Lòng tham cầu
Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng phân tích về tình trạng thảy tiền “làm hư cả chốn thanh tịnh”: “Có nhiều người sẵn sàng đóng góp công đức cho đền chùa mà không cần biết làm thế nào để tốt hơn cho di tích. Hoặc mang những bộ đèn tóe treo sau lưng tượng Phật cổ, hoặc cúng những đôi lục bình đắt tiền cao đến hai thước mà nhất định đòi đặt lên ban thờ, trong khi tượng Phật chỉ cao từ nửa đến một thước. Có ngôi đình vào theo chiều dọc ở Nam Định, mặt tiền chỉ có ba thước, thế mà hai tín chủ tranh nhau, một người cúng một lư hương đá cao vượt đầu người, rộng đến hai thước… Trông thấy những pho tượng ngả màu, họ đòi bỏ tiền sơn lại. Thiền sư Thích Thanh Dũng gọi đó là lòng tham cầu, trước tiên đòi hỏi Phật, thánh thần phù hộ cho mình rất nhiều tham vọng, sau đó làm hư cả chốn thanh tịnh. Tôn giáo mang màu sắc hiện đại, lại pha thêm chút hám danh hám lợi là cái rất... khó bàn”. |
Tự do tín ngưỡng không có nghĩa ai muốn thờ cúng gì thì cứ vậy mà thờ cúng, ai muốn làm gì ở các cơ sở tín ngưỡng của mình thì cứ theo ý muốn cá nhân mà làm, không cần quan tâm đến người xung quanh, không cần quan tâm đến các giá trị văn hóa và môi trường.
Sự nhập nhằng trong quản lý cùng với sự thiếu ý thức, tính ích kỷ chỉ muốn thỏa mãn lợi ích riêng tư đã đưa đến tình trạng “thả cửa” không có định hướng làm nảy sinh các tệ đoan lẽ ra cần phải loại bỏ từ lâu.
Thiếu trang nghiêm
Không phải tất cả, nhưng có một số ngôi đền, phủ, thậm chí cả những ngôi chùa, di tích nổi tiếng như chùa Hương, chùa Mía... không chỉ ở miền Bắc mà cả một số cơ sở tín ngưỡng ở miền Nam như đền Bà, Bát Bửu Phật Đài (Phật Cô Đơn)… cũng không tránh khỏi cảnh đốt vàng mã một cách phung phí, tiếng cầu khấn được nói to râm ran, hương được thắp từng nắm lớn vô tội vạ, khói nghi ngút tạo nên sự ngột ngạt trong không gian tâm linh lẽ ra cần sự thanh khiết và tĩnh lặng.
Thêm nữa, tiền lẻ vung vãi, có nơi nhét vào tay các thánh tượng, để trên bàn thờ, nhét vào bất cứ nơi nào có thể, kể cả các biểu tượng trang trí, các ngẫu tượng, thậm chí các khe hở như đã thấy qua những hình ảnh tại chùa Đồng ở Yên Tử. Cảnh tượng ấy rất thiếu trang nghiêm - điều cần phải có nơi các vị trí thiêng liêng. Có nơi người ta tưởng sẽ không bao giờ có thể xảy ra điều đó, thế mà lại diễn ra một cách tùy tiện như ở đền Hùng, một số ngôi chùa nổi tiếng ở miền Bắc như chùa Hương, chùa Đồng (Yên Tử)…
Để xảy ra tình trạng đó một phần do người đi lễ thiếu ý thức, phần nữa cũng phải nói đến là do người chủ quản các cơ sở tín ngưỡng không kiên quyết loại trừ.
Một số ngôi chùa, cơ sở tín ngưỡng đã có những bảng nhắc nhở người đến lễ không nên thắp nhiều hương và bất cứ nơi nào cũng có thùng công đức, nhưng dường như người ta không để tâm đến. Việc ta, ta cứ làm. Đến một số cơ sở tín ngưỡng, thậm chí là di tích văn hóa cấp quốc gia, cảnh tượng phóng túng ấy khiến nhiều người lo lắng, đau lòng.
Làm trong sạch suy nghĩ
Phóng to |
“Một niệm tâm thành thông suốt đến ba cõi”, người xưa đã nói. Đến các nơi cầu nguyện, điều cần thiết là sự sửa soạn tự làm trong sạch suy nghĩ, lời nói và hành động của chính mình; phẩm chất trong suy nghĩ, lời nói và hành động tốt, đối với Phật giáo và tinh thần dân tộc, là phẩm vật cao nhất để hướng đến thánh hiền, chứ không phải có thể dùng những vật phẩm khác, đặc biệt là tiền bạc, để có thể “mua chuộc” thánh hiền, để có thể chuyển họa thành phúc được.
Tuy nhiên, không có sự hướng dẫn, với chủ trương tự do tín ngưỡng thiếu định hướng, nhiều người đã “lấy bụng ta suy ra… bụng thánh hiền” nên đã có những suy nghĩ, lời nói và hành vi như đã nêu. Một kết quả hình thành thường tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chúng ta nhận thức được, có nguyên nhân xa đôi khi không thấy nên cứ nghĩ là lời cầu khấn đã ứng nghiệm, cùng với nỗi lo sợ về tính bấp bênh, không chắc chắn của mọi việc, sự khó khăn của đời sống mưu sinh, tính bất thường và luôn vận động của mọi hiện tượng, nên nhiều người cứ vậy mà phó thác cho… thánh hiền.
Họ báo đáp, “trả lễ” bằng các vật phẩm thịnh soạn theo suy nghĩ chủ quan của mình, bằng tiền bạc theo suy nghĩ thông tục của mình, và lại muốn lễ vật, tiền bạc… phải được trao tận tay thánh hiền! Nên có những cảnh tượng khôi hài và đau lòng, phá hoại tính thiêng liêng ở các pho tượng thần, mẫu, các đồng tử, kể cả tượng bồ tát, thánh hiền bị nhét tiền vào tay, chân…
Chưa có một thống kê xã hội học hay nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này, một vấn đề lẽ ra cần đặt lại một cách cơ bản, vì nó liên quan đến nhu cầu tinh thần tối thiểu của con người, không thể cấm đoán. Nó cần được giải thích, hướng dẫn qua các tổ chức xã hội, tôn giáo, văn hóa tín ngưỡng được pháp luật công nhận. Còn không, tình trạng này cứ để “thả cửa” thì sẽ có nhiều biến tướng, đi đến tình trạng mê tín dị đoan ảnh hưởng không tốt đến xã hội và định hướng xây dựng xã hội văn minh như tất cả chúng ta mong muốn.
Trách nhiệm ấy, trước hết ở mỗi người có tâm niệm đi lễ và của cả các cơ quan hữu trách về văn hóa và tôn giáo, đặc biệt là những người đang nắm quyền quản lý các cơ sở đó.
Mong bỏ tục đốt vàng mã Cách đây hơn 50 năm, một vị lãnh đạo Phật giáo uy tín ở miền Bắc, cố hòa thượng Tố Liên, người đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế về Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung, người đã đưa lá cờ Phật giáo về nước và ngày nay trở thành đạo kỳ của Giáo hội Phật giáo VN, đã đau lòng lên tiếng thống thiết trong một bài viết trên tạp chí Đuốc Tuệ từ năm 1952: “Bịa đặt tục mê tín, dị đoan, làm hình nhân thế mạng vào lễ tam, tứ phủ để đầu độc mê tín đến ngày nay là bắt đầu từ người Vương Luân(...) Đến sự mê tín của dân tộc VN, chúng ta cũng chẳng kém thế, vì chưng trước đây, người Trung Quốc đã nắm quyền đô hộ mình hơn 1.000 năm”. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân và phân tích về sự nguy hại khó lường của những tệ đoan mê tín, vị cao tăng này đã khẳng định: “Xin hỏi trí thức VN hiện tại tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào? Nếu các ngài tìm thấy, bần tăng này xin cam tâm vào địa ngục để chịu lấy vong hữu. Nếu không tìm thấy tục đốt vàng mã do Phật giáo hay Nho giáo truyền dạy, một lần nữa bần tăng thiết tha yêu cầu các ngài bỏ tục vàng mã đi, lại sẽ khuyến hóa mọi người bỏ tục đốt vàng mã đi, vì tục đốt vàng mã là do Vương Dũ và Luân Vương đầu độc dân Trung Quốc làm dân VN chúng ta cũng bị hại lây. Nay chúng ta cùng nhau triệt để bài trừ mê tín đốt vàng mã, quyết nhiên giữa dân tộc VN này để dành cho chúng ta viên thành một công nghiệp kiến quốc vậy” (trích lại từ Văn Hóa Phật Giáo, số 15-8-2008). Tinh thần và thái độ của bậc cao tăng này hiện nay vẫn chưa cũ, trước thực trạng trên mà báo chí đã nêu. Cần phải loại bỏ các tệ đoan mê tín ra khỏi các cơ sở chùa chiền. Đó cũng chính là thái độ của Phật giáo về vấn đề này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận