Cảnh trong phim Độc thân không phải là ế
Dòng phim thanh xuân luôn được khán giả từ thanh niên đến trung niên thích thú theo dõi. Ở những nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, thể loại phim này dường như chưa bao giờ hạ nhiệt. Mỗi năm đều có phim thanh xuân mới.
Tuổi trẻ bao nhung nhớ
Nữ giám đốc nhân sự lạnh lùng Nam Hướng Vãn luôn bị ám ảnh bằng cấp bỗng dưng "xuyên không" trở về năm lớp 12 sau một giấc ngủ quên.
Khi biết bản thân không thể quay về hiện tại, cô liền đặt mục tiêu phải thi đậu Đại học Quang Hoa - nơi cô từng thất bại - để xóa bỏ chướng ngại tâm lý của mình.
Trailer phim Đừng phiền tôi học
45 tập phim Đừng phiền tôi học (phát sóng lúc 13h từ thứ hai đến thứ bảy trên HTV7) xoay quanh các học sinh năm cuối trường cấp III đang chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Phát sóng được 4 tập, phim bắt đầu đi vào mâu thuẫn học trò của tuổi mới lớn.
Hướng Vãn trong ngoại hình học sinh nhưng tâm hồn phụ huynh luôn kịp thời phản ứng lại những trò chèn ép, bắt nạt của những người bạn lớp 12A7, đứng đầu là Lâm Kiêu Nhiên - một thủ lĩnh bóng rổ
Phim Đừng phiền tôi học
"Đừng phiền tôi học!" - câu nói luôn xuất hiện trên môi của Hướng Vãn mang ít nhiều tâm trạng của những bạn trẻ bước vào kỳ thi cuối cấp hiện nay. Bên cạnh việc học, bộ phim còn khắc họa tình bạn, tình cảm gia đình, những mơ ước hoài bão... mang đậm màu sắc thanh xuân.
Cũng là phim Trung Quốc, Độc thân không phải là ế (phát sóng lúc 19h hằng ngày trên VTV2) nói về cuộc sống của những sinh viên đang vẽ nên những ước mơ của cuộc đời từ giảng đường đại học. Nguyên Thiển và Tần Thâm là hai người bạn cùng lớp khoa điêu khắc.
Phim Tôi độc thân dựa vào thực lực
Chàng học hành xuất sắc, lạnh lùng vô cảm; nàng "nấm lùn" nhỏ nhắn, tính cách mạnh mẽ... Họ là hai thế giới khác nhau nhưng lại rơi vào lưới tình của nhau. Đến tập 12, cả hai "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", gặp nhau là xung khắc nhưng lại luôn nhung nhớ...
Hai bộ phim phần nào gợi nhớ những câu chuyện về tuổi trẻ mà ai cũng trải qua, cũng muốn đắm chìm trở lại.
Cảnh trong phim Đừng phiền tôi học
Vắng bóng trên màn ảnh Việt
Trước đây, truyền hình Việt Nam trình làng nhiều phim thanh xuân như Kính vạn hoa, Nhật ký Vàng Anh, Bộ tứ 10A8, Thứ ba học trò, Trường nội trú hay mới đây có Con gái của mẹ...
Phần lớn phim được khán giả đón nhận, thậm chí như phim Zippo mù tạt và em, 10 tập đầu với câu chuyện thời sinh viên của các nhân vật chính được khán giả yêu thích hơn so với phần sau khi các nhân vật trưởng thành. Nhưng hai năm nay, thể loại phim này vắng bóng trên màn ảnh nhỏ.
10 tập đầu của Zippo mù tạt và em nói về cuộc sống thời sinh viên của các nhân vật trong phim được yêu thích
Trước thực trạng này, đạo diễn Minh Cao lý giải: "Phim về học đường muốn hay, muốn vui thì phải khai thác mấy trò quậy phá, nghịch ngợm của tuổi học trò, chuyện tình yêu tuổi mới lớn, cả những sai lầm (chuyện phá thai, đánh nhau...) đáng tiếc nữa.
Bên cạnh đó, những chuyện tiêu cực như chạy trường, chạy điểm, hối lộ, chạy theo thành tích, thầy cô đánh học sinh... phải khai thác sâu mới hay được.
Nhưng phim truyền hình Việt về tuổi học trò hiện nay đang làm theo xu hướng phải nhẹ nhàng, thầy cô thì chuẩn mực, đạo đức; nếu có khai thác chuyện tiêu cực thì cũng vừa phải. Nói chung, phần kiểm duyệt đã chặn đứng cái hay của phim. Vì vậy đề tài cũng bị bó hẹp, biên kịch khó viết hay".
Phim Trường nội trú do TFS sản xuất - phim Việt hiếm hoi nói về tuổi học đường
Đạo diễn Lê Khắc Hoài Nam kể bộ phim Trường nội trú do anh làm đạo diễn từng có số phận khá long đong, kịch bản đi vòng vòng qua mấy hãng phim và cuối cùng chỉ có Hãng phim TFS đồng ý thực hiện:
"Tôi cũng không hiểu tiêu chí của các đài như thế nào khi không đặt hàng phim về tuổi thanh xuân, học trò. Số lượng người xem ở đề tài này cực lớn. Chắc có lẽ học sinh không phải đối tượng các nhãn hàng quảng cáo hướng tới?".
Với dòng phim thanh xuân học đường, bên cạnh những khó khăn như bối cảnh quay, kinh phí làm phim cao hơn vì cần nhiều vai quần chúng..., theo đạo diễn Lê Khắc Hoài Nam, trở ngại lớn vẫn là thiếu kịch bản tốt.
"Yếu tố "đời" sẽ giúp phim đến gần với khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ. Một bộ phim được nâng quan điểm lên cao hoặc không gần gũi với đời sống thật của học sinh thì khó được đón nhận" - đạo diễn Hoài Nam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận