Theo bạn đọc Tuổi Trẻ, chính quyền địa phương cần phải mạnh tay hơn với thói quen nhiều người dựng rạp giữa đường vì tiện lợi và tiết kiệm nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Bạn đọc Minh Trần cho rằng: "Không thể cứ nói du di rồi bỏ qua được. Ngoại trừ đám tang là nghĩa tận, gia đình bất ngờ không chuẩn bị kịp thì còn thông cảm. Các đám tiệc khác thì phải đúng nơi đúng chỗ, đúng thời gian quy định. Đường là để đi, không phải nơi đãi tiệc".
Cùng quan điểm, bạn đọc Thá Nghi bày tỏ: "Tui thấy cực chẳng đã đám tang thì ai cũng thông cảm, còn đám cưới bây giờ địa điểm đãi tiệc giá nào cũng có mà. Chủ nhà phải nghĩ cho khách đi tiệc, quần áo đẹp đẽ tới nơi ngồi ngoài đường nguy hiểm, ăn uống thì bụi bặm, nhà vệ sinh không có. Địa phương phải quyết liệt chuyện này thôi, người dân cũng phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ngày vui cả đời một lần thì phải vui cho trọn vẹn".
Nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương, bạn đọc nhla****@gmail.com có ý kiến: "Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân để nâng cao ý thức chấp hành. Cũng cần tăng cường trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc quản lý địa bàn. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cần có biện pháp mạnh hơn để răn đe, tránh tái diễn các vi phạm. Có thể cân nhắc tước giấy phép kinh doanh dịch vụ cưới hỏi đối với các cơ sở vi phạm khi dựng rạp tiệc ở nơi không được phép. Sự vào cuộc kịp thời và xử lý nghiêm minh của chính quyền địa phương sẽ giúp bảo đảm trật tự đô thị và an toàn giao thông".
Góp thêm góc nhìn, bạn đọc Nguyen Hoang Lan cho hay: "Nếu được mời đến đám cưới mà có tiệc bày ra đường như vầy, tui quay xe về ngay tức thì. Trong trường hợp này chủ tiệc đã sai, nhưng không thể không trách người đến dự tiệc vô tình "tiếp tay" cho sự vi phạm quy định của pháp luật và xem thường an toàn tính mạng của chính mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận