Gần đây, các cơ quan chức năng ở TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện một số mẫu nước tiểu heo hơi từ các tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ có dư lượng chất cấm trong chăn nuôi là salbutamol và clenbuterol. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chính thức công bố tỉ lệ thịt heo nhiễm chất cấm chỉ là 5-6%, do vậy không phải tất cả thịt heo trên thị trường đều nhiễm chất cấm. Những khẳng định đó cũng không cứu được người chăn nuôi khỏi lỗ lã.
Mới đây lại có thông tin thịt cá điêu hồng cũng nhiễm chất cấm. Các nguồn tin nói thịt cá điêu hồng nhiễm chất cấm trifluralin cụ thể là cá ở Tiền Giang và Đồng Tháp. Người tiêu dùng tẩy chay cá điêu hồng, khiến hàng ngàn hộ nuôi cá điêu hồng với trên dưới 3.000 bè ở hai tỉnh này “chết đứng”.
Người nuôi heo và nuôi cá bè có đáng bị “trừng phạt” như vậy?
Ngày 20-4, tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang công bố hơn 100 mẫu xét nghiệm thịt heo và nước tiểu heo không hề phát hiện chất cấm salbutamol và clenbuterol. Còn ông Nguyễn Hoàng Vũ, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, nói các thông tin về cá điêu hồng nhiễm chất cấm là chuyện từ trước Tết Nhâm Thìn 2012. Sau khi có thông tin trên, cơ quan chức năng đã lấy mẫu kiểm tra lại thì không có mẫu nào dương tính. Vì vậy, việc đưa thông tin cá điêu hồng nhiễm chất cấm ở Tiền Giang và Đồng Tháp chẳng khác nào “ném đá” vào tất cả các hộ nuôi cá chân chính.
Sức khỏe của con người là quan trọng và phải được bảo vệ. Chúng ta lên án mạnh mẽ và đấu tranh không khoan nhượng nhằm loại trừ chất cấm trong chăn nuôi để sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải sạch và an toàn. Việc thông tin để cảnh báo là cần thiết. Nhưng thông tin đó phải đúng với những gì đã diễn ra trên thực tế, không thể thông tin chung chung, lập lờ để hù dọa người tiêu dùng. Thông tin không đầy đủ làm sự việc trở nên nghiêm trọng, hoặc cảnh báo quá mức không chỉ làm khó người tiêu dùng khi họ hoang mang do nhiễu thông tin, mà còn gây hại cho hàng vạn người chăn nuôi chân chính. Sau lưng người chăn nuôi là cuộc sống của gia đình họ với biết bao con người. Không bán được sản phẩm, đã có nhiều người lâm vào nợ nần, phải ôm thêm nợ. Người tiêu dùng và cả người chăn nuôi cần những thông tin cảnh báo về chất cấm. Nhưng thông tin mà họ cần là có bao nhiêu nói bấy nhiêu, không phải là những thông tin bị thổi lên quá mức.
Sau sự cố này, người chăn nuôi sẽ phải làm bài bản, thậm chí khắt khe hơn trong tổ chức sản xuất sạch và an toàn, để khi xảy ra sự cố thì có đủ lý lẽ, bằng chứng thuyết phục rằng “chúng tôi tuân thủ quy trình sản xuất sạch”. Hoàn toàn có thể thuyết phục người tiêu dùng an tâm khi có thể chứng minh sản phẩm A bán ở chợ B do thương nhân C mua của người nuôi D được nuôi theo đúng quy trình và kết quả kiểm tra gần nhất không có dùng chất cấm. Đây là cách thuyết phục nhất để có thể “đạp đổ” những thông tin không đúng, quá mức có thể gây hại cho người chăn nuôi. Cũng rất cần các cơ quan quản lý nhà nước bám chắc địa bàn, kiểm soát được tình hình để có thể chủ động, thậm chí mạnh mẽ bác bỏ các tin không đúng, có hại cho người sản xuất. Đó cũng là cách bảo vệ người tiêu dùng hữu hiệu nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận