28/05/2012 06:17 GMT+7

Đừng ngại tiếp thị mình

THÁI BÌNH - HẢI THI
THÁI BÌNH - HẢI THI

TT - Nhiều bạn trẻ khi nói đến “thương hiệu cá nhân” thường ngại ngần vì cho rằng mình chưa làm gì thành công nên chưa thể có... danh hiệu. Nhưng bất cứ ai cũng cần và có thể có thương hiệu cá nhân theo cách riêng.

RMQk0bqn.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Việt Thanh hướng dẫn các bạn trẻ dự buổi giao lưu cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng - Ảnh: Quang Định

Đó là điều được khẳng định tại chương trình “Thương hiệu cá nhân dưới mắt nhà tuyển dụng” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 27-5.

Không phải “hàng xa xỉ”

Trên màn hình có ảnh hai chiếc túi xách da gần như giống hệt nhau từ chất liệu, kiểu dáng. Bà Nguyễn Thị Việt Thanh, giám đốc điều hành của Anphabe.com, cho biết giá của một chiếc khoảng 50 USD, chiếc còn lại là 1.500 USD. “Chúng giống nhau, khác biệt lớn nhất là thương hiệu. Thương hiệu cá nhân cũng có giá rất khác nhau” - bà Thanh khẳng định. Và có giá càng cao thì càng có nhiều cơ hội “nâng niu”, với vật là sự giữ gìn, với người là các chế độ đãi ngộ và thăng tiến.

“Tôi đã nhấn mạnh ưu điểm của tôi là lòng nhiệt tình, sao nhà tuyển dụng vẫn không chịu nhận?” - một sinh viên tên Thủy chia sẻ lần xin việc thất bại mới đây. Ông Ngô Đình Đức, giám đốc điều hành của Công ty L&A, đáp rằng “lòng nhiệt tình” hầu như sinh viên mới ra trường nào cũng có, chưa kể Thủy cũng chỉ nói thôi chứ đâu có “bằng chứng” thuyết phục về ưu điểm đó của mình. Theo ông Đức, thương hiệu cá nhân không chỉ “có giá”, hấp dẫn mà còn phải khác biệt, riêng có của một người. Đó là tổng hợp những yếu tố về tính cách, năng lực, phong cách...

Cũng về thương hiệu cá nhân, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - bổ sung “phải được hình thành liên tục và nhất quán”. Theo ông Quỳnh, dù muốn hay không thì mỗi người luôn sẵn có thương hiệu cá nhân chứ “món” này không phải là câu chuyện của riêng những người nổi tiếng. Ý kiến này làm nhiều bạn trẻ vỡ lẽ bởi nhiều bạn rất ngại vì cho thương hiệu cá nhân là chuyện to tát.

Phải tiếp thị mình

Màn hình trình chiếu chân dung của nhiều người. Bà Thanh đề nghị 200 bạn trẻ dự chương trình nhận xét về những gương mặt xuất hiện. Đẹp, tự tin, lịch lãm, tươi vui... Theo bà Thanh, nếu ngay từ lần đầu tiên gặp mặt ai đó mà tạo được ấn tượng tích cực như thế thì hình ảnh của bạn gần như mãi như thế trong mắt họ. Theo một nghiên cứu, trong “phút đầu lưu luyến ấy”, vẻ ngoài tươm tất góp tới 55%, ngôn ngữ cơ thể chiếm 38%, còn lời nói chỉ là 7%. Nhiều bạn cứ lo chuẩn bị “diễn văn” thật chỉn chu, thế nhưng những cử chỉ, hành vi ngay trong lúc... ngồi chờ đến lượt phỏng vấn đã bị loại.

Theo bà Thanh, tối đa ấn tượng đầu tiên còn đến từ trang phục hay cách bắt tay, trao danh thiếp. Nhiều bạn trẻ ứng tuyển vào các vị trí cần ăn mặc lịch lãm nhưng lại mặc áo thun in màu lòe loẹt, quần jean te tua. Cũng vậy, có nhiều lỗi đến từ thao tác bắt tay: bóp quá mạnh, hời hợt, giữ quá lâu, lắc quá mạnh...

“Bạn nào có sử dụng danh thiếp?” - bà Thanh hỏi. Lác đác một vài cánh tay giơ lên, điều đó có nghĩa là còn nhiều bạn trẻ chưa sẵn sàng tận dụng tối đa cơ hội để giới thiệu mình với người khác. Ngoài ra, tối đa hóa cơ hội giới thiệu còn thể hiện qua tóm tắt hồ sơ tìm việc (CV) và phỏng vấn tuyển dụng. Cụ thể, nhiều CV còn dài dòng, bố cục hoặc khai báo thông tin không hợp lý. Những ứng viên chủ động nói thêm về mình, thể hiện sự háo hức với công việc cũng tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Nhưng theo ông Tuấn Quỳnh, tất cả những sự thể hiện ấy chỉ có thể làm dày thêm giá trị thương hiệu cá nhân của một người nếu đó thật sự là kết quả của một quá trình nỗ lực rèn luyện và vun đắp lâu dài. Chia sẻ trải nghiệm cá nhân, ông Quỳnh cho biết ngay từ thời sinh viên đã chú ý tạo thương hiệu bản thân qua việc tích cực nghiên cứu khoa học và hoạt động cộng đồng. Chỉ những việc đó ông cũng đã tạo ra “tên tuổi” nho nhỏ. Ra trường làm việc trong ngành dầu khí, ông tiếp tục là người vừa làm chuyên môn nhưng cũng rất năng nổ trong các hoạt động thanh niên và cộng đồng. Cũng vậy, với các diễn giả còn lại trong buổi tọa đàm, thương hiệu cá nhân là điều họ ý thức và xây dựng chứ không phải tự nhiên mà có.

Không bao giờ trễ

“Không bao giờ trễ trong việc xây dựng và nâng tầm thương hiệu cá nhân” - bà Thanh chia sẻ. Muốn vậy, ông Quỳnh cho rằng cần xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp và mục đích cuộc đời, luôn nỗ lực phấn đấu trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đó, thái độ tích cực trong hợp tác và giúp đỡ mọi người, kết nối mạng lưới, luôn là chính mình và nhất quán trong việc truyền thông về bản thân. Và điều đó, theo ông Đức, chỉ thành công khi bạn biết khát khao chinh phục mục tiêu và nghiêm túc thực hiện các cam kết với chính mình.

THÁI BÌNH - HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên