10/03/2015 10:13 GMT+7

Dùng pháp quyền để dựng lại người

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Nhiều độc giả đồng tình với kết luận của cuộc điều tra xã hội học “Bệnh giả dối là thói xấu đầu tiên cần loại bỏ”.

là kết luận của cuộc điều tra xã hội học “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (đăng trên Tuổi Trẻ ngày chủ nhật 8-3).

Nhiều độc giả đồng tình, đồng thời cũng có nhiều ý kiến tỏ ra bi quan về giải pháp. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với giáo sư Trần Ngọc Thêm, chủ nhiệm đề tài, vì thế tiếp tục về giải pháp.

“Giải pháp ưu tiên số 1 của tôi: pháp luật. Phải xây dựng và thực hiện một nền pháp quyền thật đầy đủ, chặt chẽ, nghiêm túc từ trên xuống dưới” - giáo sư Trần Ngọc Thêm không ngần ngại trả lời ngay, trong khi chúng tôi ngỡ ông sẽ chọn giáo dục là lĩnh vực của mình.

“Phải chọn một giải pháp mạnh mẽ, vì cả thực tế lẫn nghiên cứu đều cho thấy tình trạng là cấp bách” - ông nói thêm.

Không cần nói nữa đến những minh chứng về thói giả dối đang diễn ra muôn hình vạn trạng trong xã hội, ngay chính những phiếu điều tra của đề tài “xây dựng hệ giá trị...” cũng minh họa rất sống động cho con số 81% lựa chọn cho bệnh giả dối của kết quả phân tích.

Trước những câu hỏi có tính đối chiếu, so sánh, nhiều người vừa lựa chọn “xã hội công bằng, nề nếp, kỷ cương” là một trong những điều quan trọng nhất của cuộc sống, thì xuống câu hỏi sau lại chọn giải pháp “nhờ người quen can thiệp” và “làm ngơ khi thấy người khác vi phạm pháp luật”, thậm chí “hiểu pháp luật, quy chế nhưng không thực hiện khi bất lợi cho mình”.

Những người chọn khẳng định “nạn hối lộ là một trong những tệ nạn trầm trọng nhất...”.

“Người Việt chúng ta thường nghĩ một đằng nói một nẻo và làm theo một nẻo khác nữa”, kết luận đắng chát của những người làm nghiên cứu khoa học khiến người nghe nào cũng giật mình, cũng phải nhìn lại mình và thấy... đúng thật.

“Năm 2008, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục thực hiện điều tra cho kết quả: tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%, cấp II là 50%, cấp III là 64% và sinh viên là 80%. Ra khỏi giảng đường, vào đời, tỉ lệ 100% có lẽ chính là tỉ lệ hợp lý” - giáo sư Trần Ngọc Thêm cung cấp thêm.

Kết quả khoa học hiển nhiên như thách thức các loại giải pháp.

Trong đề tài còn có một câu hỏi cho phép người tham gia lựa chọn những điều quan trọng trong cuộc sống.

Thật may, “Trung thực” được 42,7% người trả lời lựa chọn, đứng sau hàng loạt ưu tiên khác: Hạnh phúc (gia đình) - 82,9%, Việc làm (ổn định) - 75,4%, Công bằng (xã hội) - 53,4%, Giàu có (nhiều tiền) - 52,2%, Nhà riêng (có sân/vườn) - 45%, Tình nghĩa - 44,3%.

Những con số thật thực tế và càng cho thấy thật khó để loại trừ được bệnh giả dối.

Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, niềm tin là một giá trị tối quan trọng trong đời sống con người nhưng lại chẳng được nằm trong tiêu điểm của sự quan tâm, có lẽ cũng rất liên quan đến bệnh giả dối.

Do vậy, nhất thiết phải thực hiện những giá trị pháp quyền một cách thật sự mạnh mẽ, quyết liệt, đầy đủ.

Pháp quyền sẽ đảm bảo được các quyền tự do, hạn chế được những cơ hội khiến con người phải giả dối, sẽ vực dậy được niềm tin và tác động rất lớn vào sự chuyển biến trong tính cách, tác phong của con người.

"Ưu tiên số 2 dĩ nhiên là giáo dục, và là giáo dục từ trong gia đình ra tới nhà trường và xã hội...” - giáo sư Trần Ngọc Thêm nói.

Khi một nhà giáo dục lựa chọn pháp luật làm ưu tiên một, lựa chọn ấy thật đáng suy nghĩ.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên