10/01/2019 10:05 GMT+7

Đừng sao chép bóng đá nước khác

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Theo cựu HLV đội tuyển bóng đá nữ VN (hiện là bình luận viên của ESPN), ông Steve Darby, việc sao chép phương pháp của Hà Lan hay Brazil đã đưa tới những tai hại cho bóng đá Úc và Saudi Arabia.

Đừng sao chép bóng đá nước khác - Ảnh 1.

Cần tổ chức các chương trình bóng đá cộng đồng trong trường học để qua đó phát hiện những tài năng - Ảnh: N.KHÔI

Sự phát triển nền bóng đá cần dựa vào văn hóa của quốc gia và mỗi dân tộc có một nền tảng văn hóa khác nhau

Steve Darby

Ông Darby đưa ra kiến giải: "Việc sao chép công thức từ một nền bóng đá khác là không nên, điều đó rất nguy hiểm. 

Bạn không thể chụp hình một chuyên gia nước ngoài để quảng bá cho giải bóng đá tổ chức vào ngày tết cổ truyền".

* Ở Anh, bóng đá học đường và bóng đá chuyên nghiệp có sự tương hỗ không, thưa ông?

- Ở mức độ đi lên chuyên nghiệp, bóng đá học đường và các học viện chuyên nghiệp không liên quan nhau lắm, thậm chí còn đối nghịch nhau. 

Từ năm 1992, Hiệp hội Bóng đá Anh đã khuyến khích các cầu thủ nhí đừng chơi bóng ở trường mà hãy tập trung cho việc rèn luyện ở học viện. 

Mục đích của việc này nhằm giảm tải cho các cầu thủ trẻ để họ được huấn luyện nhiều hơn và chơi ít số trận đấu lại. Khi tôi còn là một cầu thủ trẻ, tôi chơi khoảng 60 trận đấu/năm, bao gồm ở trường, CLB và giải đấu cuối tuần, một con số quá nhiều.

Dù vậy, trường học luôn là nguồn cung cấp cầu thủ lớn cho các CLB chuyên nghiệp. Do đó, các CLB thường gửi các cầu thủ và HLV đến trường tiểu học trong vùng để tổ chức các chương trình bóng đá cộng đồng để qua đó phát hiện những tài năng. 

Ở chiều ngược lại, điều này cũng có sự tác động tích cực với bóng đá học đường. Nó giúp học sinh có một định hướng rõ ràng khi chơi bóng ở trường học. Từ những bài tập đơn giản trong trường, họ có thể tiếp cận với những CLB chuyên nghiệp.

* Từng kinh qua rất nhiều môi trường bóng đá ở cả châu Âu lẫn châu Á, ông có lời khuyên nào cho công tác đào tạo trẻ của bóng đá VN?

- Tuy không sao chép nhưng VN cũng cần học hỏi một số quốc gia có văn hóa tương tự mình như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Hãy gửi người sang những quốc gia đó để học hỏi những ý tưởng tốt và phù hợp nhất.

* Theo ông, vấn đề lớn nhất của bóng đá trẻ VN là gì?

- Bóng đá trẻ VN cần thêm nhiều giải đấu cũng như các sân đấu. Có vẻ hơi mâu thuẫn khi tôi vừa nói rằng bóng đá Anh phải hạn chế bớt số trận đấu. 

Nhưng đó là ví dụ cho thấy mỗi nền bóng đá đều gặp những vấn đề khác nhau. Cầu thủ trẻ VN cần phải có nhiều sân đấu hơn nữa, cơ sở vật chất ở học đường và hệ thống giải đấu phải được cải thiện để họ có điều kiện cọ xát quanh năm.

Các HLV cũng cần nhận ra sự khác biệt giữa công tác đào tạo và việc giành chiến thắng. Các cầu thủ trẻ cần được khuyến khích chơi bóng chứ không phải sức ép hay chỉ trích. 

Đây là vấn đề mà bóng đá VN có thể cải thiện được, đừng tạo ra bầu không khí tiêu cực cho bóng đá trẻ. Hãy khuyến khích và hỗ trợ các em chơi bóng.

* Các phụ huynh ở VN thường không khuyến khích con em theo nghiệp cầu thủ. Ông từng gặp phải vấn đề tương tự hay chưa?

- Thật ra, đây là chuyện xảy ra ở khá nhiều quốc gia chứ không chỉ ở VN. Cuộc đời của một VĐV chuyên nghiệp thường gian khổ và mạo hiểm, nó có thể kết thúc vì một cú vào bóng thô bạo và rồi họ giải nghệ với hai bàn tay trắng. 

Vì vậy, các bậc phụ huynh muốn khuyến khích con mình học đại học hơn. Ngoài ra, họ cũng sẽ không muốn cho con mình vào các CLB có những quan chức nhũng nhiễu, luôn ký với cầu thủ trẻ những hợp đồng rất tệ. Đó là thực trạng tôi từng thấy ở VN lẫn nhiều quốc gia châu Á khác.

Ở Anh, các phụ huynh ở tầng lớp trung lưu đang ngày càng khuyến khích con cái theo nghiệp bóng đá vì họ nhìn thấy tiềm năng tài chính của nghề này. 

Ở VN, điều này là chưa thể nhưng VN cũng có nhiều lợi thế như quy mô dân số, tình yêu bóng đá của người dân. Mặt khác, LĐBĐVN (VFF) cũng cần phải cải thiện chất lượng quản trị của nhiều CLB. Có một số CLB đang đi đúng hướng như HAGL hay Học viện đào tạo bóng đá trẻ PVF, nơi có người đứng đầu là HLV lừng danh thế giới Philippe Troussier.

"Hi vọng có nhiều giải pháp giúp bóng đá Việt Nam phát triển"

TTO - Đó là chia sẻ của ông Lê Khánh Hải - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, chủ tịch LĐBĐVN (VFF) - với Tuổi Trẻ ngày 8-1 xung quanh tọa đàm “Để bóng đá trở thành môn thể thao quốc gia”.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên