03/05/2022 09:19 GMT+7

Đừng trông vào tiền lẻ trong túi

TRƯƠNG MINH HUY VŨ
TRƯƠNG MINH HUY VŨ

TTO - Xài tiền trong đầu tức là phải nghĩ ra các phương án huy động nguồn lực, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia. Cứ loay hoay với "tiền lẻ" trong túi, rất khó cho TP.HCM có hạ tầng tốt để phát triển.

Đừng trông vào tiền lẻ trong túi - Ảnh 1.

Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối từ giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1) tới khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dịp kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước, nhiều công trình hạ tầng giao thông của TP.HCM được hoàn thành. Cầu Thủ Thiêm 2, đường song hành Võ Văn Kiệt, dự án cải tạo kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân); và cả sự kiện hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi quận 1. 

Đó chỉ là số ít trong danh mục các công trình giao thông trọng điểm năm 2022 của TP.HCM. Còn có đến 29 dự án, công trình trọng điểm, vốn lên đến 243.200 tỉ đồng, tương đương trên 10 tỉ USD.

Trong các dự án này, quan trọng là đường vành đai 3 - dự án quốc gia đặt mốc khởi công quý 4-2023 sẽ được trình phương án lên Quốc hội vào tháng 5 tới, vốn dự kiến trên 75.000 tỉ đồng. 

Có 6 dự án rất quan trọng với TP.HCM được đề xuất thực hiện theo mô hình đối tác công - tư (PPP). Như cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 7 và đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức), cầu Cần Giờ (kết nối khu nam TP với huyện Cần Giờ), cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (thúc đẩy kết nối cả vùng tây bắc TP.HCM), dự án đường vành đai 4 (kết nối toàn diện TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam).

Nếu theo quán tính cũ, chỉ trông vào "túi tiền" - nguồn ngân sách - không biết bao giờ mới có vốn để triển khai các dự án được xem là cấp bách này. Vốn do trung ương hỗ trợ, như dự án đường vành đai 3, chưa đủ. Còn các dự án khác? 

Thực ra, vốn ngân sách đầu tư cho hạ tầng, dù có sẵn trong túi nhưng chỉ là "tiền lẻ" mà thôi. Đầu tư cho công trình này, dự án khác phải "nhịn". Vì vậy, chỉ có gọi vốn từ xã hội, quyết liệt khai thác các hình thức huy động vốn đã có, mời gọi nhà đầu tư... mới hy vọng có sự đổi thay về chất cho hạ tầng TP.HCM.

Nhiều năm trước, TP.HCM đã dùng vốn ngân sách mở rộng đường Điện Biên Phủ và đường Kinh Dương Vương, sau đó bán quyền thu phí để thu hồi vốn đầu tư cho công trình khác. 

Bỏ tiền ra, thu về đủ, vẫn có con đường rộng rãi, cách làm này được xem là đột phá khi ấy. Ngày nay, các công cụ huy động vốn đã đa dạng hơn, vì thế muốn có hạ tầng hiện đại phải có tư duy tạo vốn, gọi vốn. 

Chẳng hạn TP có thể phát hành trái phiếu dự án đảm bảo bằng giá trị của quyền sử dụng đất từ quỹ đất công (được sinh ra khi thực hiện các dự án giao thông, ví dụ đất dọc các con đường, công trình...). Hoặc khai thác quỹ đất công, tài sản công bằng nhiều hình thức khác nhau. Muốn vậy, TP cần hoàn thiện các cơ chế pháp lý, tạo hành lang cho hoạt động huy động nguồn lực (như bán đấu giá quyền sử dụng đất, phát hành trái phiếu dự án...). 

Ngoài ra, việc quy hoạch các dự án với tầm nhìn dài hạn; tính toán lộ trình, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án; nghiên cứu các phương án sử dụng tài chính "đúng mức - đúng việc" cũng góp phần tăng khả năng huy động vốn từ xã hội.

Như vậy, "bài toán" phát triển hạ tầng giao thông không chỉ đòi hỏi sự tham gia của ngành giao thông, mà còn có sự chung tay của kế hoạch - đầu tư, tài nguyên - môi trường, xây dựng, tài chính... 

Phương châm để phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới là "Xài tiền trong đầu, không chỉ xài tiền trong túi". Xài tiền trong đầu tức là phải nghĩ ra các phương án huy động nguồn lực, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia. Cứ loay hoay với "tiền lẻ" trong túi, rất khó cho TP.HCM có hạ tầng tốt để phát triển.

Cầu Thủ Thiêm 2 đưa vào hoạt động sau 7 năm chờ đợi Cầu Thủ Thiêm 2 đưa vào hoạt động sau 7 năm chờ đợi

Sáng 28-4, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 nối liền trung tâm quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm.

TRƯƠNG MINH HUY VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên