Phóng to |
Ngày 3-12, chúng tôi đến con đường giao thông liên ấp 4-5 thuộc xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An). Tuyến đường này bắt đầu từ Cầu Bông (ấp 4) - chợ Cầu Voi (ấp 5) đoạn giáp với quốc lộ 1A, dài khoảng 1,7km, mặt đường rộng khoảng 1,5m, được trải nhựa đường loại “xịn”. Cũng trên tuyến này, khoảng 10 con đường nhỏ dẫn vào nhà dân cũng sử dụng loại nhựa đường tương tự. Nhiều nhất là tuyến đường từ đường liên ấp đến cầu Bình Bát thuộc ấp 5, chiều dài khoảng 400m và rộng hơn 1m.
Hai năm trước, khi các đơn vị thi công đường cao tốc trải thảm mặt đường, một người dân địa phương tên Tòng đứng ra làm “cò” để mua lại phần nhựa đường dư ra trong quá trình thi công hoặc những mẻ nào không đạt chất lượng bị nhà thầu loại ra. Họ thuê xe máy cày chở về và bán lại cho ai có nhu cầu, giá trung bình 500.000-700.000 đồng/xe.
Ông Phạm Văn Khéo, phó trưởng ấp 5, xã Nhị Thành, cả quyết không hề có chuyện bêtông nhựa còn nóng hổi đem đi bán. “Tất cả số bêtông nhựa này đều là những phần dôi dư trong quá trình thi công, một số người dân trong vùng tranh thủ gom nhặt về bán lại cho ai có nhu cầu. Thấy vậy, khoảng cuối năm 2009 tui đứng ra vận động bà con trong vùng góp tiền trải lên tuyến đường giao thông liên ấp. Tổng kinh phí cho tuyến đường này khoảng 90 triệu đồng” - ông Khéo nói.
Tại địa bàn ấp Ngãi A (xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An), tình trạng người dân sống dọc tuyến đường dân sinh cặp với đường cao tốc sử dụng nhựa đường, đá dăm để lót đường đi, lót sân hoặc chất đống nhỏ trước nhà khá phổ biến. Một con đường rộng chừng 2m, dài hơn 500m dẫn vào ấp này được trải đá dăm phủ kín. Phần đá này, theo người dân, là phần dôi ra từ công trình đường dân sinh chạy cặp theo đường cao tốc.
Ông Lê Văn Đực, một người dân của ấp Ngãi A, cho biết hầu hết nhựa đường và đá dăm các hộ dân sử dụng là sản phẩm dư thừa từ công trường thi công đường cao tốc. Nói rồi, ông chỉ ra khoảng sân tráng nhựa rộng chừng 10m2 phía sau nhà và cho biết đó là nhựa từ công trình. Ở nhà nhiều hộ dân khác, những khối nhựa đường lổng chổng là phần thừa được cắt từ các công trình vẫn chưa được đập vụn để sử dụng lót sân.
Theo giải thích của người dân, nhựa đường thường được đơn vị thi công tráng trên toàn bộ mặt cầu, sau đó ở chỗ nối các nhịp cầu phần nhựa đường được cắt bỏ nên dôi ra. Những phần nhựa đường dôi ra hai bên đường cần cắt bỏ khi lắp đặt cống thoát nước cũng được người dân tận dụng.
Không thể bớt xén nhựa đường đem bán Chiều 3-12, ông Đỗ Ngọc Dũng - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - cho biết trong hai năm qua nhà thầu thi công đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương duy tu giặm vá mặt đường đã cào bóc mặt đường bị hư hỏng đem đổ bỏ vì lớp nhựa đường này không thể tái sử dụng. Do đó nhiều người dân địa phương đã xin nhựa đường này để sử dụng. Đồng thời trong quá trình trải nhựa đường đạt yêu cầu có dư ra một số lượng nhỏ nhựa đường, thay vì đổ bỏ thì nhà thầu cho người dân sử dụng. Dự án do đơn vị tư vấn Cuba giám sát thi công, không thể để xảy ra việc đơn vị thi công bớt xén nhựa đường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận