08/06/2014 09:00 GMT+7

Đừng trở thành người "kết nối vĩnh viễn"

HẢI MINH
HẢI MINH

TTCT - Bạn có bao giờ để ý trong danh sách Yahoo! Messenger hoặc Facebook của mình có những tài khoản lúc nào cũng sáng 24/24 giờ?

oTEBDkUR.jpg
Carsten Schloter - một trong những nạn nhân đầu tiên của việc “kết nối liên tục” - Ảnh: swisscom.ch

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa “always on” (luôn ở chế độ bật) ngày càng đậm đặc. Các thiết bị của chúng ta, laptop, máy tính bảng và nhất là điện thoại thông minh, kết nối vĩnh viễn với Internet. Các thiết bị đó và những người dùng chúng đang nhiều hơn bao giờ hết.

Nhưng nhiều người đang cảm thấy rằng lợi ích của việc có thể tương tác với đồng nghiệp và công việc bất cứ lúc nào không còn bù đắp được cho tác hại, khi chúng ta không còn thời gian riêng tư, không còn được nghỉ ngơi đúng nghĩa và áp lực công việc đang trở nên nặng nề hơn bao giờ hết, khi bất kỳ lúc nào cũng có thể phải nhận những cuộc gọi, tin nhắn, tin nhắn Facebook, tin nhắn WhatsApp... khó chịu từ cơ quan.

Thành công trong công việc, thất bại trong cuộc đời

Điện thoại thông minh khiến bạn làm việc 72 giờ mỗi tuần

Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Harvard Biz Review tháng 3-2014 cho thấy người làm việc 72 giờ mỗi tuần đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo đó, 60% những người mang theo điện thoại thông minh tới chỗ làm kết nối với công việc của họ từ 13,5 giờ mỗi ngày vào ngày trong tuần và khoảng năm giờ mỗi ngày vào cuối tuần, tương đương 72 giờ làm việc mỗi tuần.

Nếu những người đó ngủ 7-8 tiếng mỗi tối, họ chỉ còn lại ba giờ mỗi ngày từ thứ hai tới thứ sáu hằng tuần để làm những việc khác như cho gia đình, đi mua sắm...

Một khảo sát tiến hành trong năm 2014 của tạp chí Computer World cho thấy trong 3.673 người được hỏi, tới 55% trả lời họ liên lạc “thường xuyên” hoặc “rất thường xuyên” với nơi làm việc vào buổi tối, ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, hay cả khi nghỉ phép.

Đặc biệt trong ngành công nghệ thông tin, 41% những người được hỏi nói công ty của họ chờ đợi họ phải luôn sẵn sàng cho công việc 24/7, trong khi 38% nói họ phải luôn sẵn sàng vào giờ làm việc thông thường từ 8g sáng tới 6g tối, bất kể trong tuần hay cuối tuần.

“Sẵn sàng làm việc bất cứ lúc nào giờ là đòi hỏi thông thường - Jason Hayman, giám đốc tiếp thị của Công ty nghiên cứu thị trường TEKsystems, nói với Computer World - Khuynh hướng thiết bị và các công nghệ mới khiến ngày nay rất khó phân định rạch ròi giữa thời gian làm việc và thời gian không làm việc như trong quá khứ”. Những phản ứng ngược đối với đòi hỏi làm việc 24/24 giờ là dễ hiểu, không chỉ với từng cá nhân mà cả ở quy mô quốc gia.

Pháp từ lâu được coi là thiên đường với các quyền lao động, 35 giờ làm việc mỗi tuần, nghỉ trưa dài, các kỳ nghỉ lễ hào phóng. Truyền thống đó được tiếp tục giữ gìn khi đầu tháng 4, các liên đoàn lao động và giới chủ thông qua một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý cho phép người lao động được “ngắt kết nối” hoàn toàn với các thư điện tử công việc, các cuộc gọi và tin nhắn liên quan tới công việc sau khi đã về nhà.

Một thăm dò trên báo The Guardian ở nước láng giềng Anh, vốn chăm chỉ hơn hẳn, đã cho ra kết quả tới 68% những người được hỏi ủng hộ một thỏa thuận như thế.

Trước đó một chút, vào tháng 7-2013, Carsten Schloter, tổng giám đốc điều hành 49 tuổi của hãng viễn thông hàng đầu Thụy Sĩ Swisscom, có lẽ là nạn nhân nổi tiếng đầu tiên của nền văn hóa kết nối liên tục. Schloter được phát hiện chết ở nhà mình tại tỉnh Fribourg, Thụy Sĩ ngày 23-7.

Cảnh sát kết luận đó là một vụ tự sát, với lá thư tuyệt mệnh để lại nói ông quá mệt mỏi với công việc, nhất là sau khi đảm nhận cương vị tổng giám đốc từ năm 2006. Là nhân vật chủ chốt của một công ty công nghệ cao, Schloter ngày đêm bận bịu, dẫn tới căng thẳng tinh thần, rồi cuộc chia tay người vợ năm 2009 đã khiến ông gục ngã.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 2012, Schloter nói trong khi ông rất thành công trong công việc, cuộc ly dị với người vợ là “thất bại tồi tệ nhất của tôi, một thất bại ngoài đời thực”.

Ngay trước khi ông tự sát, những bình luận của ông trên báo Thụy Sĩ Schweiz Am Sonntag vào tháng 5-2013 như một điềm báo: “Điều nguy hiểm nhất với cuộc sống là bạn rơi vào một trạng thái kết nối vĩnh viễn, khi bạn kiểm tra không ngừng điện thoại của mình để xem có thư điện tử mới hay không. Bạn sẽ không được nghỉ ngơi một chút nào hết”.

Schloter là một giám đốc hiện đại điển hình, làm việc mọi lúc mọi nơi, nhờ vào công nghệ kết nối qua điện thoại thông minh và các cuộc họp video. Trong khi các cuốn sách dạy kinh doanh lúc nào cũng chỉ vẽ những cách cân bằng công việc - cuộc sống, mạng xã hội và Internet đang khiến điều đó ngày càng trở nên khó khăn.

pHkoiK5H.jpg
Bìa quyển sách Sleeping with your smartphone của Leslie Perlow - Ảnh: appitive.com

Phải biết ngắt kết nối

Nguy hiểm hơn, văn hóa “always on” đang dần trở thành một chính sách chính thức, nhất là ở những tổ chức, doanh nghiệp lớn. Một cuộc thăm dò tháng 4-2013 của báo Anh The Guardian cho thấy giám đốc điều hành những công ty trên 200 nhân viên không có ai ngủ nhiều hơn sáu giờ mỗi ngày và họ phải trả lời thư điện tử từ sáng sớm cho tới tối mịt.

Giáo sư Leslie Perlow - khoa kinh doanh của Đại học Harvard, tác giả Sleeping with your smartphone (Đi ngủ với điện thoại thông minh của bạn) - đã tiến hành các nghiên cứu chi tiết về việc mọi người chia sẻ thời gian giữa công việc và nghỉ ngơi như thế nào, và kết luận của bà là việc “ngắt kết nối” thật ra khiến công việc hiệu quả hơn.

“Nền văn hóa always on tạo ra rất nhiều vấn đề cho các tổ chức - giáo sư Perlow nói - Nó khiến người làm việc mất đi sự tự chủ bởi lúc nào cũng nơm nớp đợi một liên lạc về công việc. Nó làm suy nhược tinh thần và xói mòn sáng tạo, phân tán các nguồn lực cá nhân của người lao động và khiến họ không thể sắp xếp thứ tự công việc hiệu quả”.

Perlow đã tiến hành thử nghiệm của bà với Boston Consulting Group (BCG) - một công ty tư vấn hàng đầu ở Mỹ. Bà nói BCG là một trường hợp cực đoan do đó là “một công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu, nơi mọi người luôn thật sự kết nối với công việc, nơi khách hàng trả những khoản tiền lớn để có thể liên hệ bất cứ lúc nào”.

BCG vì thế cần sự hợp tác rất chi tiết để triển khai một thay đổi nhỏ: mỗi người lao động trong công ty mỗi tuần sẽ được hưởng một buổi tối “ngắt kết nối” từ sau 6g tối. Những người này được khuyên nhủ tận dụng tốt khoảng thời gian đó. Kết quả sau hai tháng là rất lý tưởng, khi mọi nhân viên đều nói họ thấy tràn ngập năng lượng và sẵn sàng hơn cho công việc.

Điện thoại thông minh và máy tính bảng, vì thế, không chỉ trở thành một thiết bị để cải thiện năng suất, bà Perlow kết luận. Nó đã trở thành một thiết bị kiểm soát.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên