Người lao động nghe tư vấn về việc làm sau khi đi Hàn Quốc trở về - Ảnh: HÀ QUÂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 11-11, một lãnh đạo của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết thông tư 11 về bảo đảm chất lượng trong liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành không ảnh hưởng đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo kế hoạch, kỳ tiếng Hàn năm 2022 dành cho người lao động tham gia chương trình cấp phép việc làm Hàn Quốc (chương trình EPS) vẫn sẽ công bố ca thi và địa điểm thi trong tháng 11.
Tổng chỉ tiêu đi Hàn Quốc là 2.800 người gồm các ngành sản xuất chế tạo (1.500 chỉ tiêu), nông nghiệp (855 chỉ tiêu) và ngư nghiệp (422 chỉ tiêu).
Ngành sản xuất chế tạo gồm lắp ráp, đo lường và gia công. Ngành nông nghiệp gồm các công việc chăn nuôi, trồng trọt. Còn ngành ngư nghiệp là lao động nuôi trồng và đánh bắt.
Còn ông Nguyễn Gia Liêm - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết kỳ thi năng lực tiếng Nhật theo chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc (EPA) vẫn do phía cơ quan chức năng của Nhật Bản tổ chức.
Chương trình vẫn diễn ra theo khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Dự kiến trong năm 2022 có khoảng 120.000 - 130.000 người Việt xuất khẩu lao động, chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Người lao động tìm hiểu thêm thông tin có thể liên hệ Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nam - phó giám đốc Công ty Imstraco - cho hay lao động đi làm việc ở nước ngoài không yêu cầu quá cao về chứng chỉ kỹ năng ngoại ngữ. Chẳng hạn như tiếng Nhật, người lao động, thực tập sinh chưa có chứng chỉ tương đương N4 có thể tham gia khóa đào tạo sơ cấp 4-6 tháng để đi Nhật Bản làm việc.
Tuy nhiên, nếu người lao động có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì cũng rất tốt, từ đó có thể xin việc, chuyển đổi công việc thuận tiện theo nguyện vọng. Việc đưa người lao động đi nước ngoài vẫn diễn ra bình thường, không bị ảnh hưởng do hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nam chia sẻ.
Trước đó, ngày 10-11, bà Trần Thị Vân Anh - phó giám đốc phụ trách Trung tâm ngoại ngữ tin học TP.HCM - cho biết đến nay các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà sở liên kết với một số đối tác tổ chức, bao gồm Movers, Flyers, PTE, TOEFL... vẫn đang phải tạm ngưng.
Căn cứ trên thông tư số 11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên kết phải đảm bảo đủ hồ sơ, thủ tục tổ chức thi và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. So với một số quy định trước đây, thông tư này có nhiều điểm mới yêu cầu địa điểm thi phải đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ giám thị, coi thi...
Ban tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Nhật NAT-TEST tại điểm thi Hà Nội cũng thông báo hủy hai ngày thi 23-10 và 11-12. Kỳ thi năng lực Hán ngữ quốc tế (HSK-HSKK) cũng rơi vào cảnh tạm thời "đóng băng".
Cuối tháng 10-2022, Trường đại học Sư phạm TP.HCM ra thông báo chính thức hoãn các kỳ thi lấy chứng chỉ này trong hai tháng 10 và 11-2022.
Viện Khổng Tử thuộc Trường đại học Hà Nội cũng đã phải tạm ngưng các buổi thi vào ngày 16-10 và 19-11 với nguyên nhân hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt và xin cấp phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận