Ảnh minh họa |
Hội thảo “Dạy học và kiểm tra-đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn ngữ văn THPT khu vực ĐBSCL” do Sở GD-ĐT Vĩnh Long tổ chức.
Trong bài tham luận của mình, thầy Huỳnh Văn Thế (THPT Mang Thít-tỉnh Vĩnh Long) cho rằng trước nay vẫn có một số giáo viên mang tư tưởng học sinh phải tin tuyệt đối vào những gì thầy dạy. Đôi lúc vì tính sĩ diện nên các giáo viên ít khi nhận thấy mình sai.
Trong khi đó học sinh vào lớp thường “xếp tay lên bàn, mắt nhìn lên bảng và nghe thầy giảng” cho đến khi hết giờ. Các em có tâm lý những gì thầy nói là chân lý, sợ sai, sợ bị cười nên dù muốn có ý kiến cũng không dám nói.
Theo thầy Thế, hình thành tư duy phản biện cho học sinh là cách để khi giáo viên đưa ra một vấn đề gì, học sinh có thể nói khác, nghĩ khác những ý kiến đã đưa ra trước đó hoặc những gì sách giáo khoa kết luận bằng những lập luận hợp lý và thực tiễn đời sống.
Tuy nhiên khi rèn tư duy phản biện giáo viên phải định hướng. Vấn đề đặt ra phải phù hợp tâm lí, lứa tuổi học sinh. Trước những ý kiến “thiên lệch”, giáo viên phải phân tích, lí giải thuyết phục, tránh thành kiến, “thù vặt” trước những ý kiến khác mình. Đồng thời người giáo viên cũng phải biết cách tránh tốn thời gian với những trò phản biện vô ích.
Thầy Thế cho rằng hoạt động thảo luận nhóm là một trong những cách phát huy tốt tư duy phản biện của học sinh. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này chỉ mang tính hình thức và đang là một trong những yếu tố gây trở ngại cho việc phát triển tư duy phản biện của học sinh.
Tương tự, thầy Trần Minh Thương (THPT Mai Thanh Thế-tỉnh Sóc Trăng) cũng đưa ra một dẫn chứng tương tự về thực trạng này: “Khi dự giờ tiết dạy bài “Chiều tối” (Hồ Chí Minh), giáo viên chia lớp thành 4 nhóm, mỗi nhóm thực hiện 2-3 yêu cầu mà giáo viên đặt ra nhưng thực chất là trả lời câu hỏi của giáo viên. Nhiệm vụ giao cho nhóm rườm rà, các nhóm trình bày cần có tranh luận, bổ sung từ các nhóm khác. Song điều đáng nói ở đây là giáo viên chiếu các kết luận sẵn có của mình lên để học sinh chép. Như vậy những việc làm của nhóm coi như không cần nữa. Có lẽ do thời gian khống chế nên giáo viên không dám mạnh dạn phá “khung” đã định sẵn”.
Ngoài ra, tại hội thảo các đại biểu còn chỉ ra một số hạn chế trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy môn ngữ văn như giáo viên còn lúng túng khi phải cân đối giữa chuẩn kiến thức, thời gian lên lớp và khả năng tiếp nhận của học sinh.
Không ít trường hợp giáo viên đối mặt với các khái niệm, thuật ngữ chuyên môn, giáo viên chưa nắm vững trong khi thời gian để tham khảo tài liệu không nhiều nên buộc lòng để học sinh chấp nhận học theo một cách áp đặt.
Việc thiết kế câu hỏi theo định hướng mới đánh giá năng lực học sinh cũng gặp không ít lúng túng, nhiều câu hỏi vẫn mang đậm dấu ấn ghi nhớ, thuộc lòng. Học sinh qua một thời gian dài không chú trọng rèn luyện thực hành, dẫn đến thói quen chỉ cần học thuộc những gì giáo viên cho ghi chép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận