Ông Phạm Văn Minh - thư ký Chi hội Người cao tuổi thôn Vĩnh Hy - cho biết năm 1980, một người dân tại địa phương đã hiến tặng 5.000m2 đất cho chi hội để giúp các hội viên phát triển kinh tế và tạo quỹ cho công tác mai táng.
Lùm xùm vì đứng tên "giùm"
Đây là khu đất rất đẹp nằm kề bên bờ biển vịnh Vĩnh Hy.
Đến năm 2010, người nhà của gia đình trên xin lại khoảng 2.500m2, được các hội viên đồng ý.
Năm 2011, các hội viên đã thống nhất cho bà Phan Thị Anh Đào (người ngoài địa phương) thuê diện tích còn lại với giá 40 triệu đồng/năm để làm quỹ.
Tuy nhiên, đến năm 2020, xảy ra tranh chấp đất với bà Phan Thị Anh Đào.
Ông Minh kể: "Thời điểm này, ông Võ Đình Phùng đang là chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Vĩnh Hy nên các hội viên đồng ý để ông Phùng đứng tên "giùm" trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giải quyết tranh chấp. Sau đó tòa án tuyên chi hội thắng kiện.
Năm 2021, ông Phùng nghỉ làm chi hội trưởng nhưng không chịu bàn giao lại các giấy tờ liên quan khu đất còn lại khoảng 2.100m2, mà khăng khăng giữ và cho rằng diện tích đất đó là của gia đình ông".
"Tất cả số tiền khoảng 120 triệu đồng phục vụ giải quyết tranh chấp ông Phùng đều lấy từ quỹ của chi hội. Tất cả đều có phiếu chi đầy đủ. Vậy mà giờ ông Phùng không chịu bàn giao lại các giấy tờ liên quan khu đất cho chi hội là chưa đúng" - ông Minh bức xúc.
Trong khi đó, ông Võ Đình Phùng (89 tuổi, nguyên chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Vĩnh Hy) lại nói với phóng viên Tuổi Trẻ Online rằng diện tích đang tranh chấp trên cũng có một phần do gia đình ông "góp" vào từ khoảng năm 1987.
"Nếu nói diện tích trên do người dân hiến tặng hết thì cũng chưa đúng, bởi cũng có một phần do gia đình tôi góp vào...
Bây giờ tôi cũng đã lớn tuổi, chỉ mong xin lại 600m2 để có cái dưỡng già. Phần còn lại tôi cũng sẽ bàn giao cho chi hội. Nếu chi hội không đồng ý nữa, tôi sẽ giao lại toàn bộ đất trên cho địa phương quản lý" - ông Phùng nói.
Vụ tranh chấp cần giải quyết nhân văn
Phía lãnh đạo xã Vĩnh Hải cho biết vụ việc trên đã kéo dài nhiều năm, địa phương đã nhiều lần mời các bên lên làm việc nhưng chưa đi đến thống nhất.
"Xã và huyện đã đi vận động ông Phùng giao trả lại phần đất khoảng 2.100m2 cho chi hội quản lý nhưng ông này không đồng ý. Ông Phùng đề nghị xã cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng xã đã từ chối bởi không phải đất cá nhân của ông Phùng" - vị lãnh đạo xã xin giấu tên, nói.
Để giải quyết vụ tranh chấp này, luật sư Lê Nguyễn Lê Vi (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng các hội viên trong Chi hội Người cao tuổi là người trong cùng xóm làng và là những người có kinh nghiệm sống, nên vụ việc cần được xử lý một cách nhân văn.
"Để tránh vụ việc kéo dài, địa phương cần làm "cầu nối" mời các bên lên hòa giải, đưa ra những phương án xử lý hợp tình, hợp lý. Ông Phùng thừa nhận là đất của chi hội nên cần trả lại các giấy tờ liên quan cho chi hội. Còn việc ông Phùng cho rằng đã "góp" đất vào chi hội thì phải chứng minh" - luật sư Vi phân tích.
Đất đai không nên để đứng tên giùm
Qua câu chuyện trên, luật sư Lê Nguyễn Lê Vi khuyến cáo chuyện đất đai không nên để đứng tên giùm, vì rất dễ dẫn đến tranh chấp.
Ông Vi cho biết thêm về pháp lý thì Chi hội Người cao tuổi vẫn có thể đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu các hội viên đồng ý, tránh việc nhờ cá nhân đứng tên giùm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận