Phóng to |
Quay cóp tại hội đồng thi Đồi Ngô (Bắc Giang) - Ảnh chụp từ clip |
Theo ý kiến ông bộ trưởng trả lời báo giới, “nếu theo quy chế về thi tốt nghiệp THPT thì việc các cháu làm như vậy là vi phạm quy chế. Việc phát tán trên mạng nhiều video clip như vậy làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn (!), đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các cháu học sinh còn nhỏ tuổi”.
Thiết nghĩ ở đây có hai mặt. Một mặt, các em có thể vi phạm quy chế thi khi đem máy quay vào phòng thi nhưng mặt khác các em quay clip để phản ứng với tiêu cực thì đó là mặt được.
Vi phạm chừng mực nào đó quy chế, nhưng việc đưa được sự tiêu cực, dối trá, bệnh thành tích trong thi cử ra dư luận là một cái công lớn, cần được tuyên dương. Không có những clip đó, dư luận sẽ bị ru ngủ bởi tỉ lệ tốt nghiệp mà không biết thực chất điều gì xảy ra.
Suy cho cùng quy chế không cho mang điện thoại vào phòng thi để tránh việc học sinh lưu trữ tài liệu và liên lạc với bên ngoài, bên trong phòng thi. Trong khi ta chưa có hệ thống camera giám sát từng phòng thi thì dùng điện thoại cho mục đích duy nhất quay lại những chuyện tiêu cực làm bằng chứng không thể chối cãi lại là một kênh giám sát hiệu quả. Quy chế chỉ nghĩ đến khả năng tiêu cực của người thi mà không tiên liệu khả năng tiêu cực của giám thị!
Hơn nữa, theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa - người đã đưa clip quay cóp trong kỳ thi tốt nghiệp: “Tôi đã đọc kỹ quy chế thi. Bộ GD-ĐT có văn bản cấm mang điện thoại di động và thiết bị thu phát vào phòng thi, nhưng các em chỉ mang bút có chức năng quay video vào, đây là thiết bị thu, chứ không thể phát. Nghĩa là các em không thể phát tán đề thi ra ngoài, nhận bài giải vào. Như vậy là các em không vi phạm gì cả”.
Cũng cần nói thêm rằng tiêu cực đã ở mức báo động. Chỉ riêng thầy Khoa “Tôi còn có clip quay ở một tỉnh miền núi, trong hội đồng có 7 phòng thi thì cả 7 phòng giám thị ra ngoài hết và một clip ở Hà Nội, tiêu cực còn ghê gớm hơn”. Nếu có nhiều người làm như thầy Khoa thì sự thật sẽ như thế nào.
Đáng buồn hơn cả là có của một bộ phận bạn trẻ khác cho rằng người quay clip làm chuyện... dở hơi, ngu dốt.“...Thằng ngu này. Giám thị đã thương tình 12 năm ăn học mà thả lỏng cho mày lấy cái bằng tốt nghiệp, lại còn làm cái trò mèo này nữa. 95% năm sau khổ rồi”, một học sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT đã ghi status trên Facebook của mình về chuyện video clip như thế.
Theo thông tin công bố mới đây, 38% số thanh niên được hỏi cho rằng họ sẵn sàng vi phạm nguyên tắc liêm chính để được nhận vào một trường/công ty tốt, tỉ lệ với những người lớn được hỏi là 43%. Rất nhiều người cho rằng việc tố cáo tham nhũng không có tác dụng, hoặc cho rằng “đó không phải là việc của tôi” (khảo sát do Tổ chức Hướng tới minh bạch và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng công bố ngày 8-8-2011).
Theo ý kiến của một chuyên gia xã hội học, điều đáng buồn và đáng báo động hiện nay là nhiều người cho rằng sự trung thực gắn liền với sự thiệt thòi, người trung thực bị coi là “kẻ ngốc”. Ông cho rằng thanh niên không có lỗi khi suy nghĩ như vậy mà trách nhiệm thuộc về xã hội, thuộc về các cơ chế tạo ra sự giả dối.
Vậy thanh niên chúng ta hiện nay đang sống trong môi trường xã hội nào? Đang bị cơ chế gì chi phối?
Chia sẻ về ý kiến này, lâu nay nhiều ý kiến rất bức xúc và trăn trở với nạn chạy chức chạy quyền ở xã hội ta. Có thể nói chạy chức chạy quyền đã trở thành một thứ “văn hóa” không mong muốn trong xã hội. Đây thật sự là một nguy cơ lớn!
Một em bé còn nằm trong bụng mẹ dù chưa biết gì nhưng cũng phải chứng kiến nạn "chạy": bố mẹ em bé phải chạy để được vào một chỗ sinh tốt. Em bé ra đời thì bố mẹ lại chạy trường tốt, thậm chí chạy vào đại học tốt. Rồi sau khi ra trường lại chạy chọt để được vào chỗ làm tốt. Lúc đã trưởng thành bản thân người này cũng đã hình thành thứ “văn hóa chạy” từ gia đình, và tiếp tục sống với thứ “văn hóa” đó của xã hội.Vậy lỗi này của ai?
Thật tình mà nói qua chuyện này có thể thấy niềm tin vào công lý, xử lý đúng sai, công tội trong ngành giáo dục nói riêng và cả xã hội nói chung đang có vấn đề về mất niềm tin. Ở đây, các thầy giáo và học sinh dấn thân vào chuyện phanh phui này không muốn “làm kẻ đốt đền”, nhưng hiện nay đang có tâm lý phải làm hành động gì đó bất thường để kêu cứu thì mới đánh động.
Tưởng cũng nên nhắc lại câu nói bất hủ của Êrôstrat trong “Vụ án kẻ đốt đền”: “mất tiền thì được bài học, mất tôn giáo thì khỏi thờ phụng, nhưng mất niềm tin thì mất tất cả”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận