Nghệ nhân dân gian Ngô Thị Ngọc Bông hầu giá Bà hỏa phong Thần nữ - Ảnh: Nguyễn Á |
Nghi thức hầu đồng là một loại hình được VN gửi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Ngọc Mai, trưởng phòng nghiên cứu Tôn giáo & tín ngưỡng truyền thống (Viện nghiên cứu Tôn giáo).
* Xin chị cho biết hầu đồng có phải là mê tín dị đoan hay là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian?
- TS Nguyễn Ngọc Mai: Lên đồng hầu bóng là một hình thức thực hành tôn giáo dân gian. Trong lên đồng người ta sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau (âm nhạc, diễn xướng, thời trang...) và một số chất kích thích để giúp cho chủ thể có được những hưng phấn về cảm xúc.
Mức độ của trạng thái hưng phấn này cũng phụ thuộc vào tố chất và độ nhạy cảm của chính các căn đồng mà đạt tới những trường độ khác nhau, vì thế khi thực hành lên đồng giống như thiền động nó giúp những cá nhân có các bệnh lý về thần kinh (đau đầu, rối loạn cảm xúc ở thể nhẹ...) có thể giảm các triệu chứng, hoặc khỏi hẳn.
Đây chính là tác dụng y học của thực hành nghi lễ lên đồng mà công trình “Nghi lễ lên đồng, lịch sử và giá trị” của tôi đã chỉ rõ.
* Hầu đồng xưa và nay khác nhau như thế nào?
- Hầu đồng xưa và nay có nhiều điểm khác nhau: khác nhau về chủ thể, hình thức và phương cách biểu đạt. Ví dụ như lên đồng xưa thì các chủ thể là người có căn thực sự (tức là những người có căn tính, tâm lý khác người bình thường) còn lên đồng ngày nay chủ thể đa dạng có căn và không căn đều lên đồng.
Lên đồng xưa chủ yếu dùng các phương pháp thôi miên và tự thôi miên để rơi vào trạng thái ý thức bị mờ đi thay thế cho cảm xúc và vô thức trỗi dậy mà chủ thể có thể cảm nhận được năng lượng của vũ trụ ở các dạng khác nhau: sóng, âm thanh, hình ảnh...
Lên đồng ngày nay chủ yếu là biểu diễn “đóng thế” vai các thánh thần và vì biểu diễn nên nặng về khăn áo, âm nhạc, hát, chất kích thích… để tạo đà cho cảm xúc thăng hoa.
* Vậy bất kỳ ai tham gia hầu đồng đều không đáng bị lên án?
- Với quan điểm của cá nhân tôi thì hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thừa nhận quyền tự do tín ngưỡng của người dân thì ai cũng có quyền tin và không tin theo bất cứ tôn giáo nào. Do đó không thể nói là lên án ai cả.
Tuy nhiên, nếu khi thực hành bất cứ tôn giáo nào mà gây ra hệ lụy đến văn hóa dân tộc, đến cộng đồng và đến tính mạng, tài sản của các cá nhân tham gia thì mới cần lên án.
Một giá hầu đồng ở huyện Gia Lâm, Hà Nội - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ |
* Nếu tham gia hầu đồng vì mục đích cầu thăng quan tiến chức thì có đúng với bản chất của loại hình sinh hoạt văn hoá này?
Mỗi tín đồ hầu thánh ở các giai đoạn khác nhau thì có những bày tỏ mong muốn khác nhau. Bởi vì họ cũng là những chủ thể của hình thức sinh hoạt tôn giáo dân gian này.
Trong lên đồng của dòng Thanh Đồng xưa thì chủ yếu là để chữa bệnh âm (do vai trò của Trần Hưng Đạo được dân gian cho là ngài có khả năng trừ tà sát quỷ); còn lên đồng Mẫu là để cầu tài, cầu lộc (vì đây cũng là tôn giáo của tầng lớp thương nhân được cấu trúc lại từ thế kỷ XVII).
Còn lên đồng ngày nay là của người thời kinh tế thị trường. Mà kinh tế thị trường thì 2 yếu tố là tiền bạc và quyền lực là hai điều, hai ước muốn, tham vọng mà rất nhiều người mong muốn có được nên tất yếu họ cũng mang những ước muốn đó tới thánh thần để cầu xin.
Đây cũng là điều đặc biệt ở chủ thể văn hóa Việt Nam. Cứ mong muốn gì thì đều bày tỏ, xin xỏ với thần thánh hết và họ tin là Thần thánh sẽ đem lại cho họ. Còn có đem lại thật hay không thì chắc ai cũng biết cả.
Điều này có thể nói đó là niềm tin ngây thơ, nhưng cũng thật buồn khi ở thời nay (2016) rồi, hội nhập với thế giới rồi mà nhiều người vẫn không tự biết rằng để thành công hay thành nhân thì điều quan trọng là phải biết tự trau dồi kiến thức, kĩ năng, phấn đấu nỗ lực, làm việc chăm chỉ và có trách nhiệm với công việc ở mức cao nhất thì sẽ đem lại kết quả cho mình, cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn chứ không thần thánh nào làm thay chúng ta cả.
“Về việc một cán bộ công chức nhà nước tham gia hầu đồng có đáng bị lên án không thì vấn đề đặt ra là văn bản pháp quy của ngành văn hóa qui định ra sao. Theo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa thì hành vi của một công chức là sai. Có trường hợp, nói như dân gian, có người có căn đồng, họ phải tham gia sinh hoạt văn hóa dân gian này, có người đến với lên đồng coi như một sự giải tỏa, chữa bệnh... Nếu đến với lên đồng như một sự kinh doanh thì không được. Và sử dụng thời gian hành chính, đang làm việc của một công chức vào việc hầu đồng, sử dụng phương tiện công vào đi hầu đồng thì không được. Bản chất của sinh hoạt văn hóa dân gian này không gắn bó với sự thăng quan tiến chức. Kể cả ấn đền Trần Lộc Vượng, Nam Định có gắn với thăng quan tiến chức đâu? Không nên nghĩ rằng, hầu đồng nhiều là được thăng quan tiến chức” - GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật VN. |
>> Xem phóng sự ảnh đặc sắc: Hầu đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận