Hình minh họa tàu vũ trụ DART của NASA đang tiếp cận một tiểu hành tinh - Ảnh: NASA
NASA cho biết cuộc thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép sẽ khởi động lúc 22h20 khuya 23-11 (tức khoảng 12h trưa 24-11 theo giờ Việt Nam) bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 ở căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở bang California (Mỹ), theo thông tin từ báo Insider.
Các nhà khoa học đang thử nghiệm xem liệu họ có thể sử dụng vụ va chạm này để thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh Dimorphos hay không.
Dimorphos là một "tiểu mặt trăng" dài 160m, cách Trái đất hàng triệu kilômet, quay quanh một tiểu hành tinh lớn hơn tên là Didymos, dài gần 804m.
Cả hai tiểu hành tinh dự kiến sẽ đến vị trí cách Trái đất khoảng gần 11 triệu km vào tháng 9-2022. Tàu vũ trụ dự kiến sẽ gặp tiểu hành tinh Dimorphos và đâm vào nó trong cùng khoảng thời gian này.
Tác động tăng tốc của tàu vũ trụ - di chuyển với tốc độ khoảng 23.791km/h - theo tính toán sẽ làm giảm tốc độ của Dimorphos khoảng 1%. Điều đó có vẻ không đáng kể, nhưng nó đủ để thay đổi quỹ đạo đi của tiểu hành tinh này.
Các nhà khoa học hy vọng có thể quan sát vụ va chạm này từ kính thiên văn đặt trên Trái đất.
Mục tiêu cuối cùng của DART là thu thập thông tin về cách hoạt động của các tiểu hành tinh trong không gian, để có thể bảo vệ Trái đất khỏi các tiểu hành tinh "chết người" đang tấn công chúng ta trong tương lai.
Ông Andy Rivkin - đồng trưởng nhóm nghiên cứu của DART từ Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng Đại học Johns Hopkins - cho biết: "Các tiểu hành tinh như Dimorphos và Didymos khi va vào Trái đất, nó đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể trên quy mô khu vực".
Vào tháng 7, một khối "băng không gian" rộng 4.828km đã trôi qua cách Trái đất 10,3 triệu km.
Năm 2019 chứng kiến sự xuất hiện của một tiểu hành tinh rộng 130m, có biệt danh City killer (sát thủ thành phố) vì có khả năng hủy diệt một thành phố, mà các nhà khoa học không hề biết đến và họ chỉ kịp biết trước vài ngày khi nó bay đến vị trí cách Trái đất 72 triệu km. Để so sánh, tiểu hành tinh kết liễu thời kỳ khủng long 65 triệu năm trước, chỉ rộng 9,6km.
Trang web của dự án thử nghiệm này cho biết sứ mệnh DART - do Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng Đại học Johns Hopkins phát triển cho NASA - sử dụng một tàu vũ trụ "chi phí thấp" được trang bị 2 hệ thống năng lượng mặt trời khiến nó dài tổng cộng 8,5m.
Tàu được trang bị một camera để giúp dẫn đường cho tàu vũ trụ này gặp tiểu hành tinh Dimorphos, và một khối vệ tinh do Ý sản xuất sẽ tách ra khỏi tàu vũ trụ trước khi va chạm và chụp ảnh vụ va chạm.
Sau thử nghiệm của DART, Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết sứ mệnh Hera của họ sẽ điều tra ảnh hưởng của dự án thử nghiệm đối với tiểu hành tinh Dimorphos và người bạn đồng hành của nó, tiểu hành tinh Didymos.
Trước đây, năm 2005, NASA thực hiện sứ mệnh đánh vào sao chổi Tempel 1 và sau đó ngôi sao này đã được theo dõi hoạt động trong 8 năm trước khi mất liên lạc hoàn toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận