư thế ngửa có thể giúp ích trong trường hợp này. Đồng thời nạn nhân bất tỉnh nên chúng ta khó có thể đánh giá chính xác tổn thương. Trong trường hợp này chúng ta cần xem như nạn nhân có chấn thương ở các vùng nguy hiểm khác như cột sống cổ, ngực và lưng để đảm bảo an toàn trong quá trình sơ cứu và vận chuyển”.

Bài học cho bóng đá VN

Không nói đâu xa, ngay chính V-League cũng từng chứng kiến sự chuyên nghiệp trong cách thức sơ cứu của một người nước ngoài quen thuộc - HLV Henrique Calisto. Qua lời kể của cựu tuyển thủ Minh Phương (nay là HLV trưởng CLB Long An), ông thầy người Bồ Đào Nha từng một thời sắm vai trò “HLV kiêm bác sĩ sơ cứu” cho các cầu thủ CLB Gạch Đồng Tâm Long An những năm đầu thập niên 2000 - thời điểm nền y học thể thao của VN vẫn còn khá lạc hậu.

“Nhớ lại năm đó, khoảng 2005-2006, CLB Long An có hai cầu thủ bị giãn dây chằng bả vai, dẫn tới việc họ bị trật khớp bả vai mỗi khi mất đà ngã mạnh xuống sân cỏ. Đó là thủ môn Santos và tiền đạo Ishamala. Với chấn thương này, lẽ ra cả hai cầu thủ ấy phải đi phẫu thuật, song sẽ mất nhiều thời gian nghỉ dưỡng thương trong bối cảnh V-League đang diễn ra căng thẳng. Và mỗi khi Santos hay Ishamala gặp cảnh ngộ ấy thì y sĩ của CLB buộc phải nhường quyền sơ cứu lại cho “bác sĩ” Calisto. Ông thầy người Bồ Đào Nha này xông vào sân rất nhanh, một tay nắm tay của cầu thủ kéo từ trong khi một chân tựa thẳng vào nách của cầu thủ đó và kéo nhẹ ra. Giây lát sau, bả vai của cầu thủ dần trả lại đúng vào khớp và họ có thể thi đấu tiếp” - HLV Minh Phương kể.

Từ những câu chuyện của giới cầu thủ nước ngoài, cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm cho bóng đá nước nhà. HLV Minh Phương cũng thừa nhận điều này khi cho biết: “Ngày ấy, chúng tôi chỉ đinh ninh rằng sự từng trải trong nghiệp HLV cộng với việc chịu khó đọc sách báo, tra cứu tài liệu về y học thể thao đã giúp ông Calisto có những biện pháp sơ cứu kịp thời. Khi giải nghệ và theo học các lớp HLV bằng C, B và A do LĐBĐ châu Á tổ chức rồi chuyển lên học lớp HLV Pro (do FIFA tổ chức), tôi mới hiểu rằng việc sơ cứu trong đời sống bóng đá có hẳn một chương trong giáo trình học của từng lớp từ thấp đến cao.

Với HLV VN, do quá chú tâm vào việc nâng cấp về chuyên môn nên ít quan tâm đến các bài học sơ cứu thể thao mà mình từng được giảng dạy. Không quy định nào bắt buộc HLV trưởng của một CLB phải lành nghề trong việc sơ cứu chấn thương cho học trò, nhưng nếu HLV nắm bắt được các nguyên tắc sơ cứu từ các lớp học thì vẫn hữu dụng khi có sự cố xảy ra với cầu thủ trong tập luyện hoặc thi đấu...”.

Chuyện sơ cứu trên sân cỏ thực sự không chỉ cần có kinh nghiệm, nhìn vài lần là biết mà phải trải qua đào tạo hẳn hoi, bởi làm không đúng cách đôi lúc dẫn đến hậu quả còn tệ hơn nữa cho người bị thương.

Sơ cứu không đúng cách có thể gây ra tàn phế

Bác sĩ Võ Châu Duyên cho biết: “Đôi khi các chấn thương có thể rất nặng do lực va chạm mạnh hoặc chấn thương ở những vùng nguy hiểm của cơ thể như đầu và cột sống. Việc sơ cứu không đúng cách những chấn thương đầu và cột sống có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho nạn nhân hoặc gây ra tàn phế do các tổn thương không hồi phục như yếu liệt tay, chân. Khi nạn chân bị chấn thương ở vùng cột sống như cổ, ngực, lưng, cần phải cho nạn nhân nằm và di chuyển trên cáng cứu thương, cố định vùng cột sống bị tổn thương đúng cách. Việc sơ cứu nạn nhân bị các chấn thương nặng tốt nhất nên để những người đã qua huấn luyện thực hiện. Hiện nay các trung tâm y học thể thao tại TP.HCM có thực hiện tập huấn về sơ cứu chấn thương cho những người chơi thể thao”.

S.HUYÊN - H.ĐĂNG, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sơ cứu Gabi Calisto