Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Trả lời về vấn đề nêu trên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho biết để đảm bảo an toàn, việc dùng thuốc hạ sốt trong bệnh sốt xuất huyết cần phải có một số lưu ý và nên theo hướng dẫn hoặc chỉ định của bác sĩ để tránh những tình huống bất lợi khi điều trị.
Sốt xuất huyết là bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt do nhiễm vi rút Dengue từ muỗi vằn truyền sang. Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sau 4 - 7 ngày và kéo dài từ 5 - 7 ngày.
Các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết là khác nhau ở mỗi người, có người mắc chỉ bị nhẹ nhưng cũng có người bệnh nghiêm trọng. Triệu chứng ban đầu thường gặp như sốt, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau nhức cơ khớp, nổi mẩn đỏ và đa số bệnh nhân sẽ hồi phục sau 5-7 ngày.
Có 5-6% số bệnh nhân sau đó có thể diễn biến nặng lên với các dấu hiệu cảnh báo như mệt lả, sốt cao liên tục, đau bụng, nôn nhiều, chảy máu cam, chảy máu chân răng.
Những bệnh nhân này nếu không được xử lý phù hợp có thể tiến triển thành sốc, suy đa tạng hoặc chảy máu nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Do vậy khi thấy có các dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Hiện nay, không có một loại thuốc hay phương pháp điều trị nào là đặc hiệu, dành riêng cho bệnh sốt xuất huyết. Trong giai đoạn sốt, thầy thuốc sẽ điều trị các triệu chứng và nếu sang giai đoạn biến chứng sẽ điều trị các rối loạn bệnh sinh để hạn chế diễn tiến nặng có thể xảy ra.
Thuốc hạ sốt nào nên dùng và không dùng trong bệnh sốt xuất huyết?
Chỉ dùng paracetamol: Paracetamol là thuốc hạ sốt giảm đau phổ thông. Tuy có độc tính với gan, thận nhưng tính độc này chỉ xảy ra khi dùng liều rất cao (trường hợp dùng từ 15g/ngày với người lớn), sử dụng kéo dài hoặc khi dùng cùng với nhiều rượu (rượu làm cạn kiệt nguồn glutathion để chuyển hóa paracetamol thành chất không độc).
Khi dùng với liều điều trị sốt trong thời gian ngắn (2-5 ngày để hạ sốt) thì paracetamol hiếm khi gây độc cho cả người lớn lẫn trẻ em. Liều dùng trong điều trị sốt xuất huyết là 15mg/kg thể trọng (750mg cho người 50kg), một ngày 2-3 lần (1.500 - 2.250mg).
Không được dùng aspirin: Aspirin là một trong những thuốc có tác dụng hạ sốt giảm đau, nó ngăn sự tập kết tiểu cầu, hạn chế sự hình thành cục máu đông nên được dùng trong nhiều bệnh tim mạch.
Tuy nhiên với người bệnh sốt xuất huyết có hiện tượng giảm tiểu cầu gây chảy máu. Do vậy việc dung aspirin ở người bị sốt xuất huyết có thể làm cho bệnh trầm trọng thêm.
Riêng với trẻ em càng đặc biệt chú ý, tuyệt đối không sử dụng aspirin. Bởi aspirin là yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ với tỉ lệ tử vong khoảng 30-50%, nếu sống sót cũng để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn). Aspirin làm tăng độ acid (vốn thấp ở dạ dày trẻ), gây bỏng rát viêm đường tiêu hóa, nặng hơn là gây xuất huyết đường tiêu hóa.
Ngoài ra, các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid khác cũng có hoạt tính ức chế tiểu cầu dẫn đến tăng nguy cơ chảy máu ở bệnh nhân sốt xuất huyết, nhưng không mạnh bằng aspirin.
Tuy rằng có những nghiên cứu cho thấy ibuprofen là một thuốc hạ sốt giảm đau không gây tăng nguy cơ chảy máu nhiều ở bệnh nhân sốt xuất huyết, nhưng nhìn chung các thầy thuốc vẫn khuyến cáo nên hạn chế sử dụng ở bệnh nhân sốt xuất huyết.
Với những bệnh nhân sốt xuất huyết có sốt cao, ngoài việc dùng thuốc hạ sốt nên phối hợp các biện pháp hạ sốt vật lý như mặc quần áo thoáng, ở nơi thoáng gió, chườm ấm và có thể phối hợp cả các bài thuốc hạ sốt đông y.
Trường hợp bệnh nhân sốt do cúm cũng có thể dùng paracetamol với liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất dành cho người lớn và trẻ em. Ngoài ra, các thuốc giảm đau hạ sốt khác cũng được sử dụng nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ để có liều dùng phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận