Phóng to |
Đống xà bần này được lái xe của đơn vị thi công cho rằng dùng để trồng cây - Ảnh: THANH SƠN |
Tuy nhiên, tài xế xe này cho rằng đây không phải là xà bần mà chính là “đất” dùng để trồng cây xanh hai bên vỉa hè đường Hoàng Sa. Khi tổ thanh tra giao thông yêu cầu được xem thiết kế của công trình để kiểm chứng xem đống xà bần đó có phải là “đất” để trồng cây hay không thì tài xế xe và một số người của Công ty TNHH Xây dựng công trình xanh không cung cấp dẫn đến hai bên cự cãi quyết liệt.
Vụ việc kéo dài đến hơn 1g ngày 8-8 vẫn chưa giải quyết xong. Lúc này, nhiều người dân sống trên tuyến đường này đổ ra theo dõi vụ việc. Bà C., một người dân trong khu vực, cho biết bà là người chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối và rất bức xúc vì một số công nhân của Công ty TNHH Xây dựng công trình xanh cứ một mực khẳng định đống xà bần đó dùng để trồng cây. “Đống xà bần đó là một đống rác rưởi, gạch đá mà dùng để trồng cây thì cây nào sống nổi?”- bà C. nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 8-8, đống xà bần nói trên đã được dọn sạch. Đoạn vỉa hè ở đây cũng đã được trồng cây xanh và trồng cỏ trên lớp đất hữu cơ. Liệu dưới lớp đất kia có xà bần không? Trả lời câu hỏi này, một cán bộ của Công ty TNHH Xây dựng công trình xanh cho rằng: “Đống xà bần đó công ty tập hợp lại để chuyển đi chỗ khác, không phải là đất để trồng cây xanh như lời tài xế nói”. Vị này còn khẳng định không có chuyện đơn vị thi công lót xà bần dưới lớp đất để trồng cây vì chủ đầu tư giám sát rất chặt chẽ.
Cùng ngày, ông Ngô Bá An - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP.HCM), chủ đầu tư dự án trồng cây, cỏ trên đường Hoàng Sa - cho biết sự việc trên là hiểu lầm giữa đơn vị thi công và tổ thanh tra giao thông. Do không liên hệ được với lãnh đạo Sở GTVT TP để hỏi về vấn đề này, khoảng 18g30 ngày 8-8, chúng tôi gọi vào số điện thoại đường dây nóng của sở đặt vấn đề: “Liệu có làm rõ nghi vấn dùng xà bần để trồng cây?” thì người trực đường dây nóng trả lời: “Vấn đề này sẽ được làm sáng tỏ khi nghiệm thu công trình”.
_______________
Bêtông từ công trình rơi xuống hẻm
Phóng to |
Hiện trường vụ bêtông rơi xuống hẻm - Ảnh: SƠN LÂM |
Khoảng 15g30 ngày 8-8, một mảng lớn bêtông, gạch, vữa từ tầng 5 công trình xây dựng phân hiệu 2 Trường THCS Ngô Tất Tố (14 Lê Quý Đôn, P.12, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) bất ngờ đổ sập xuống hẻm 151 Huỳnh Văn Bánh (mặt sau công trình). Cũng may sự cố xảy ra khi hẻm vắng người nên không gây thương vong.
Công trình trên do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.Phú Nhuận làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần xây dựng trang trí nội thất Thành Đô thi công. Người dân ở hẻm 151 Huỳnh Văn Bánh cho biết công trình này không được che chắn an toàn nên gạch, đá, bêtông đã nhiều lần rơi xuống hẻm. UBND P.12 cho biết đơn vị thi công từng bị phạt 7,5 triệu đồng vì không che chắn công trình khiến vật liệu xây dựng rơi xuống đường.
________________
Dự án “treo”, dân lo nhà sập
Phóng to |
Nhà của bà Được đã xuống cấp nặng nhưng không được phép sửa chữa |
Hơn bốn năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Được (ở khu Xuân Áng, thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng) luôn nơm nớp nỗi lo nhà sập nhưng không thể cải tạo, sửa chữa vì nhà nằm trong dự án “treo”. Đó là dự án xây dựng tuyến đường từ đường 357 (quốc lộ 10 cũ) đi phà Kiều An, thị trấn Trường Sơn.
Đầu năm 2008, huyện An Lão khởi công xây dựng tuyến đường nói trên. Những phần việc liên quan đến dự án như giải phóng mặt bằng, xác định vùng quy hoạch, kiểm kê tài sản... đã được triển khai. Theo đó, toàn bộ diện tích đất ở của gia đình bà Được sẽ bị thu hồi. Để triển khai dự án, đơn vị thi công đã mở một con đường ngay sát nhà bà Được nhằm khai thác đất đá khu vực trại Đồi. Kể từ đó, hằng ngày đơn vị thi công nổ mìn phá đá, xe tải chở đất đá chạy nườm nượp khiến nhà bà Được và nhiều công trình phụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bà Được cho biết nhà bà xây từ năm 1985, sau thời gian dài sử dụng cộng với ảnh hưởng của dự án làm đường khiến nhà xuống cấp nặng. Hiện tại nền và tường nhà có nhiều đoạn bị nứt toác, có chỗ nứt rộng tới 3cm. Các bức tường bị nứt rộng kéo theo kèo nhà và mái ngói xô lệch, gây thấm, dột khi mưa. Toàn bộ cửa sổ nhà bị kéo lệch, không thể sử dụng được, gia đình phải dùng bạt che gió che mưa.
Ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND thị trấn Trường Sơn, cho biết địa phương không cấp phép cho bà Được sửa nhà vì khu đất rộng hơn 500m2 của gia đình bà Được nằm trong dự án xây dựng tuyến đường nói trên. Hiện tại địa phương đang chờ chủ đầu tư kiểm kê, đền bù bố trí tái định cư cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Đoan, giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện An Lão, cho biết dự án trên có tổng mức đầu tư hơn 24 tỉ đồng. Đến nay, nhà thầu đã thi công một số hạng mục công trình hết khoảng 17,6 tỉ đồng nhưng thành phố mới giải ngân cho huyện được 4,7 tỉ đồng. Hiện không có vốn để trả cho nhà thầu tiếp tục thi công và đền bù, bố trí tái định cư cho người dân. Theo ông Đoan, huyện An Lão đang đề nghị thành phố bố trí vốn để triển khai các hạng mục tiếp theo của dự án.
Cửa hàng bánh pizza tại 313 Nguyễn Tri Phương, P.5, Q.10 (TP.HCM) lấn chiếm vỉa hè để giữ xe cho khách - một bạn đọc phản ảnh. Bà Hà Thị Kim - phó chủ tịch UBND P.5, Q.10 - cho biết phường từng lập biên bản xử phạt hành chính tiệm bánh này vì lấn chiếm vỉa hè. Ông Bùi Thế Hải, chánh văn phòng UBND Q.10, cho biết vừa qua quận đã xử phạt tiệm bánh này 25 triệu đồng vì lấn chiếm vỉa hè. “Nếu tiệm bánh này tiếp tục vi phạm, quận sẽ có biện pháp cụ thể để xử lý” - ông Hải nói. * “Hẻm 369 Lý Thái Tổ, P.9, Q.10 (TP.HCM) bị lấn chiếm để làm bãi giữ xe cho những người đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 khiến việc đi lại của người dân trong hẻm gặp khó khăn. Người dân đã phản ảnh lên phường nhưng không thấy giải quyết” - một bạn đọc báo tin. Ông Đặng Danh - phó chủ tịch UBND P.9, Q.10 - cho biết do cổng trước của phường nhỏ không có chỗ để xe nên chuyển xe sang hẻm 369 để cặp vào sát nhà dân. Phường đã nhiều lần họp tổ dân phố, xin người dân hỗ trợ cho để xe trong hẻm. Theo ông Danh, bãi giữ xe ở hẻm này chỉ nhận giữ xe cho cán bộ, công chức ở phường và xe của người dân đến phường chứng giấy tờ, không nhận giữ xe cho người dân đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ông Danh hứa phường sẽ cho sắp xếp xe gọn lại để tránh ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
* Xả nước thải ra đường. Nhà 114 Châu Văn Liêm, P.10, Q.5 (TP.HCM) xả nước thải ra đường gây hôi thối cả đoạn đường (ảnh) - một bạn đọc phản ảnh. Thực tế cho thấy trước nhà 114 Châu Văn Liêm có đặt một ống xả nước thải bằng cao su. Nước thải từ nhà này chảy tràn ra đường và chảy đến tận hố ga ở góc đường giao giữa Châu Văn Liêm và Hồng Bàng. Ông Tham Vị Hào - phó chủ tịch UBND P.10, Q.5 - cho biết phường đã nhiều lần làm việc và lập biên bản xử phạt việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của nhà 114 Châu Văn Liêm. Cũng theo ông Hào, hệ thống thoát nước của ba nhà 114, 112 và 110 Châu Văn Liêm bị sụp khiến nước thải sinh hoạt của các hộ này không có chỗ thoát nên chủ hộ phải gắn ống thoát nước bằng cao su ngang qua vỉa hè. Phường đã phối hợp với Công ty Thoát nước đô thị TP khảo sát để đấu nối cống thoát nước của ba hộ trên vào hệ thống thoát nước của TP. Khi nào có chi phí cụ thể, phường sẽ vận động ba hộ trên đóng góp để thực hiện. * Cấm trượt patin, lướt ván ở công viên Lê Văn Tám. Một bạn đọc thắc mắc: “Ở công viên Lê Văn Tám (Q.1, TP.HCM), bảo vệ cho người lớn khiêu vũ sao không cho phép trẻ em trượt patin hay lướt ván?”. Theo ông Nguyễn Đức Kiểm - tổ trưởng tổ bảo vệ công viên Lê Văn Tám, nội quy của công viên cấm lướt ván, trượt patin do khuôn viên khu vực quảng trường khá hẹp lại tập trung nhiều người. Nếu cho trẻ em chơi patin hay lướt ván ở khu vực này sẽ gây nguy hiểm cho người khác. Ông Kiểm cho biết đã có nhiều trường hợp trẻ em chơi trượt patin ở công viên gây tai nạn cho người khác. Thu thuế các hộ kinh doanh ngoài chợ tạm Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Lan- phó Chi cục trưởng Chi cục thuế TP Quảng Ngãi: các hộ tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy chợ Quảng Ngãi đầu tháng 2-2012 được bố trí địa điểm nhưng đã cho thuê kiot, không kinh doanh trong chợ tạm vẫn phải nộp thuế bình thường, thời gian thu thuế được tính từ tháng 7-2012 (miễn, giảm thuế chỉ áp dụng với trường hợp bị thiệt hại khi vào chợ tạm kinh doanh). Hiện chi cục Thuế TP Quảng Ngãi bắt đầu tiến hành rà soát, thống kê các hộ tiểu thương kinh doanh ngoài chợ để ban hành biểu đồ thu thuế. Mức thuế áp dụng đối với các hộ kinh doanh ngoài chợ (tại nhà, thuê mặt bằng) sẽ dựa trên tổng giá trị doanh thu, nếu ở mức 1,5 triệu đồng/tháng, sẽ thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân (nếu có), dưới mức quy định trên sẽ thu thuế môn bài. Đề nghị xây cột mốc, trạm cảnh báo lũ Hội nghị triển khai công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012 do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức mới đây đã đề nghị các nhà máy thủy điện đóng trên địa bàn nhanh chóng xây dựng các cột mốc, trạm cảnh báo lũ cho vùng hạ du, nhằm cảnh báo và giảm thiểu những thiệt hại do bão lũ gây ra. Việc xả lũ của các hồ thủy điện cần có sự phối hợp giữa đơn vị quản lý thủy điện, chính quyền địa phương một cách khoa học, dự lường được mọi tình huống xấu để có “kịch bản’ đối phó, đặc biệt là đối với thủy điện Sông Tranh 2. Hiện tỉnh Quảng Nam có nhiều nhà máy thủy điện lớn đã đi vào hoạt động như A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, sông Kôn... tuy nhiên hiện chỉ có duy nhất thủy điện A Vương là đã đầu tư xây dựng cột mốc, trạm cảnh báo lũ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận