Hội thảo "Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học" diễn ra vào ngày 9-11 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024 (HANIFF VII).
Sự kiện thảo luận các vấn đề như chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh; những nhận thức phù hợp khi làm phim lịch sử, đối với chính sử, huyền sử và dã sử; vấn đề nâng tầm và phát triển phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, kinh nghiệm quốc tế.
Nỗi sợ mơ hồ kìm hãm sự phát triển
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ hiện ta thiếu những kịch bản phim hấp dẫn bởi: "Đôi khi các nhà làm phim tôn trọng quá mức các tác giả văn học, tự ngăn cản, kìm hãm mình hoặc bị bao vây bởi một nỗi sợ mơ hồ các đề tài thuộc về lịch sử, những nhân vật lịch sử".
Theo ông Thiều: "Chúng ta không phản bội lại bản chất lịch sử của thời đại, câu chuyện, nhân vật, sự kiện lịch sử đó nhưng có quyền tưởng tượng ra một đời sống khác để sáng tạo".
So sánh với Trung Quốc, họ có những nhân vật bước ra từ điện ảnh, dù "không phải là người Việt Nam, không thuộc văn hóa Việt Nam, dòng máu Việt Nam, lịch sử Việt Nam vẫn được các bạn trẻ Việt Nam yêu thích. Chúng ta chưa làm được điều đó", lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nêu quan điểm ở nước ta có những ví dụ chuyển thể từ tác phẩm văn học cũng như khai thác đề tài lịch sử thành công.
Song hiện tại "Việt Nam vẫn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử", ông Đông nói, và đó "là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử (gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài nhiều hơn".
Đất rừng phương Nam được "xới" lại
Ông Vi Kiến Thành, cục trưởng Cục Điện ảnh, kể khi ồn ào liên quan đến phim Đất rừng phương Nam nổ ra, một nghệ sĩ lão thành nói với ông rằng "các nhà làm phim, nghệ sĩ giống như những người dân đang cày bừa trên đồng ruộng, còn trên bờ ruộng thì cường hào ác bá chửi mắng rất nhiều".
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng bên cạnh một sự thật để nói đúng những gì, ai, cái gì đã xảy ra (được đề cập trong văn liệu, sử liệu), vẫn có một sự thật khác có thể kể bằng nội tâm, cảm xúc.
Đây là phần sự thật không được nhắc đến hoặc nhắc không đầy đủ trong lịch sử, là "đất" để các nhà làm phim sáng tạo.
"Song không ít người xem phim khai thác đề tài lịch sử là phim tài liệu. Chính điều đó "bó tay bó chân" nhà làm phim khi họ muốn sáng tạo", đạo diễn nói.
Theo ông Nguyễn Quang Thiều, điều này bắt nguồn từ những hạn chế về nghệ thuật, tư duy, quản lý lẫn công chúng.
Ông phát biểu, khi có một kịch bản hay, một đề tài hay thì những nhà làm phim phải sáng tạo hết mình và tin vào con đường sáng tạo của họ. Các nhà quản lý cũng nên đổi mới trong tư duy và cả người xem cũng cần mở rộng mình để tránh cái nhìn hạn hẹp, thô thiển.
Nhà nước không "nhúng tay", không thể phát triển
Các đại biểu bàn cách nâng tầm và phát triển phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Ông Tiền Trọng Viễn - giám đốc sản xuất As One Production - cho biết khi quay phim tại Trung Quốc, đơn vị ông nhận được nhiều hỗ trợ (về mặt chính sách, tài chính) từ các cơ quan ban ngành, từ chính quyền, cục điện ảnh, các hiệp hội cũng như các cơ quan nghiên cứu lịch sử suốt quá trình thực hiện bộ phim.
Chưa kể "phía sau thành công của những tác phẩm chuyển thể hoặc khai thác đề tài lịch sử là cả một bộ khung về nhân lực, kỹ thuật, phim trường... hoàn thiện, chạy rất đồng bộ", ông nói.
Nhà sản xuất Trinh Hoan, HKFilm, nhắc đến dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang trình xem xét tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV khiến giới làm phim hoang mang những ngày qua.
Nếu nội dung này được áp dụng, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang hưởng thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% sẽ phải chịu mức thuế 10%.
Điều này có thể kìm hãm sự phát triển của công nghiệp điện ảnh nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung.
Ông Trinh Hoan nói thêm làm phim là một công việc khó, làm phim đề tài lịch sử càng khó. Rủi ro lớn, vốn quay vòng chậm, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn không dễ dàng. Ít người mạo hiểm đứng ra làm những bộ phim có đề tài lịch sử một phần vì lẽ đó.
Ngoài sự cố gắng của các đơn vị sản xuất và nhà làm phim, vẫn cần sự "nhúng tay" của Nhà nước để kích thích phát triển điện ảnh.
Bà Đinh Thị Thanh Hương, đại diện Galaxy Studio, kể người làm phim đầu năm có nhà, cuối năm bán nhà trả nợ tiền làm phim là chuyện thường. Theo bà, "đây là một ngành muốn phát triển không thể không có ưu đãi".
Nhà sản xuất, đạo diễn Võ Thanh Hòa ví dụ phim Kính vạn hoa - một phim chuyển thể lấy bối cảnh những năm 2000 - cũng đã phải làm tới 343 cảnh dùng kỹ xảo (do ở ta thiếu những phim trường phù hợp).
"Vậy thì làm một phim về đề tài lịch sử, xa hơn, càng khó khăn cỡ nào", ông nói. Theo nhà sản xuất này, điểm lại thời gian qua chỉ còn khoảng 10 nhà làm phim là quen mặt, số còn lại vật vã trên thị trường rồi mất hút. "Ta nên chú ý bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao", ông bổ sung.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, chia sẻ trong bối cảnh hiện tại làm phim điện ảnh về đề tài lịch sử đang gặp khó, các nhà làm phim có thể nghĩ tới việc phát triển phim hoạt hình. Đây là thể loại cho phép tạo ra những bối cảnh mà trong đời thực có thể chưa đáp ứng nổi.
Ông Vi Kiến Thành kể vào thời điểm Đất rừng phương Nam ồn ào dư luận, Cục Điện ảnh phải lên Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội báo cáo tình hình tới ba lần. Lần ba căng thẳng nhất khi đề cập tới vấn đề trách nhiệm.
Ông Thành nói với ủy ban: "Ta không nên quy kết những điều mà đoàn phim cũng như những nghệ sĩ không làm. Tôi thấy họ không làm gì sai cả. Nếu muốn giải quyết ồn ào, tốt nhất đề nghị cách chức tôi".
Kêu gọi các nhà làm phim góp ý dự luật thuế
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong giai đoạn mà lĩnh vực văn hóa cần được quan tâm đặc biệt như hiện nay, cần tạo một môi trường thuận lợi cho văn hóa phát triển, trong đó có thuế. Vì thế, tăng thuế như vậy là "vô lý".
"Kêu gọi các nghệ sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn, các hiệp hội, ban ngành... có thêm tiếng nói để có thêm sự đồng thuận để giữ nguyên mức thuế 5% như hiện nay", ông Bùi Hoài Sơn nói giữa hội thảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận