Robert Lee (thứ hai từ trái sang) và các bạn trong tổ chức RLC - Ảnh: CNN |
Giống như nhiều đứa trẻ khác, từ nhỏ Robert Lee đã được cha mẹ dạy không nên lãng phí thức ăn. Mặt khác, vì sinh ra trong một gia đình nhập cư, sớm phải lăn lộn kiếm sống, phụ giúp cha mẹ, Robert Lee càng thấu hiểu cái đói với một đứa trẻ là trải nghiệm ám ảnh như thế nào.
Trước khi di cư, gia đình Lee ở Triều Tiên. Cha cậu là kỹ sư còn mẹ là nhân viên ngân hàng. Tuy nhiên sau khi đến Mỹ, vì rào cản ngôn ngữ và không dễ tìm việc nên cha Lee phải tạm làm quản lý trong siêu thị, còn mẹ cậu đi giúp việc nhà.
Cuộc sống khó khăn nhưng cha mẹ cậu đều cố gắng giật gấu vá vai để hai anh em Lee đủ tiền ăn học. Cuộc sống rất chật vật nên chuyện để đồ ăn thừa thãi, lãng phí trở thành điều tối kỵ trong nếp sống gia đình.
Lee kể: “Khi lớn lên, tôi đã luôn được bố mẹ kể cho nghe hai giai thoại xưa của người Triều Tiên. Một truyện nói rằng nếu bạn vứt bỏ đồ ăn hay bất cứ thực phẩm thừa nào, các thế hệ sau của nhà bạn sẽ phải chịu cảnh đói khát.
Còn một chuyện nữa thì nói nếu bạn vứt bỏ đồ ăn, trong suốt phần đời còn lại bạn sẽ bị phạt phải ăn tất cả những thứ mình đã vứt đi đó”.
Ngay từ những năm học đại học, Lee đã tham gia một tổ chức sinh viên chuyên mang thức ăn thừa tại khu phục vụ ăn uống chung của trường đến cho những người vô gia cư. Đó cũng là khi cậu hiểu hết tầm mức quan trọng của câu chuyện thiếu lương thực trong xã hội.
Theo một báo cáo năm 2012 của Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Mỹ, 40% thực phẩm được chế biến tại Mỹ đã bị lãng phí mỗi năm, tương ứng với khoảng 165 tỉ USD bị... vứt đi. Trong lúc đó, vẫn còn 1/6 người Mỹ hiện phải loay hoay kiếm đủ thức ăn mỗi ngày.
“Chỉ một phần trong lượng thức ăn bị bỏ phí đó thôi cũng đã đủ giải quyết tình trạng thiếu đói rồi” - Lee nói.
Hai năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, mùa hè 2013 với mong muốn loại bỏ việc lãng phí thức ăn thừa và giúp người nghèo khổ bớt đói khát, cùng với người bạn là Louisa Chen, Lee thành lập tổ chức phi lợi nhuận có tên Rescuing Leftover Cuisine - RLC (Giải cứu đồ ăn thừa).
Suốt bảy ngày một tuần, bất kể số thực phẩm quyên được nhiều hay ít, RLC đều cử thành viên mang tới cho những người cần. Họ đi bộ vì theo Lee cách làm đó hiệu quả hơn.
Kể từ đó tới nay, tổ chức của Lee đã tạo quan hệ với hơn 50 đơn vị sản xuất thực phẩm tại thành phố New York để có nguồn thực phẩm hiến tặng. Lee cho biết: “Có vô số nhà hàng và gần như chỗ nào cũng có thực phẩm thừa hoặc bán ế muốn bỏ đi. Vấn đề chỉ là chỗ huy động được tình nguyện viên và thuyết phục nhà hàng hợp tác với mình”.
Bằng cách giải thích với họ rằng những thực phẩm hiến tặng người nghèo sẽ không bị áp thuế, không những tránh lãng phí mà còn giúp tôn thêm tên tuổi thương hiệu cho họ, Lee đã giành được thiện cảm và tin cậy của nhiều đơn vị, ngay cả những thương hiệu lớn như Starbucks và Panera Bread.
Hằng tháng, RLC đều gửi tới các đối tác những báo cáo thống kê về lượng thực phẩm đã quyên, khiến họ phấn khởi khi nhìn vào thành quả đóng góp cho xã hội.
Chàng thanh niên 24 tuổi Robert Lee cũng đã tập hợp được mạng lưới tình nguyện viên hơn 1.400 người chuyên mang đồ ăn thừa tới cho những người vô gia cư trên khắp thành phố.
Nhận thấy hiệu quả thiết thực từ công tác xã hội, năm ngoái Lee quyết định bỏ công việc tại Ngân hàng J.P. Morgan để dành toàn thời gian cho RLC.
Với khoảng 100-200 tình nguyện viên mới được bổ sung vào RLC mỗi tháng, Lee đang rất kỳ vọng vào sự phát triển trong quy mô hoạt động của RLC trong năm nay.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh tại New York, quy mô hoạt động của RLC đã mở rộng sang các khu vực khác như Washington D.C, Texas, Pennsylvania và New Jersey. Tới nay, RLC đã mở rộng hoạt động tới sáu thành phố của nước Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận