Phóng to |
Phố cổ Hội An cần giữ hình ảnh thân thiện, hiền hòa vốn là nét thu hút du khách nhiều năm nay - Ảnh: Thanh Ba |
Hụt hẫng
Công ty tôi cũng đã lên lịch tổ chức đi du lịch cho một số nhân viên xuất sắc nhân dịp nghỉ lễ dài ngày, đã đặt phòng ở một khách sạn trong phố cổ Hội An. Nhưng đọc thông tin phản ứng của du khách đến Hội An mấy hôm nay, lãnh đạo công ty đã đổi ý không vào Hội An nữa mà chỉ thăm Non Nước thôi, làm chúng tôi hụt hẫng vì chưa biết gì về Hội An và chúng tôi cũng mong được đến đó.
Đừng chặn, xét hỏi...
Thành công những năm gần đây của Hội An không phải nhờ các danh hiệu của UNESCO, mà là chính nỗ lực của người dân Hội An trong cách làm du lịch thân thiện, hiền hòa. Các nhà hàng hấp dẫn, các hiệu may đo quần áo, giày dép khéo léo, các cửa hàng lồng đèn đầy màu sắc. Thêm vào đó là các chương trình tour đồng quê, sinh thái gây được phần nào thiện cảm đối với du khách.
Tôi thấy cái kiểu ngăn sông, cấm chợ, chặn và xét hỏi du khách như hiện giờ thật là phản cảm. Chắc chắn nếu việc thu phí kiểu này tiếp diễn, du khách sẽ không thấy vui vẻ gì ở Hội An nữa. Phố cổ sẽ trở lại vắng lặng, buồn thảm...
huanyoko@...
Thay đổi cách bán vé
Cách làm của chính quyền Hội An đã tự phá nát điểm mạnh nhất của mình. Thay vì giúp du khách tận hưởng cảm giác yên ả, thanh bình và thi vị khi đến với phố cổ Hội An, du khách lại bị chiếm ngự bởi cảm giác bực bội, mệt mỏi từ việc phải mua vé ngay cửa ngõ phố cổ và những ánh mắt thiếu thiện cảm, soi mói, kiểm soát của nhân viên soát vé khắp mọi nơi.
Giải pháp cho việc này là Hội An phải bỏ ngay việc bán vé toàn bộ các khu vực chung, các trục đường giao thông công cộng. Phố cổ rõ ràng là đường phố công cộng và việc thu tiền vé bản chất là xâm phạm quyền tự do đi lại của du khách. Ngay cả Chùa Cầu cũng không nên thu vé, vì đây rõ ràng là cây cầu huyết mạch giao thông, thu vé chẳng khác nào bắt ép du khách. Tiền vé chỉ nên bán ở những điểm di tích nhỏ và nếu du khách có nhu cầu thăm điểm đó thì họ sẽ mua.
XUÂN TÂM (TP. HCM)
Cần sự chung tay
Tôi đi Campuchia, ở Siem Reap phải mua vé tham quan. Vé có giá 20 USD hay 25 USD/ngày/khách. Nếu khách mua vé có giá trị dài ngày hơn thì sẽ rẻ hơn, càng dài ngày càng rẻ. Anh chàng hướng dẫn nói tiền đó dùng để trùng tu, tôn tạo, bảo quản các di tích để các bạn chiêm ngưỡng. Chẳng thấy khách nào có ý kiến gì, vui vẻ mua vé.
Đi Bagan ở Myanmar, đến nơi lúc hừng sáng, lấy phòng nghỉ xong bắt đầu đi loanh quanh. Anh chàng đánh xe ngựa nhẹ nhàng hỏi tôi đã mua vé tham quan ở Bagan chưa. Tôi bảo chưa rồi nhờ chở đi mua vé. Anh chàng nhỏ nhẹ bảo không sao, tí nữa trên đường đi sẽ mua luôn, còn giờ cứ tham quan ngắm cảnh đi đã. Vé ở Bagan là 15 USD/khách, có giá trị năm ngày kể từ ngày mua vé. Lúc sang Inle, xe đang chạy bon bon cũng dừng lại. Phí cho mỗi khách vào hồ Inle là 10USD. Anh chàng tài xế cũng nói tiền đó để làm sạch hồ Inle cho khách đến chơi lần sau. Cũng chẳng thấy ai than phiền gì.
Chuyện thu phí của Hội An không phải mới, bởi nguồn thu thuế từ các hộ kinh doanh trong phố cổ không đủ để bảo tồn không gian phố cổ và nhà cổ. Và với sự thanh lịch, tế nhị của mình, mấy năm nay người Hội An và chính quyền Hội An trông mong vào sự tự giác, chung tay của du khách. Và ở một chừng mực nào đó, trông cậy vào chính các doanh nghiệp lữ hành của chúng ta. Thế nhưng, thay vì thuyết phục du khách bằng lý lẽ như cách mà Campuchia và Myanmar đã làm, thì đã có công ty của ta làm điều ngược lại: trốn vé để giảm giá tour, lấy lòng du khách. Nếu có sự chia sẻ và chung tay tuyên truyền của các công ty du lịch, lữ hành thì liệu chính quyền Hội An có phải siết chặt việc kiểm tra vé dẫn đến sự tình như hôm nay?
NGUYỄN THỊ THANH THẢO (TP.HCM)
Hội An cần chuyên nghiệp hơn Mấy ngày nay cư dân mạng xôn xao bởi các bài viết, tấm ảnh, phản hồi trên các trang viết cả trong và ngoài nước về việc Hội An thu phí tham quan phố cổ và cho là Hội An “tận thu” thì du khách sẽ tẩy chay và Hội An sẽ biến thành “thành phố ma” bởi không ai thèm đến nữa. Tìm hiểu thực tế thì hóa ra vấn đề không nằm ở chỗ bán vé tham quan phố cổ mà là cách hành xử rất kém thân thiện và thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên bán vé và kiểm soát vé tham quan phố cổ Hội An. Ngay từ năm 1995, thị xã Hội An lúc bấy giờ đã thực hiện phương án bán vé tham quan trọn gói quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An, được UNESCO châu Á - Thái Bình Dương đánh giá là một mô hình hiệu quả và duy nhất. Tất cả du khách, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, khi đến tham quan Hội An với tư cách là một quần thể di tích kiến trúc tổng thể đều phải mua vé trọn gói, trên vé có các ô, mỗi ô là một công trình văn hóa để du khách thụ hưởng. Đến năm 2012, tổng số tiền thu được từ bán vé là 281,7 tỉ đồng. Trong đó nộp vào quỹ bảo tồn - trùng tu di tích hơn 211,3 tỉ đồng. Đã có 182 di tích thuộc sở hữu nhà nước và tập thể được sửa chữa, tu bổ, hỗ trợ hơn 10,4 tỉ đồng tu bổ 190 di tích tư nhân. Gần 20 năm áp dụng bán vé tham quan không thấy sự phản ứng từ du khách, vì sao mới đây Hội An lại bị phản ứng? Câu chuyện bắt đầu từ việc áp dụng kiểm tra chặt vé tham quan. Tại sao phải tăng cường chống thất thu nguồn vé tham quan? Xin đưa ra con số để minh họa: 6 tháng đầu năm 2013, phố cổ đón 722.000 lượt khách đến tham quan, nhưng chỉ hơn 300.000 lượt khách mua vé tham quan. Nhiều hướng dẫn viên của các công ty lữ hành thay vì phải mua vé cho khách đoàn (vé đã có trong giá tour) thì họ lại chia khách thành từng tốp nhỏ, trốn vé và sau đó mua lại cùi vé cũ của xe ôm để thanh toán với công ty, hưởng lợi. Và từ đầu tháng 4 năm nay, Hội An chủ trương kiểm tra, kiểm soát vé chặt chẽ từ các đầu đường vào khu phố cổ. Và điều đáng tiếc là chính quyền Hội An đã không chuẩn bị kỹ các công đoạn đào tạo nhân viên, hướng dẫn nhân viên giải thích rõ cho du khách biết trong việc tăng cường kiểm soát này, để rồi đã làm du khách bất mãn và tỏ thái độ bất hợp tác. Chính quyền Hội An thừa nhận về chủ quan, có những nhân viên có thái độ, ứng xử nóng nảy, không tốt gây bức xúc với du khách, tạo hình ảnh phản cảm. Theo chủ trương của chính quyền TP, vé tham quan dành cho khách nước ngoài và khách đi đoàn, còn khách đi lẻ và sinh viên, học sinh được miễn vé tham quan. “Quan điểm của Hội An rõ ràng, khách ở lại 5-10 ngày cũng chỉ phải mua một lần vé, còn lại được ra vào phố cổ bất cứ lúc nào, chứ không thể bắt mua lại vé nữa. Chúng tôi sẽ chấn chỉnh. Kiên quyết không thể chỉ vì chống thất thu mà tạo ra sự phản cảm, làm mất hình ảnh đẹp của Hội An” - ông Nguyễn Sự, bí thư Thành ủy Hội An, khẳng định. KIM EM |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận