Đây là một trong 184 hồ sơ hoàn thuế được giải quyết trong đợt này, nhưng theo số liệu của Cục Thuế TP.HCM, vẫn còn hơn 400 hồ sơ đang bị “treo” tiền hoàn thuế.
Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng lệnh hoàn thuế đã ký nhưng doanh nghiệp (DN) không nhận được tiền, theo nhiều DN, là do nguồn ngân sách dành cho hoàn thuế trên địa bàn đã... cạn.
Trong văn bản hỏa tốc gửi các cục thuế vào ngày 13-10, Tổng cục Thuế thừa nhận có những hồ sơ hoàn thuế được DN nộp từ quý 3 nhưng do thiếu dự toán nên vẫn chưa được chi và tới đây cơ quan thuế sẽ sử dụng một phần dự toán quý 4 để hoàn.
Trước đó, công văn 13822 của Bộ Tài chính cũng yêu cầu cơ quan thuế áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong việc thực hiện kiểm tra chặt chẽ các hồ sơ hoàn thuế của DN cũng như kiểm soát chặt việc hoàn thuế VAT.
Cả hai công văn đều yêu cầu cơ quan thuế chỉ được hoàn trong phạm vi dự toán. Còn với các quyết định đã ký nhưng chưa chi do thiếu dự toán, cơ quan thuế thông báo để DN biết.
Và trong thực tế, thay vì ngồi lại với DN để tìm giải pháp, cơ quan thuế lại lập hàng loạt “hàng rào kỹ thuật” nhằm kéo dài thời gian hoàn thuế.
Trước đây, DN có số thuế VAT âm ba tháng liên tục sẽ được hoàn thuế, nay cơ quan thuế yêu cầu DN phải có số thuế VAT âm 12 tháng trở lên, trừ DN xuất khẩu và DN mới thành lập đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động.
Ngoài ra, cơ quan thuế còn siết bằng nhiều cách như chuyển hàng loạt DN từ hoàn trước kiểm tra sau sang kiểm trước hoàn sau, rồi các quy định về phân loại rủi ro, kiểm tra nhiều tầng nấc nhằm kéo dài thời gian hoàn thuế. Nhiều DN có quyết định hoàn nhưng sau đó còn bị “ngâm” đến vài tháng.
Theo quy định, hiện chỉ có DN áp dụng phương pháp khấu trừ mới được hoàn, còn những DN áp dụng phương pháp trực tiếp và những đơn vị hành chính sự nghiệp, cá nhân tiêu dùng cuối cùng không được hoàn.
Chưa kể DN cũng không được hoàn toàn bộ số thuế VAT đầu vào vì phải trừ ra những phần không phục vụ sản xuất kinh doanh. Như vậy, tổng số thuế VAT được hoàn của các DN rất nhỏ nhoi so với tổng số thuế VAT đã nộp cho Nhà nước. Thế nhưng, quỹ hoàn thuế vẫn thiếu trước hụt sau.
Đang vào cao điểm làm ăn cuối năm nhưng do bị nợ hoàn thuế quá lớn, nhiều DN chỉ còn hoạt động cầm chừng, thậm chí không dám nhận các đơn hàng lớn vì càng xuất nhiều càng bị cơ quan thuế chiếm dụng tiền VAT, chưa kể việc xoay được vốn cũng gặp khó khăn.
Không chỉ DN bị chậm hoàn thuế, nhiều DN trong dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm cho nhà xuất khẩu cũng bị vạ lây, rồi công nhân mất việc, nguồn thu ngân sách cũng giảm.
Hơn lúc nào hết, cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Tài chính, nên xem xét một cách nghiêm túc việc phân bổ ngân sách. Hoàn thuế cho DN - những “con bò sữa” của ngân sách - cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu. Vì DN có trụ được, hoạt động mới có thể nộp thuế, Nhà nước mới có nguồn thu. Nếu tình trạng chậm hoàn thuế kéo dài, số DN phải ngừng hoạt động sẽ không ít.
Ngoài ra, cần công khai, minh bạch chuyện hoàn thuế. Đừng để trong bối cảnh hoàn thuế VAT hiện nay cung ít, cầu nhiều sẽ là mảnh đất màu mỡ làm nảy sinh tiêu cực khiến DN đã khổ lại chồng thêm khổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận