Phóng to |
Ảnh minh họa - Ảnh: Châu Anh |
Tôi phải cẩn thận khi đi qua những đoạn có ổ gà, “lô cốt”, những chỗ có nguy cơ sụp lở vào trời mưa. Tôi phải chú ý đến những người chạy ngược chiều, băng qua ngã tư mà không nhìn, vượt đèn đỏ, chạy loạng choạng ở các vòng xoay, quẹo không ra tín hiệu.
Tôi cũng phải dè chừng những người bất ngờ quăng tàn thuốc, rác trên đường mà không cần biết ai đang chạy sau mình, những người vừa nghe nhạc vừa lái xe, những anh chạy xe theo hình dicdăc trên đường vì còn say men rượu.
Tuy nhiên, tôi đã không nghĩ rằng mình phải cẩn thận với những người vừa lái xe vừa nói chuyện trên đường. Một lần khi băng qua cầu, tôi thấy mọi người cố đạp thắng và lách sang một bên để tránh một cặp đôi đang vừa lái xe vừa trò chuyện. Một số xe máy chạy lấn sang làn xe bốn bánh, làm ôtô và xe tải cũng thắng gấp để tránh đụng nhau.
Đây là một trong những ví dụ điển hình trong hàng ngàn tình huống có thể dẫn đến tai nạn giao thông vì người lái xe lơ là, chiếm phần đường mà không nghĩ đến những người xung quanh. Những ví dụ nói trên càng nguy hiểm hơn nếu xảy ra trên đường cao tốc, những đoạn đường chật hẹp hay trên cầu.
Mỗi ngày tôi thường chạy xe 30 phút đến công sở. Tôi biết nhiều người sống xa chỗ làm và còn mất nhiều thời gian hơn thế để di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong thành phố. Nhiều lần trên đường tôi thấy những vụ tai nạn gây ra do một nhóm dàn hàng ba, hàng bốn nói chuyện với nhau. Tất nhiên họ không trao đổi ngắn gọn như “Chúng ta đi đâu?” hay “Chúng ta sẽ quẹo chỗ nào?” mà thật sự họ trò chuyện trên đường.
Nhiều người bảo chuyện này nhỏ thôi và trò chuyện làm cho việc lái xe máy trở nên thú vị. Tuy nhiên, họ không biết rằng chuyện nhỏ này có thể gây ra hậu quả khôn lường. Bạn có nghĩ chúng ta có thể lái xe an toàn khi đang mải mê nói chuyện? Bạn nghĩ sao nếu hành động nhỏ của cá nhân này lại ảnh hưởng đến những người điều khiển giao thông xung quanh?
Tôi đã có kinh nghiệm từ những đồng nghiệp người Việt cũ, những người thích về cùng đường với tôi. Ban đầu tôi nghĩ đơn giản chúng tôi đi về cùng nhau một đoạn, nhưng tôi đã sai. Họ muốn lái chầm chậm kế bên tôi và nói đủ thứ chuyện trên đời. Tôi không thể tập trung lái xe nhưng không biết từ chối bằng cách nào. Giờ đây khi có đồng nghiệp tỏ ý muốn về cùng, tôi lấy lý do phải nghe điện thoại và bảo họ cứ đi trước hay khéo léo tìm cách ra về trước khi bị phát hiện. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đây lại là sự thật.
Khi chia sẻ điều này với một số người bạn nước ngoài sống ở VN, bạn tôi cũng bày tỏ sự khó chịu khi đang lái xe bỗng có một người bạn VN chạy theo và bắt đầu trò chuyện. Lúc đó tuy họ muốn tập trung lái xe nhưng cũng khó mà từ chối người bạn đang lái song song. Một điều khá thú vị là khi người nước ngoài chúng tôi lái xe cùng nhau, chúng tôi không bao giờ nói chuyện. Chúng tôi muốn tập trung tối đa và tránh bất kỳ rủi ro có thể xảy ra trong đám giao thông hỗn loạn của thành thị. Những câu chuyện hay và những tâm sự cần bộc bạch vẫn có thể đợi khi đến nơi an toàn.
Ngoài nói chuyện khi đang điều khiển giao thông, tôi hi vọng nhiều người sẽ bỏ bớt thói quen gọi điện thoại hay nhắn tin khi đang lái xe, gây nguy hiểm trên đường. Ở Mỹ, vấn đề này rất được quan tâm. Trong số 51 bang của Mỹ thì có 31 bang ban hành lệnh cấm nhắn tin khi đang lái xe. Nghiên cứu đã chứng minh có một mối liên hệ chặt chẽ giữa việc sử dụng các thiết bị điện tử và các tai nạn giao thông đáng tiếc trên đường.
Như bạn thấy đấy, những con số thống kê về số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở VN hằng năm đều làm chúng ta phải rùng mình. Điều khiển giao thông đòi hỏi một sự tập trung cao độ. An toàn giao thông bắt đầu từ ý thức cá nhân của mỗi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận