Nếu chúng ta ai cũng đã trải qua một quá trình học tập liên tục qua các cấp học thì đều có thể nhận thấy một điều là: trong một lớp khoảng 40 HS (như thời tôi đi học phổ thông) chỉ có 3-5% là HS giỏi; không quá 30% khá; 40-50% là HS trung bình; số còn lại là yếu và kém.
Ví dụ với môn toán, vật lý, hóa học, khi giáo viên giảng xong bài và làm 1-2 bài tập mẫu, nếu giáo viên cho một bài tập mới thì tôi nghĩ rằng trong 40 HS của lớp có không quá 10 người có thể làm được ngay, sau khi giải bài tập thứ nhất và đến bài tập thứ hai thì số người có thể làm được ngay là không quá 50%.
Cần phải hiểu một điều là 1 tiết dạy chỉ có 45 phút và GV không được "cháy" giáo án. Thế thì nhu cầu học thêm là nhu cầu của những HS chưa hiểu bài, chưa hiểu rõ bài và chưa làm được bài; họ cần được hướng dẫn lại.
Hay nói rõ hơn học thêm là nhu cầu của những HS có sức học trung bình hoặc yếu.
Bản thân tôi liên tục 26 năm đi học may mắn hơn nhiều người là có sức học tốt nên không đi học thêm nhưng bạn bè tôi nhiều người đi học thêm. Ngay cả khi học đại học cũng có nhiều sinh viên phải đi học thêm.
Thứ hai, chúng ta sẽ trả lời học sinh học thêm là học môn gì, học cái gì?
Một trong những bình luận khiến tôi đau lòng nhất là của một giáo viên khác (giáo viên đó tự nghĩ là mình dạy môn phụ) cho rằng vì các GV dạy thêm bị mất thu nhập nên bức xúc.
Nếu đem quan điểm ấy ra so sánh thì quả thật đó là tư duy hẹp hòi và suy nghĩ thiển cận đến mức không thể hình dung.
Trong thực tế có những môn học mà ai cũng có thể tự học hoặc nhờ sự hỗ trợ của người thân.
Chẳng hạn như môn lịch sử, nếu HS chưa hiểu bài trên lớp họ chỉ cần đọc lại phần đã ghi chép, đọc lại sách giáo khoa hoặc đọc tài liệu tham khảo là có thể nhớ bài, thế thì tuyệt nhiên HS không cần đi học thêm.
Ngược lại có những môn học như toán, vật lý, hóa học, văn học, ngoại ngữ HS không thể hiểu nếu không có sự hướng dẫn, trong khi có những cha mẹ không có (đủ) khả năng hướng dẫn con mình, do đó phải nhờ đến giáo viên có chuyên môn phù hợp để nhờ dạy thêm.
Thế thì HS học cái gì khi họ đến lớp học thêm?
Về cơ bản thì họ chẳng được học gì thêm ngoài việc được các thầy/cô hướng dẫn thêm một bài tập, giảng lại thêm một lần phần bài mà họ chưa (kịp) hiểu trên lớp. Như vậy học thêm là tích cực là đáng trân trọng. Cớ sao lại cấm?!
Tôi có một người anh ruột dạy môn sinh. Phần lớn các bài dạy của anh ấy học sinh đều hiểu có thể tự học. Nhưng khi đến những bài phân tích và giải bài tập di truyền lại có phụ huynh dắt con đến nhà nhờ thầy "kèm thêm".
Thứ ba, chúng ta sẽ xem xét lại việc cấm dạy thêm đối với giáo viên có công bằng như những người làm các ngành, nghề khác không?
Một giáo viên cũng là một cử nhân, kỹ sư cũng phải có đủ bằng cấp về trình độ, chứng chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ (nghiệp vụ sư phạm, lý luận dạy học, tin học, ngoại ngữ...), một dược sĩ, bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư... cũng phải như thế cả.
Vậy thì tại sao một bác sĩ được làm thêm ngoài giờ tại bệnh viện họ đang công tác, hoặc bệnh viện khác hoặc họ tự mở phòng khám riêng; luật sư, dược sĩ.... cũng thế cả, còn giáo viên thì không được làm thêm.
Như vậy xét trên nhiều phương diện việc học thêm là cần thiết và chính đáng, học sinh cần và có nhu cầu học thì ắt sẽ có nơi đáp ứng!
Vấn đề là quản lý như thế nào chứ không phải cấm bởi vì cấm ở trường thì cha mẹ sẽ thuê giáo viên về nhà dạy nếu con họ học yếu (thực tế có rất nhiều người đã thuê giáo viên dạy kèm tại nhà).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận