16/08/2019 12:48 GMT+7

'Dùng từ đào tạo lại nghe kinh khủng lắm'

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TTO - Đó là ý kiến của ông Lê Lâm - hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, tại hội thảo góp ý dự thảo 'Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại cho người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư'.

Dùng từ đào tạo lại nghe kinh khủng lắm - Ảnh 1.

Ông Lê Lâm: "Nghe đào tạo lại kinh khủng lắm" - Ảnh: HÀ BÌNH

Hội thảo do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động thương binh và Xã hội) tổ chức tại TP.HCM sáng 16-8 với sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và chuyên gia quốc tế.

"Ám ảnh lắm"

Ông Lâm giải thích: "Lý do sao vậy? Chúng ta có thể dùng từ chuyển đổi, bồi dưỡng, bổ sung, nâng cao. Ví dụ đang cao đẳng (CĐ) học tiếp bằng đại học là nâng cao. Thạc sĩ lên tiến sĩ là nâng cao. Trường tôi có người thạc sĩ quản trị kinh doanh học thêm trung cấp dược để đáp ứng yêu cầu công việc gọi là học bổ sung. Một anh đại học học thêm về cơ khí chúng ta gọi là chuyển đổi".

"Do đó tôi cứ nghĩ nên dùng từ đào tạo, đào tạo chuyển đổi hoặc mình dùng từ gì đó hay hơn. Từ đào tạo lại ám ảnh lắm. Sợ nhất là học lại, thi lại, kiểm tra lại. Giờ nghe đào tạo lại kinh khủng lắm. Mặc dù ai cũng biết đó là đào tạo lại. Trong công ty có 100 lao động mà có 10 lao động phải đào tạo lại là thấy nặng rồi", ông Lâm nói thêm.

Tương tự, ông Phan Tiềm - hiệu trưởng Trường CĐ THACO, cũng "lăn tăn về khái niệm đào tạo lại vì nó chạm vào tự ái của mình".

Liên quan đến khái niệm "đào tạo lại", TS Vũ Xuân Hùng - vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết trong đề án sẽ thêm mục làm rõ khái niệm "để không phải lăn tăn gì nữa".

Ông Hùng cũng giải thích đào tạo lại ở đây là cho người bị thất nghiệp, mất việc do ảnh hưởng của công nghệ mới chứ không phải theo hướng học sinh ra không làm được việc phải đào tạo. "Đào tạo (lại) cho người thực sự mất việc vì công nghệ chứ không phải kém quá đào tạo lại đâu" - ông Hùng nói.

Thí điểm ở 20 ngành nghề

Dùng từ đào tạo lại nghe kinh khủng lắm - Ảnh 2.

Ông Trương Tấn Lộc - tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng (STC) - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: HÀ BÌNH

'Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại lao động cho khoảng 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp. Theo đó, lượng người học được đào tạo ở mỗi ngành, nghề là 120 người. Tổng số người tham gia đào tạo thí điểm là 4.800 người.

Đề án cũng thí điểm đào tạo, đào tạo lại gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động là đối tượng chịu tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 tại khoảng 100 doanh nghiệp cho ít nhất 20.000 lượt lao động với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 1 năm.

Việc thí điểm sẽ diễn ra hai giai đoạn, giai đoạn 2019-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Chủ trì thảo luận, TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề Ban Tuyên Giáo Trung ương đặt câu hỏi: "Doanh nghiệp đang bị tác động như thế nào, yêu cầu các trường đào tạo ra sao?".

Trả lời câu hỏi này, bà Lý Thị Phương Trang - Tổng giám đốc DaiKin Việt Nam, cho rằng khi áp dụng tự động hóa, doanh nghiệp gặp khó khăn khi nhân lực không theo kịp. Do đó, Nhà nước có hướng đào tạo, đào tạo lại lao động thì doanh nghiệp rất hoan nghênh.

Bà Trang dẫn chứng: "Về mặt hàng điều hòa nhiệt độ, hiện nay có thể điều khiển trên điện thoại thông minh. Để sửa chữa và vận hành máy, đòi hỏi anh em cơ khí, điện cũng phải biết thêm về công nghệ này để sửa chữa, chẩn đoán bệnh".

Dùng từ đào tạo lại nghe kinh khủng lắm - Ảnh 3.

Bà Võ Thị Phương Lan: "Nhiều em sinh viên khá giỏi nhưng không nhớ kiến thức nền" - Ảnh: HÀ BÌNH

Trong khi đó, bà Võ Thị Phương Lan - Trưởng Ban đào tạo Hiệp hội Logistics Việt Nam, cho rằng hiện nay trình độ tiếng Anh, kỹ năng của sinh viên ra trường rất yếu. Sinh viên tốt nghiệp khá giỏi nhưng kiến thức nền không nhớ và tiếng Anh không thể tự giới thiệu bản thân được. 

"Tôi chia sẻ thực tế như thế để các trường nắm nên làm thế nào để đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp" - bà Lan nói.

Thiếu khoảng 464.000 nhân lực CNTT

Ước tính nhân lực CNTT chuyên nghiệp hiện có ở Việt Nam là 300.000 người. Với năng lực đào tạo hiện tại, từ 2017- 2020 chúng ta sẽ đào tạo thêm được 236.000 nhân lực CNTT (khoảng 92.000 sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học; khoảng 144.000 học sinh, sinh viên CĐ và trung cấp tốt nghiệp); cùng với khoảng 300.000 nhân lực CNTT hiện có thì đến năm 2020 chúng ta sẽ có khoảng 536.000 nhân lực CNTT.

Như vậy so với mục tiêu đặt ra là có 1 triệu nhân lực CNTT vào năm 2020, với số nhân lực hiện có và năng lực đào tạo như hiện nay chúng ta còn thiếu khoảng 464.000 nhân lực CNTT.

Trường đại học cần mạnh dạn thiết kế lại chương trình đào tạo Trường đại học cần mạnh dạn thiết kế lại chương trình đào tạo

TTO - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã nhắn nhủ tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ngày 5-10.

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên