30/05/2015 09:14 GMT+7

Đừng vội trách ai

KIM THANH (24 tuổi, Bến Tre)
KIM THANH (24 tuổi, Bến Tre)

TT - Có rất nhiều lý do dẫn đến lối sống vô cảm mà chúng ta đã nêu: gia đình không quan tâm con cái, là do giới trẻ bị hòa nhập vào lối sống tiêu cực của xã hội...

Tập cho trẻ phụ giúp việc nhà, tạo nhiều kỷ niệm gia đình cũng là một cách giúp trẻ bớt vô cảm - Ảnh: Thanh Tùng
Tập cho trẻ phụ giúp việc nhà, tạo nhiều kỷ niệm gia đình cũng là một cách giúp trẻ bớt vô cảm - Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên, nếu cha mẹ đặt mình vào vị trí của con và ngược lại, thấu hiểu cho phía còn lại thì chắc chắn câu chuyện vô cảm như thế nào cũng sẽ tìm được giải pháp.

Cha mẹ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ miễn sao thấy con được cơm no áo ấm, học hành nên người và khỏe mạnh mỗi ngày. Tất cả chỉ được miêu tả bằng hai chữ “yêu thương”, đôi khi những người làm cha làm mẹ luôn giành hết những phần công việc vất vả về mình để con được yên tâm học hành, được nghỉ ngơi hay được thoải mái đi chơi với bạn bè...

Phận làm con đừng trách cha mẹ vì những điều đó. Chắc chắn không có cha mẹ nào không muốn được về nhà cùng gia đình ngồi bên mâm cơm, cùng coi tivi và được ôm con vào lòng trước khi đi ngủ. Nhưng công việc, cơm áo gạo tiền... nhiều khi không cho phép cha mẹ làm những điều cha mẹ muốn. Hãy hiểu và thương cha mẹ nhiều hơn! Là con, hãy trở thành nơi bình yên nhất để cha mẹ trở về sau những sóng gió bên ngoài cuộc sống. Thay vì trách móc và trở nên vô tâm với cha mẹ, với gia đình thì con cái hãy trở thành người bạn đáng tin tưởng nhất để cha mẹ chia sẻ những vất vả của cuộc sống và cảm thấy cuộc sống này ý nghĩa biết bao khi cả thế giới có quay lưng thì con cái vẫn luôn bên cạnh!

Các bậc cha mẹ cũng đừng vội trách con mình vì sao sống vô cảm. Cuộc sống bây giờ rất dễ khiến bất kỳ ai trở nên vô tâm chứ không phải chỉ riêng con trẻ. Từ đó, nó tạo cho mỗi người một vỏ-bọc-cái-tôi, lại phải sống trong môi trường thiếu sự tương tác giữa người với người thì cái vỏ bọc ấy càng dày thêm, đến một lúc nó trở nên xù xì, gai góc, không muốn tiếp xúc với ai và cũng không ai muốn lại gần.

Bởi vậy, cha mẹ thử nhìn lại xem mình đã tạo điều kiện tốt nhất cho con chưa. Điều kiện ở đây là điều kiện tinh thần. Đành rằng các bậc phụ huynh luôn mong muốn con học hành đỗ đạt nhưng hãy dành cho con thời gian nghỉ ngơi, cùng con đi đây đi đó và giúp con hòa nhập với xã hội, với cộng đồng. Cha mẹ hãy là người bạn lắng nghe, chia sẻ với con như một người bạn, để con cảm thấy an lòng.

Trong câu chuyện bàn về lối sống vô cảm thì cha mẹ và con cái đều có lỗi. Lỗi là đã không chia sẻ, không lắng nghe dẫn tới không hiểu nhau, không thông cảm cho nhau và trách móc lẫn nhau. Nhưng cả hai đều đáng được thông cảm và yêu thương, bởi cuộc sống này còn nhiều điều khắc nghiệt lắm, cuộc sống không như là mơ.

Tạo nhiều kỷ niệm, trẻ bớt vô cảm

Kỷ niệm đó là gì và làm sao để có kỷ niệm? Rất đơn giản:

- Phân công việc cho trẻ tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Nhỏ thì cùng mẹ lặt rau, dọn chén, quét nhà... Lớn thì có thể cùng cha xách nước, tưới cây, dọn dẹp vườn nhà...

- Tâm sự với trẻ và khuyến khích trẻ tâm sự với cha mẹ. Qua đó cha mẹ có thể hiểu được những tâm tư tình cảm, những mối quan hệ của trẻ bên ngoài mà kịp thời uốn nắn.

- Cùng trẻ tham gia các hoạt động vui chơi giải trí: đến thăm nhà người quen, đi chơi xa, xem những bộ phim phù hợp với mọi thành viên trong gia đình...

Những hoạt động chung này không chỉ tạo cho trẻ thói quen lao động, kỹ năng sống, mà trên hết là chất keo gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Khi gia đình có nhiều kỷ niệm, sự thấu hiểu, quan tâm, chia sẻ thì vô cảm trong gia đình không còn chỗ để xuất hiện nữa.

 

KIM THANH (24 tuổi, Bến Tre)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên