Kể từ khi thành lập Trung tâm Báo chí TP.HCM tháng 4-2019, trung tâm này chủ trương toàn bộ đồ nhựa dùng một lần đều loại bỏ - Ảnh: TỰ TRUNG
Không sử dụng băngrôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo và ngày lễ, ngày kỷ niệm.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ
Ông Hùng nói:
- Trong quá trình xây dựng dự thảo chỉ thị, chúng tôi đánh giá thực trạng lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần là vấn đề thực sự đáng báo động, đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương.
Cán bộ phải tiên phong
* Theo chỉ thị của Thủ tướng, các cơ quan, công sở tiên phong sẽ phải dừng ngay sử dụng nhựa dùng 1 lần trong năm 2020. Việc triển khai cụ thể thế nào, thưa ông?
- Lần này Thủ tướng chỉ thị bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý, hoàn thành trong tháng 10.
Với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng chỉ thị rõ phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Không sử dụng băngrôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo và ngày lễ, ngày kỷ niệm, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Lộ trình chung đến năm 2025 cả nước không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhưng thời điểm năm 2025 là toàn xã hội không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, còn với những công việc Thủ tướng đã chỉ thị, các cơ quan nhà nước, công sở phải gương mẫu, tiên phong ngay từ bây giờ, không chờ.
* Việc phân loại để tái chế sẽ làm thế nào, thưa ông?
- Phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở. Chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ, khuyến khích các mô hình kiểu mẫu làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Phân loại rác tại nguồn được nêu từ Luật bảo vệ môi trường 2005. Tức là cách đây 15 năm đã quy định tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải phân loại rác tại nguồn, nhưng qua 15 năm gần như việc này thực hiện không hiệu quả.
Ở một số địa phương đã thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng ở phạm vi nhỏ, thậm chí có dự án hợp tác quốc tế nhưng cũng chỉ xong dự án rồi thôi, mới mang tính phong trào. Vì vậy, lần này Thủ tướng chỉ thị khối cơ quan, công sở phải gương mẫu, tiên phong ngay từ việc phân loại rác tại nguồn, để từ đó lan tỏa về gia đình.
Thủ tướng cũng chỉ thị các bộ, ngành, địa phương thực hiện truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa cho cán bộ, công chức, viên chức, thông qua đó vận động người dân.
Sẽ có giám sát, đánh giá
* Để triển khai chỉ thị, có tính đến cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện hằng năm với khối cơ quan nhà nước, công sở không?
- Thủ tướng đã chỉ thị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch hành động, việc đánh giá kết quả thực hiện hằng năm của từng bộ, ngành, địa phương đương nhiên phải có. Chỉ thị nêu rất rõ các bộ, ngành, địa phương báo cáo định kỳ hằng năm việc thực hiện để Bộ Tài nguyên - Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Thực tế đã có một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài tích cực, quyết liệt trong việc này. Tuy nhiên với khối cơ quan, công sở, dù đã có nơi "nói không" với đồ nhựa dùng một lần, nhưng nhiều nơi vẫn dùng rất phổ biến. Nếu thực hiện hiệu quả, lợi ích mang lại sẽ rất lớn cả về môi trường và kinh tế.
Đặc biệt, khi các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ dùng ngân sách mua sắm những sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế mua sắm sản phẩm nhựa dùng một lần, ít nhiều sẽ làm thay đổi định hướng của các đơn vị sản xuất. Khi đó, chính những đơn vị sản xuất đồ nhựa dùng một lần sẽ phải chuyển đổi sang sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường để tiêu thụ được sản phẩm.
* GS.TS Đặng Kim Chi (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam):
Làm gương từ người đứng đầu
Các cơ quan nhà nước đang sử dụng rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, trong đó có sản phẩm nhựa dùng một lần như cốc uống nước, chai nước uống, bao bì nilông đóng gói. Vì vậy việc có một chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, công sở gương mẫu, đi đầu trong hạn chế, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần là rất đúng và trúng.
Việc các cơ quan gương mẫu, tiên phong thay đổi hành vi, thay đổi thói quen sẽ giảm thiểu đáng kể rác thải nhựa. Quan trọng hơn là từ đó hình thành ý thức, chuẩn mực cho thấy cơ quan nhà nước luôn luôn gương mẫu trước những vấn đề cấp bách trong bảo vệ môi trường.
Còn muốn hiệu quả, người đứng đầu phải thực sự gương mẫu. Họ nói không với sản phẩm nhựa khó phân hủy, đồ nhựa sử dụng một lần, chắc chắn các hội nghị, hội thảo, sự kiện và các hoạt động của đơn vị đó không có sự xuất hiện đồ nhựa dùng một lần, đến cấp phòng, ban sẽ nhất mực thực hiện.
Tiếp đến từng cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, giá trị đó sẽ lan tỏa về gia đình, khu dân cư, bạn bè, hàng xóm, khi đó sẽ càng có nhiều nơi cùng thay đổi hành vi, thói quen.
Tăng khung thuế với túi nilông lên gấp 4 lần
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cho biết đang triển khai nghiên cứu tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nilông. Để làm việc này thì phải sửa Luật thuế bảo vệ môi trường, bởi hiện mức thuế đang áp dụng với túi nilông đã kịch khung là 50.000 đồng/kg.
Một cán bộ Vụ Chính sách thuế cũng cho biết từ năm 2018 Bộ Tài chính đã hoàn thiện, đưa ra lấy ý kiến và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilông mức tối đa lên gấp 4 lần so với hiện nay, từ 50.000 đồng/kg lên 200.000 đồng/kg.
Mức này được đưa ra trên cơ sở mức độ gây ô nhiễm môi trường của sản phẩm. Mặt khác mức thuế mà Việt Nam đang áp dụng quá thấp so với các nước khác nên chưa có tác động nhiều tới hạn chế việc sản xuất, sử dụng. Nhiều nước trên thế giới còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilông.
Do đó thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường theo hướng không chỉ tăng mức thuế đối với túi nilông, bao bì và sản phẩm nhựa khác gây hại đến môi trường mà còn bổ sung thêm những sản phẩm khác gây hại đến môi trường.
Bên cạnh đó Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp Bộ Tài nguyên - môi trường đề xuất chính sách tài chính nhằm ưu đãi, hỗ trợ đối với túi nilông thân thiện môi trường, các sản phẩm nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường.
L.THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận