Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua huyện Thăng Bình (Quảng Nam) bị bong tróc nhựa đường gây “ổ gà”, sau đó phải “vá” lại - Ảnh: VIỆT HÙNG
Đây là dự án thu phí cung cấp dịch vụ cho người dân, không thể tình trạng mặt đường hư hỏng mà vẫn thu phí. Bộ rất nghiêm với các dự án BOT có thu phí để xảy ra hư hỏng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
Như vậy, sau tuyên bố nhà đầu tư BOT để xảy ra tình trạng đường hư hỏng mà chậm khắc phục sẽ bị dừng thu phí, chiều 11-10, bộ trưởng Bộ GTVT đã cụ thể hóa việc này bằng công điện trên.
Xử lý nghiêm
Sáng 11-10, tại cuộc họp sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm quý 4-2018 do Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì, ông Lê Văn Sinh, giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết nguyên nhân hư hỏng mặt đường tại km 25 và 42 đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được cơ quan quản lý phân tích.
Ông Sinh nói thông tin mưa nhiều và xe tải trọng nặng làm hỏng đường ông chỉ biết qua báo chí.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói thiết kế đường cao tốc phải tính bài toán tổng hợp nhiều yếu tố về tải trọng xe, mưa lũ, kể cả động đất. "Đâu phải vì mới mở, xe đông mà hỏng. Lý giải đó không được, phải xử lý nghiêm" - Phó thủ tướng chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết bộ đã cử đoàn công tác kiểm tra thực tế toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong sáng và trưa 11-10.
"Không thể nào nói mưa hay xe quá tải trọng đi qua làm mặt đường hư hỏng. Tôi nghĩ rằng cái này liên quan đến chất lượng trong quá trình thi công, giám sát của các cơ quan liên quan. Giải pháp mạnh của bộ là yêu cầu dừng thu phí và chủ đầu tư phải khắc phục. Sau khi khắc phục hoàn chỉnh, bộ kiểm tra đảm bảo yêu cầu kỹ thuật mới cho thu phí trở lại" - ông Thể nói.
Đồ họa: T.ĐẠT
Nhà đầu tư, nhà thầu phải bỏ tiền sửa đường
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Huyện, tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, cho biết trước đây Bộ GTVT đã từng dừng thu phí một số dự án đường BOT do chậm khắc phục hư hỏng.
Cơ sở để dừng là theo quy định của các thông tư về quản lý khai thác công trình đường bộ và thông tư về tổ chức hoạt động của trạm thu phí. Đồng thời, hợp đồng BOT giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư cũng quy định những nội dung này.
"Đường BOT cũng được giám sát phải bảo trì, đảm bảo chất lượng như với dự án đầu tư công. Khi có hư hỏng, nhà đầu tư phải chủ động sửa. Nếu để nhắc nhở mà nhà đầu tư không xử lý thì tổng cục yêu cầu dừng thu phí hoặc báo cáo Bộ GTVT ra quyết định dừng thu phí.
Chi phí sửa chữa đường, nhà đầu tư phải chịu nếu dự án hết bảo hành, hoặc nhà thầu chịu nếu còn thời gian bảo hành. Nếu do lỗi chủ quan, chi phí không tính vào doanh thu để bù hay kéo dài thời gian thu phí" - ông Huyện khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ ĐH GTVT, cho biết việc dừng thu phí khi nhà đầu tư dự án BOT chậm khắc phục hư hỏng là tốt và nên làm.
"Đối với người dân, khi nhà đầu tư BOT thu phí là bán cho họ dịch vụ sử dụng đường bộ nên phải cung cấp chất lượng dịch vụ tốt cho họ" - ông Toản nói.
Tạm dừng thu phí trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ 0h ngày 12-10. Trong ảnh: trạm thu phí đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn Quảng Nam - Ảnh: T.T.D.
Quy định mức độ hỏng để sửa
Theo ông Toản, việc dừng thu phí có tác dụng răn đe tốt cả trong giai đoạn xây dựng lẫn khai thác. Tuy nhiên, việc này cũng dễ gây hiệu ứng người dân yêu cầu dừng thu phí với những dự án BOT có chất lượng mặt đường kém.
Với những dự án BOT đã hết thời gian bảo hành, nhà đầu tư không có năng lực tài chính sẽ bị tổn thất nhiều khi phải sửa đường mà không được tính vào doanh thu.
"Nếu đường phát sinh hư hỏng, Bộ GTVT phải yêu cầu và nhà đầu tư phải có trách nhiệm sửa ngay. Đồng thời, phải quy định hư hỏng đến mức độ nào, trong thời gian bao lâu chưa sửa thì mới dừng thu phí. Còn giải pháp tốt nhất là phải làm đường đảm bảo chất lượng ngay từ đầu để tránh nguy cơ làm kém sau này sửa sẽ rất tốn kém" - ông Toản nhận định.
Theo một nhà đầu tư BOT, việc sửa chữa công trình bị hư hỏng phân ra theo từng nguyên nhân. Nếu lỗi thuộc nhà thầu thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm trong thời gian bảo hành.
Nếu lỗi thuộc nhà đầu tư thì nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm. Nếu do thiên tai, khách quan thì cho bổ sung phương án tài chính, hỗ trợ ngân sách hoặc kéo dài thời gian thu phí.
"Nhưng để sửa nhanh thì khi nhà đầu tư trình phương án sửa chữa, khắc phục, Bộ GTVT phải nhanh chóng thẩm định, phê duyệt. Nếu chậm sửa do phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền cũng phải chịu trách nhiệm" - vị này kiến nghị.
Các dự án BOT từng bị dừng thu phí - Đồ họa: t.đạt
Phê bình nghiêm khắc lãnh đạo VEC
Trong công điện được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ban hành chiều 11-10, Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình chủ tịch hội đồng thành viên và tổng giám đốc VEC chậm trễ trong việc xử lý các hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin, trả lời báo chí và các cơ quan truyền thông không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm, tạo dư luận không tốt.
Yêu cầu hội đồng thành viên VEC chỉ đạo rà soát, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các nội dung nêu trên.
Phê bình nghiêm khắc lãnh đạo VEC
Trong công điện được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ban hành chiều 11-10, Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình chủ tịch hội đồng thành viên và tổng giám đốc VEC chậm trễ trong việc xử lý các hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin, trả lời báo chí và các cơ quan truyền thông không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm, tạo dư luận không tốt.
Yêu cầu hội đồng thành viên VEC chỉ đạo rà soát, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các nội dung nêu trên.
"Ổ gà, ổ trâu" trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Ghi nhận của Tuổi Trẻ, trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có một số đoạn bị tình trạng "ổ gà, ổ trâu", mỗi đoạn 2-3 hố, rộng 33-40cm, dài gần 1m, sâu khoảng 10cm nằm giữa làn đường số 2 và làn đường khẩn cấp.
Các ôtô chạy qua các đoạn này phải giảm tốc độ và chỉ đi vào làn đường số 1 để tránh "ổ gà, ổ trâu".
Mặt khác, rất nhiều đoạn ở làn đường thứ 3 khẩn cấp trên toàn tuyến cao tốc chưa được thảm nhựa, mặt đường thấp hơn 2 làn đường kia nên khi ôtô tấp vào rất khó khăn.
Trả lời Tuổi Trẻ tại sao việc khắc phục lại chậm trễ, ông Nguyễn Tiến Thành, giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc VEC), lý giải có nhà thầu thi công xong rút đi và thời tiết mưa nên công tác sửa chữa không kịp thời.
Ngoài ra, đường này còn nằm trong thời hạn bảo hành 2 năm. Trong hai ngày 9 và 10-10, trời nắng lên nên nhà thầu tự bỏ chi phí tổ chức thi công đắp lại mặt đường như ban đầu, đã phục hồi mặt đường.
Về nguyên nhân, ông Thành chỉ ra khả năng nhiều ôtô tải chạy dầu diesel khi lưu thông chảy dầu xuống mặt đường, gặp lúc mưa xuống nên các chất này kết hợp phá hỏng mặt đường.
Sự bong tróc mặt đường ở lớp bêtông nhựa làm nhám cũng đến từ nguyên nhân do lúc thi công đã không làm kỹ, lúc tưới phụ gia dính bám ở những vị trí đó không đảm bảo hoặc vị trí đó trong quá trình thi công vệ sinh chưa sạch.
Ông nói thêm đường mới thảm xong gặp đợt mưa vừa qua, có thể đoạn này bị trũng nước cục bộ, nên khi xe chạy qua khiến mặt đường hỏng, bong ra.
Còn làn đường khẩn cấp chưa thảm nhựa và thấp, ông Thành cho rằng đó là thi công đường theo thiết kế vì làn đường khẩn cấp không có xe chạy nên không có lớp áo đường 3cm này và khi xe chạy vào làn đường khẩn cấp thì tốc độ chậm nên mặt đường chỉ có các lớp chịu lực.
V.HÙNG
Cần có chế tài thích đáng
TS Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình đào tạo thạc sĩ phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức):
Không cho thu phí nếu công trình kém chất lượng
Khi thực hiện các dự án, vấn đề chất lượng công trình xây dựng được ràng buộc ngay từ
đầu. Nếu các điều khoản được quy định chặt chẽ, cùng với quá trình giám sát và hậu kiểm được thực hiện nghiêm túc thì không thể có việc một công trình kém chất lượng đưa vào sử dụng và thu phí của người dân.
Do vậy, ngay từ đầu trong các phụ lục liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng công trình cần được quy định cụ thể, chặt chẽ.
Tốt nhất áp dụng các tiêu chuẩn cao, không sử dụng các tiêu chuẩn cơ bản trong xây dựng công trình giao thông.
Mặt khác, quá trình thi công phải chú trọng việc giám sát để tránh trường hợp nhà đầu tư cấu kết với đơn vị giám sát cố tình làm giảm chất lượng công trình.
Quan trọng nhất là công tác kiểm tra, nghiệm thu công trình. Đối với những công trình không đảm bảo chất lượng kỹ thuật cần yêu cầu nhà đầu tư sửa chữa, khắc phục.
Thậm chí, cần quy định ràng buộc không cho nhà đầu tư thu tiền phí nếu công trình chất lượng kém.
Thạc sĩ, luật gia Phạm Văn Chung:
Xâm phạm trực tiếp quyền lợi chính đáng của người dân
Việc đường hư hỏng nặng nhưng các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến thu phí mà không nghĩ đến việc sửa chữa là bất hợp lý, không phù hợp với nguyên tắc kinh doanh.
Người cung cấp dịch vụ phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng mới được thu phí dịch vụ đó. Nếu dịch vụ không đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phải lập tức ngừng thu phí, ít ra cũng phải có động thái miễn, giảm hoặc xin lỗi khách hàng.
Thực tế nhiều nhà đầu tư chỉ tính đến số tiền họ bỏ ra bao nhiêu khi làm đường BOT mà ít quan tâm, tính toán đến việc duy tu, bảo dưỡng, dù trên thực tế họ có kê khai khoản chi phí này với cơ quan quản lý nhà nước.
Việc đường BOT hư hỏng nặng mà vẫn thu phí là xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân. Ngoài ra, đường xấu, hư hỏng còn là nguyên nhân gây tai nạn giao thông cho người đi đường.
Cơ quan chức năng cần quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong việc buộc nhà đầu tư phải tuân thủ nguyên tắc kinh doanh, đó là chỉ thu phí khi đường giao thông đảm bảo chất lượng, an toàn.
Bên cạnh đó, cần truy cứu trách nhiệm chủ đầu tư, đơn vị vận hành đường BOT khi xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến chất lượng đường không đảm bảo.
Ngoài trách nhiệm dân sự phải bồi thường cho người đi đường, cần xem xét trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra các tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
TIẾN LONG - V.LINH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận