02/11/2018 08:58 GMT+7

Đừng 'lấy đá ghè chân mình'

HUỲNH HIẾU
HUỲNH HIẾU

TTO - Trong chuyến làm việc tại Bình Định (ngày 31-10), đoàn của Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu đã bất ngờ lên tàu đánh cá đang neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và đặt nhiều câu hỏi với chủ tàu.

Các nghị sĩ hỏi ngư dân từ vùng biển đánh bắt cách bờ bao xa, khai thác bằng ngư cụ gì, bảo quản cá ra sao, bán hải sản thế nào?...

Điều này cho thấy có sự ưu tiên quan tâm của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngư dân trong hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (gọi tắt là IUU). 

Theo các chuyên gia, IUU có ba cấu phần: đánh bắt cá bất hợp pháp, không đúng chỗ, không đúng mùa; không báo cáo; không được quản lý. 

Trong đó đánh bắt cá bất hợp pháp là chuyện đáng quan tâm nhất, mà "nhân vật chính" của câu chuyện này là ngư dân.

Các ngành chức năng của Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau… - những tỉnh thường có ngư dân đánh bắt "lạc" sang vùng biển nước ngoài - đã ráo riết quản lý tàu cá bằng cách gắn thiết bị giám sát hành trình, yêu cầu ngư dân khai báo ngư trường và lịch trình đánh bắt… 

Đó là những biện pháp cấp bách cần thiết, song về cơ bản lâu dài phải nâng cao ý thức cho toàn bộ ngư dân nước ta nói không với đánh bắt cá bất hợp pháp. 

Việc đánh bắt "lạc" sang vùng biển nước ngoài lâu nay đã dẫn đến nhiều hệ lụy: tàu bị bắn chìm, ngư dân bị bỏ tù, gia đình ngư dân bị khánh kiệt vì tiền nộp phạt, Chính phủ phải thương lượng với các nước láng giềng để họ trao trả ngư dân...

Chuyện bây giờ không chỉ liên quan đến các nước láng giềng với nhau, mà là của cả cộng đồng quốc tế khi EC đã rút "thẻ vàng". 

Đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ từng bị EC phạt thẻ. Kinh nghiệm từ các nước thoát khỏi "thẻ vàng" EC nhanh như Philippines hay Hàn Quốc cho thấy họ hết sức chú ý đến việc nâng cao trình độ của ngư dân mình, gắn với việc duy trì hoạt động nghề cá bền vững.

Do vậy, cùng với các giải pháp về pháp lý, xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm, cải tổ bộ máy quản lý nghề cá, tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác trên biển, xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá phục vụ việc quản lý và truy xuất nguồn gốc hải sản… cần xác định một việc làm liên tục là truyền thông cho ngư dân những lợi ích quan trọng khi nói không với đánh bắt cá bất hợp pháp. 

Vì chỉ một phần nhỏ ngư dân vi phạm, dẫn đến việc EC rút "thẻ vàng" (gây thiệt hại rất lớn đến xuất khẩu thủy sản, đương nhiên sẽ tác động tiêu cực lại ngay đời sống của người đánh bắt) là ngư dân đã "lấy đá ghè chân mình", ghè chân nền kinh tế, ghè chân luôn hình ảnh quốc gia.

Đây cần phải được xem là trách nhiệm của các địa phương miền biển để thay đổi tập tính đánh bắt của ngư dân, nâng cao hình ảnh ngư dân VN văn minh, chấp hành tốt luật pháp quốc tế.

Nói không với đánh bắt cá bất hợp pháp, từ nỗ lực của phía chúng ta phải cho quốc tế thấy rằng đây không phải là những giải pháp mang tính đối phó, mà VN sẽ tiếp tục duy trì để xây dựng nghề cá bền vững trong tương lai.

HUỲNH HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên