Nhóm bạn trẻ hái và ăn dâu ngay tại vườn - Ảnh: XUÂN MAI
Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, tổng thư ký Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM, cho rằng thực tế khó có vườn cây ăn trái nào không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt vào giai đoạn sắp thu hoạch. Việc ăn trái cây ngay tại vườn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh, ảnh hưởng sức khỏe.
Nguy cơ nhiễm hóa chất, vi khuẩn, ký sinh trùng
Rất nhiều khách du lịch cho biết mình đã ít nhất một lần ăn trái cây tại vườn.
Theo bác sĩ Minh Hạnh, trồng trái cây đúng quy trình, đảm bảo an toàn thì không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật khi sắp đến ngày thu hoạch.
Tuy nhiên, trên thực tế, khó có vườn cây ăn trái nào tuân thủ đúng nguyên tắc này. Do đó, nguy cơ đầu tiên của việc hái trái ăn tại chỗ mà không qua ngâm rửa là nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật có thể có trên bề mặt trái.
Khi ăn phải trái cây nhiễm hóa chất, người sử dụng sẽ bị ngộ độc mãn tính. Về lâu dài, dễ mắc các bệnh ung thư, vô sinh...
Bên cạnh đó, trong đất cát bao giờ cũng có vi khuẩn và có thể có cả các loại ký sinh trùng như giun kim, giun móc, giun tóc, sán lá gan...
Việc ăn trái cây trực tiếp tại vườn không qua rửa, gọt vỏ sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng đường ruột từ đất cát hoặc từ nước tưới cây.
Khi trứng giun xâm nhập vào cơ thể, chúng thường trú ngụ tại đường ruột rồi nở thành ấu trùng giun. Lúc này chúng sẽ phá hủy niêm mạc đường ruột, dẫn đến tiêu chảy mãn tính kèm theo buồn nôn, nôn, đầy bụng, mệt mỏi...
Sau đó chúng phát tán khắp cơ thể, có thể tấn công đến tim, mắt, não gây ra tình trạng co giật, giảm thị lực, viêm não...
Như vậy, việc lựa chọn trái cây an toàn và làm sạch trước khi ăn rất quan trọng, đảm bảo sức khỏe cho chính mình và người thân.
Ở nước ngoài ăn trái cây tại vườn ra sao?
Tại Nhật Bản và một số quốc gia khác, những vườn cây trái được trồng theo quy trình chuẩn sạch được kiểm tra rất gắt gao. Vì thế khách tham quan được ăn tại vườn mà chẳng quan ngại đến
sức khỏe.
Nếu sức khỏe khách tham quan có bất kỳ biểu hiện nào không tốt từ việc ăn trái cây tại vườn, chủ vườn đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, thậm chí phải đóng cửa kinh doanh. Còn ở Việt Nam thì điều này chưa được phổ biến.
PGS.TS Nguyễn Duy Phong
Nên rửa sạch trước khi ăn
Theo các nghiên cứu, trái cây tươi có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin cần thiết cho cơ thể giúp đẹp da, giảm cân, tăng cường miễn dịch... Tuy nhiên, hiện nay trái cây sử dụng hóa chất, thuốc tăng trưởng vào giai đoạn thu hoạch không phải là ít.
PGS.TS Nguyễn Duy Phong - giảng viên Trung tâm Đào tạo bác sĩ gia đình TP.HCM - nói: "Mọi người không nên vội vàng ăn tại vườn mà hãy dành vài phút rửa sạch trước khi ăn. Vài phút rửa trái cây cũng không mất mát gì nhưng sức khỏe lại không bị đe dọa".
"Khách đi du lịch nên chọn loại trái có vỏ như cam, quýt, bưởi, thanh long, chôm chôm, măng cụt, nhãn, vải, dừa... để ăn tại vườn. Đối với các loại trái ăn cả vỏ như dâu, nho, ổi, cà chua... thì nên rửa sạch trước khi ăn" - bác sĩ Minh Hạnh nói.
Rửa trái cây đúng cách
Việc rửa trái cây đúng cách rất quan trọng vì giúp tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ hóa chất và ký sinh trùng.
Mỗi loại trái cây lại có cách làm sạch riêng, lưu ý không phải chỉ ngâm nước, rửa dưới vòi hoặc lần nước rửa cuối pha thêm chút muối sẽ loại bỏ hết được hóa chất, ví dụ cách rửa sạch một số loại trái cây sau:
* Dâu tây: sàng lọc và loại bỏ trước các quả bị giập, chưa chín hẳn hoặc bám nhiều đất.
Sau đó rửa các quả còn lại trực tiếp dưới vòi nước, dùng tay hoặc bàn chải mềm cọ nhẹ trên vỏ ngoài giúp loại chất bẩn.
Cuối cùng mới rửa thêm một lần nữa bằng nước đun sôi để nguội, để ráo nước mới ngắt bỏ núm xanh.
* Táo: rửa kỹ núm táo vì đây là nơi tập trung nhiều vi khuẩn và hóa chất nhất. Tốt nhất rửa dưới vòi nước chảy liên tục.
* Cam, chanh hoặc quýt: đặt vào rổ inox có lỗ thoát sau đó giội nước sôi vào vỏ để loại bỏ chất bảo quản bám bên ngoài vỏ. Do các loại trái cây này có vỏ rất dày nên sẽ không ảnh hưởng gì đến bên trong quả. Sau đó mới rửa trực tiếp dưới vòi nước.
* Nho: trước khi rửa, hãy lấy kéo chia chùm to thành các chùm nhỏ. Sau đó rửa nho trực tiếp dưới vòi nước, không nên cho nho vào chậu rồi khuấy mạnh sẽ khiến nho dễ bị giập nát, mất độ tươi và ngon.
Khi rửa nên xoay chùm nho theo nhiều hướng khác nhau giúp cho nước có thể dễ dàng xuyên qua những kẽ hở loại bỏ bụi bẩn.
Nên rửa bằng tay hoặc vải mềm. Rửa xong dưới vòi nước sạch hãy cho ra rổ để ráo nước.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận