Anh Nguyễn Huỳnh Dương (ngụ TP Thủ Đức) hỏi: "Tôi đã từng chứng kiến vài vụ té xe trên cầu, hầu hết đều diễn ra ở đoạn dốc cầu. Thời gian xảy ra thường là lúc một số người dừng xe trên cầu để mặc áo mưa. Vậy việc dừng xe như vậy có phạm luật hay không và phạt thế nào?".
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, nhìn chung về luật, tất cả loại xe đều không được phép dừng hay đậu trên cầu, trừ trường hợp cấp thiết, xe hư hỏng...
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 định nghĩa việc dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của xe cộ trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống xe, xếp dỡ hàng hóa hoặc làm công việc khác.
Còn đậu xe là trạng thái đứng yên của xe cộ không giới hạn thời gian.
Theo khoản 3 điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người dân muốn dừng hoặc đậu xe phải ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy, trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đậu sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.
Nếu xe đậu chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết…
Luật này quy định việc cấm dừng, đỗ xe trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất, song song với một xe khác đang dừng đậu, trên cầu hoặc gầm cầu vượt… (tuy chưa có quy định cụ thể về việc cấm dừng trên cầu để mặc áo mưa nhưng hành động đó đã vi phạm quy định chung về việc dừng xe trên cầu, gây cản trở giao thông - PV).
Đối với người đi xe máy (kể cả xe máy điện), vi phạm dừng xe trên cầu không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 400.000 - 600.000 đồng. Ngoài ra, có thể bị phạt từ 4 - 5 triệu đồng vì dừng, đậu xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông.
Trường hợp dừng xe, đậu xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định cũng bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng, theo điều 6 nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 34 điều 2 nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Đối với ô tô, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng do dừng xe trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng…
Đồng thời, bị áp dụng các xử phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng, theo quy định điều 5 nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Một cán bộ cảnh sát giao thông TP.HCM cho biết: "Việc dừng xe trên cầu để mặc áo mưa xuất hiện khá nhiều. Khi phát hiện, chúng tôi thường nhắc nhở là chính và yêu cầu đi qua cầu để tránh ùn tắc giao thông. Tuy nhiên với những trường hợp dừng lâu hoặc chống đối thì buộc phải phạt.
Khi mùa mưa đã tới, việc dừng xe trên cầu tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gây ùn tắc xe, thậm chí va chạm giao thông. Do đó, lực lượng cảnh sát giao thông cùng các đơn vị liên quan cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, giải thích cho người dân biết việc dừng xe trên cầu như vậy không những phạm luật mà còn nguy hiểm đến tính mạng của chính mình".
Không nên dừng xe trên cầu để mặc áo mưa
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - chánh văn phòng Ban an toàn giao thông TP.HCM - cho biết các vụ té xe máy trên cầu gần đây là do nước mưa cộng với lớp bụi mịn trên mặt đường tạo thành lớp bùn mỏng, gây trơn trượt.
Đồng thời, mật độ xe đông (đặc biệt ở trên các cây cầu có chiều rộng nhỏ), người dân chạy xe với tốc độ khá nhanh, tâm lý muốn chạy nhanh đến chỗ trú mưa, người dân dừng xe trên cầu để mặc áo mưa… dẫn đến va chạm giao thông. Thậm chí va chạm liên hoàn vì dừng quá đột ngột ở khoảng cách gần.
Ông Phúc khuyến cáo người dân đi tốc độ chậm trên cầu và đường dẫn nối cầu. Khi thấy trời sắp chuyển mưa thì chủ động đến các điểm trú mưa phù hợp hoặc mặc áo mưa trước khi lên cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận