02/11/2022 09:45 GMT+7

'Đừng vì sếp khó tính, vài đồng nghiệp không hợp đã đánh giá chỗ làm... toxic'

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TTO - "Em đi làm mà gặp công ty toxic thì phải làm sao?", "Làm cách nào mình có thể đối xử tốt với người không tốt?"... Và còn nhiều thắc mắc khác được các bạn trẻ chia sẻ trong buổi trò chuyện "Nhân sinh quan cho người mới đi làm".

Đừng vì sếp khó tính, vài đồng nghiệp không hợp đã đánh giá chỗ làm... toxic - Ảnh 1.

Các bạn trẻ lắng nghe diễn giả Hoàng Mạnh Hải chia sẻ về nhân sinh quan trong cuộc đời trong dự án “Thắp sáng hải đăng” ở TP.HCM - Ảnh: YẾN TRINH

Người ta nói "60 năm cuộc đời", 20 năm đầu rất quan trọng và thời gian trôi nhanh, chuyến xe cuộc đời chẳng mấy đã đến chặng xa nhất rồi dừng lại. Mong rằng qua mỗi chương trình, người trẻ hình thành quan niệm sống, đem lại giá trị cho đời.

Ông HOÀNG MẠNH HẢI

Hóm hỉnh và cả chuyên sâu, diễn giả Hoàng Mạnh Hải cùng dự án "Thắp sáng hải đăng" giúp các bạn khám phá nhiều góc nhìn, quan niệm sống trước ngưỡng cửa vào đời bắt đầu từ những buổi trò chuyện như thế.

Cần ngọn hải đăng dẫn đường

Đi thẳng vào các thắc mắc, ông Hải gợi mở: "Đừng vì người sếp khó tính, một vài đồng nghiệp không hợp đã vội đánh giá chỗ làm là "toxic" (độc hại, tiêu cực). Hãy xem xét tính chất công việc, các mối quan hệ và nếu "không có gì vi phạm quyền cơ bản", đừng vội suy nghĩ nặng nề". 

Nhìn rộng ra, theo ông Hải, nếu muốn đối xử tốt với người không tốt ta phải có lòng yêu thương con người, sự thông cảm, đồng cảm. Chẳng hạn ta không thích người khác đi làm trễ nhưng nhà người đó quá xa, sao không thử nghĩ cách giúp đỡ họ.

Gần 50 bạn trẻ thích thú lắng nghe, có người ghi chép cẩn thận. Chị Thanh Phương (30 tuổi), ngụ quận Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết đã từng nghe một vài buổi nói chuyện của "Thắp sáng hải đăng" trên nền tảng Zoom. 

"Từ những dẫn chứng được đưa ra, tôi hiểu mình cần một thái độ sống biết đón nhận nhiều hơn, đừng để ý những điều nhỏ nhặt mà nên hướng tới mục tiêu lâu dài", chị chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Tân (25 tuổi), ngụ quận 4, đã nghiệm ra cuộc đời sẽ có những lúc không như mình mong đợi, và ngay cả trong khó khăn, trục trặc vẫn có cơ hội để làm tốt hơn. 

Trong hơn hai tiếng, diễn giả dẫn dắt từ đặt vấn đề ta sinh ra trên đời để làm gì đến gợi mở mỗi người cần có một nhân sinh quan để sống vì biết đâu chẳng có lúc gặp điều u tối trên đường đời.

"Chúng ta cần định hướng đi trong cuộc đời này, có thể thay hải đăng bằng chòm sao dẫn đường, sao bắc đẩu... nhưng trước hết, phải học 12 năm phổ thông thật tốt, học để làm người", ông Hải nói và nhắn thêm những năm đại học là học để biết cách làm việc. 

Do đó, mới ra trường, bạn đừng đặt nặng chuyện kiếm tiền mà xem đó là quá trình thực hành...

Tạo giá trị cho mình, cho người

Buổi trò chuyện cung cấp nhiều thông tin, gợi mở ý tưởng nhưng hơn cả chính là cuộc sống này sẽ ý nghĩa hơn nếu mỗi việc ta làm đem lại giá trị, niềm vui cho người khác. 

Diễn giả cũng nhắc đến năng lực học, phương pháp tạm quên những gì đã học để tiếp thu kiến thức mới. 

"Bạn hãy học cách hiểu mình, hiểu người, phân biệt đúng sai, phải nuôi dưỡng lòng vị tha... bắt đầu bằng việc dành ra 5 phút suy xét lại những việc trong ngày. Ví dụ nếu cãi vã thử xem lại mình sai mấy phần, người ta sai mấy phần", ông Hải phân tích.

Dẫn chứng câu nói của danh nhân Nguyễn Công Trứ "Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông" và sau những thăng trầm, cuối đời ông đúc kết: "Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo", ông Hải nói đó phải là sự can đảm dấn thân. 

Dù đường đời chông gai, nhưng mỗi bạn trẻ nên chọn và theo đuổi ngọn hải đăng của mình.

Ông HOÀNG MẠNH HẢI

Chị Lê Thanh Trúc - sáng lập dự án "Thắp sáng hải đăng" - cho biết dự án ra đời cách đây một năm và được phản hồi tích cực không chỉ của các bạn trẻ mà cả những người lớn tuổi. Chương trình duy trì những buổi trò chuyện chuyên đề và đang ấp ủ kết hợp với trường đại học để có thể truyền cảm hứng về nhân sinh quan với các bạn trẻ nhiều hơn.

"Thắp sáng hải đăng" đã có chín buổi trò chuyện trực tuyến và bốn buổi trực tiếp với khoảng 1.900 người cùng dự. Những người thực hiện dự án hy vọng vẫn đang nỗ lực mang đến những chuyên đề bổ ích. 

Chương trình cũng đăng tải những kiến thức liên quan trên fanpage và lập kênh YouTube ghi lại những buổi trò chuyện.

Xa hơn, ông Hoàng Mạnh Hải mong mở rộng câu chuyện nhân sinh quan cho người đi làm lâu năm, người có gia đình... 

Cố vấn và đồng hành cùng dự án, ông Hải nói mình rất vui khi giải đáp thắc mắc cho nhiều bạn trẻ, có bạn sau khi kết thúc chương trình còn nhắn tin riêng cho ông để trao đổi thêm nhiều vấn đề khác.

"Thắp sáng hải đăng" là dự án phi lợi nhuận, xuất phát từ Bến Tre - quê nhà của chị Lê Thanh Trúc (người sáng lập dự án). Cơ duyên tiếp xúc với giảng viên Hoàng Mạnh Hải - cũng là người đồng sáng lập diễn đàn thiện nguyện "Người tôi cưu mang", chị Trúc ấp ủ thực hiện một chương trình truyền cảm hứng cho các bạn trẻ và ông Hải đồng ý cố vấn.

"Các buổi nói chuyện thường lố giờ, diễn giả tận tâm và người nghe cũng tương tác tốt khiến chúng tôi rất vui với kết quả bước đầu này", chị Trúc chia sẻ.

Hỗ trợ người trẻ trở thành Hỗ trợ người trẻ trở thành 'công dân số'

TTO - Đâu là thách thức mà tổ chức Đoàn tại TP.HCM cần nhận diện, tìm lời giải khi đang đón một lớp trẻ mới sinh ra, sống cùng công nghệ? Các bí thư Đoàn đưa ra nhận định của mình.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên