14/09/2010 06:28 GMT+7

Đứng tên giùm

AN NHIÊN
AN NHIÊN

TT - Chốn pháp đình quả là một trường “đại học tổng hợp” mà những giáo sư hết sức kiên nhẫn, nhưng học trò nhiều khi học đi học lại mãi một bài mà chẳng thuộc, dù học phí thường đắt và nhiều lúc hết sức đắt.

JGmRtKCF.jpgPhóng to

Ngay cả với giới kinh doanh, lẽ ra phải rất thận trọng với đồng tiền (và những thứ liên quan đến nó, vài tờ giấy chẳng hạn) thì ở pháp đình lại quá nhiều trường hợp khiến người ta hết sức kinh ngạc vì sự qua quýt.

Người mua mà không phải người mua

Như vụ kiện này chẳng hạn. Đến khi xử phúc thẩm, vụ kiện đã kéo dài một năm giữa công ty V - bán thức ăn gia súc có trụ sở ở Đồng Nai và ông T.V.K. - ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Theo bản án sơ thẩm ngày 22-7-2009 của TAND tỉnh Vĩnh Long, công ty V kiện đòi ông K. trả tiền lãi của số tiền chậm trả trong hợp đồng cung cấp thức ăn cho cá. Tiền lãi chậm trả hơn 68 triệu đồng, được nguyên đơn giảm một nửa còn 34 triệu đồng. Do ông K. đã thế chấp tài sản để được bảo lãnh khi ký hợp đồng, nên nếu không trả số tiền này ông sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị ngân hàng siết tài sản để lấy tiền trả cho công ty V.

Không phải ông K. không có tiền trả đến nỗi phải chịu ra tòa, vấn đề ở chỗ số tiền nợ ấy tuy đứng tên ông nhưng ông không phải là con nợ. Như rất thường thấy ở nông thôn và các công ty gia đình, ông K. đứng tên mua hàng giùm chị gái ông là bà L. - một hộ nuôi cá lớn ở Long Hồ. Tại sao mình mua hàng mà để người khác đứng tên ký hợp đồng?

Cũng một lý do hết sức quen thuộc, bà L. không quen giao tiếp nên nhờ ông K. thu xếp toàn bộ chuyện gì có liên quan đến giấy tờ. Em út trong nhà, chị nhờ sao lại không làm?! Cho nên sau khi ký hợp đồng, bà L. và ông K. báo cho người của công ty V biết địa điểm giao hàng không phải là trại cá của ông K. mà là trại cá của bà L. nằm ở một ấp khác.

Bà L. trực tiếp trả tiền cho ba lần giao hàng. Nhân viên giao hàng của công ty V cũng là dân địa phương, biết rõ ông K., bà L. nên dễ dàng gật đầu giao hàng cho trại cá bà L. và nhận tiền do bà L. ký trả. Biên nhận giao hàng và nhận tiền thể hiện rõ địa chỉ và người trả như vậy.

Ác nỗi, bà L. lại không hề có tên trong hợp đồng với công ty.

Hàng giao một nơi, hợp đồng một nẻo

Đó chính là điểm yếu mấu chốt của công ty V trong việc thực hiện hợp đồng, khiến họ phải đồng ý giảm phân nửa số tiền lãi đáng ra bà L. phải trả trong phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, đến phiên tòa phúc thẩm gần đây thì công ty V phải chịu mất luôn toàn bộ số tiền.

Lý do, theo pháp luật hiện hành, hợp đồng viết sao thì phải thực hiện đúng từng câu từng chữ như vậy, bên nào thực hiện sai phải chịu trách nhiệm. Căn cứ theo hợp đồng thì ông K. không hề vi phạm vì công ty không giao hàng cho ông, do vậy công ty không thể kiện ông. Công ty cũng không thể kiện bà L. vì nào có hợp đồng ràng buộc giữa bà với công ty?

Lẽ ra khi phát hiện địa điểm giao hàng và người trả tiền thực tế không đúng với hợp đồng, công ty V phải ngưng ngay việc giao hàng để làm rõ thực chất ai là người mua số hàng đó. Tiếp theo là hủy hợp đồng với ông K. để ký hợp đồng với bà L.. Nếu làm đúng như vậy thì khi bà L. chậm trả tiền, công ty sẽ kiện bà L. dễ dàng, nhanh chóng hơn rất nhiều.

Đằng này hàng giao một nơi, hợp đồng một nẻo, nên khi có chuyện công ty V bối rối như gà mắc tóc. Đòi ông K. thì ông không trả tiền (ông nghĩ: có nợ đâu mà trả!), kiện ông, ông cũng chẳng lên hầu tòa (ông nghĩ: dính dáng gì đến tui mà lên!). Hỡi ôi, tranh chấp thương mại, dân sự mà không gặp được nhau để thương lượng thì coi như xôi hỏng bỏng không. Cũng may, bà L. tuy tự nhận không hiểu biết về pháp luật và không quen việc giao tế nhưng thật thà, ngay thẳng nên tự đứng ra trả hết số tiền mua hàng còn lại cho công ty V.

Tuy nhiên, sau một năm thưa tới thưa lui, dầm dề lên xuống tòa án hết Vĩnh Long đến TP.HCM, cuối cùng lại mất 34 triệu đồng lãi phạt chậm trả, tính ra công ty V thua nhiều hơn được.

Về phía ông K., chẳng qua do phía công ty V sơ sót trong ký kết hợp đồng mua bán, vả lại số nợ chính cũng đã đòi được nên ông mới thoát. Nếu hai ao cá không cách xa nhau mà liền kề như thường gặp (vì người thân thường được chia đất canh tác liền nhau) và nhân viên giao hàng cứ đúng địa chỉ ao cá của ông K. mà giao thì ông K. có nguy cơ phải đứng ra trả số tiền cả nợ lẫn lãi mà chị ông đã thiếu.

Trong giao dịch dân sự, việc người thân đứng tên giùm hợp đồng các loại, kể cả hợp đồng vay tiền ngân hàng và bảo lãnh nợ giùm, rất phổ biến. Song khi làm ăn thua lỗ hoặc gặp chuyện không may khác, bị thưa kiện đòi tiền, nhiều “người làm phước” đã đứng tim khi biết phán quyết cuối cùng của tòa.

Tuy nhiên, cũng không nên e sợ thái quá. Anh em, họ hàng nếu lâm vào thế rất kẹt (rất kẹt - xin nhấn mạnh) vẫn có thể giúp nhau được trong các trường hợp trên, nhưng nhớ làm thêm một bản thỏa thuận giữa hai bên, ghi rõ nội dung A nhờ B làm việc gì, nếu vay tiền giùm thì vay bao nhiêu, vay ở đâu, để làm gì, có tài sản thế chấp hay không, tài sản thế chấp của ai, khi có tranh chấp thì giải quyết ra sao... rồi đi công chứng để làm chứng cứ (phòng thân) lỡ sau này có chuyện không như ý.

Đừng lẫn lộn giữa tình thân và chuyện làm ăn, tiền bạc. Bởi khi không rõ ràng về tiền bạc, cái sứt mẻ đầu tiên chính là tình cảm và niềm tin, mà càng là người thân thì nỗi đau càng tức tưởi.

Về phía doanh nghiệp, nên huấn luyện nhân viên tuân thủ từng chữ trong hợp đồng. Từng chữ, dù chỉ là nhân viên giao hàng. Đôi khi người ta chết chỉ vì một vết xước nhỏ xíu mà thôi!

AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên