Mục tiêu ổn định vĩ mô năm nay có vẻ yên tâm phần nào, nhưng việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua những cuộc đối thoại của ngành thuế, hải quan vừa qua, nhất là yêu cầu phải kiểm định chất lượng trước khi thông quan mới đây, cho thấy nhiều cơ quan nhà nước vẫn quen áp dụng quy định theo cách dễ cho mình, còn khó thế nào doanh nghiệp... tự chịu.
Có nhiều điều phải bàn trong quy định tại thông tư 128/2013 của Bộ Tài chính yêu cầu hàng hóa phải được kiểm định trước khi xuất nhập khẩu. Tất nhiên sẽ có lý do này, lý do khác để ban hành quy định trên, như phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, sợ cho doanh nghiệp thông quan, hàng sẽ bị bán đi trước khi có kết quả kiểm nghiệm... Nhưng việc dừng tất cả hàng hóa, không cho thông quan trước khi kiểm định xong liệu có phải là cách tốt nhất? Nếu đòi kiểm tra nhiều loại hàng hóa như thế, chi phí xã hội là bao nhiêu, bộ máy hiện tại liệu có đáp ứng đủ?
Việc ban hành quy định khiến hàng loạt doanh nghiệp ngay sau đó kêu trời vì ách tắc, chi phí tăng vọt, người lao động khó khăn... thì chắc hẳn khó có thể khẳng định đó là chính sách tốt. Hàng hóa vào VN phải đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có cần thiết phải kiểm tra tất cả doanh nghiệp hay không, tại sao không có cơ chế phân loại để giảm bớt đi gánh nặng. Cơ chế phân luồng theo luồng xanh, luồng đỏ, luồng vàng tại sao không được nhân rộng để bớt khó cho doanh nghiệp?
Thứ hai, VN đã có những hiệp định công nhận tiêu chuẩn với một số quốc gia. Thật bất ngờ khi doanh nghiệp nêu có những mặt hàng như ôtô, xe máy, bàn ghế... cũng thuộc diện phải kiểm định chất lượng, xem có đạt không mới cho nhập vào VN. Nghe qua thì thấy thật ngược đời. Không biết có phải các bộ quá “nhiệt tình”, chỉ biết nếu phải kiểm định nhiều như thế thì bộ máy, biên chế của họ hiện tại làm sao có thể đáp ứng nổi?
VN hằng năm đầu tư không ít tiền của, tổ chức không ít đoàn đi xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Nhưng một trong những điều kiện quan trọng nhất để nhà đầu tư vào VN, để doanh nghiệp VN tăng được xuất khẩu là yêu cầu phải thuận lợi hóa thương mại. Tuy nhiên, cùng lúc ngân sách phải chi tiền đầu tư cho xúc tiến thương mại tăng, thì dường như việc thuận lợi hóa thương mại ở VN ngày càng gặp nhiều thách thức. Ngân hàng Thế giới mới đây cũng đã cảnh báo VN về điều này và cho rằng đây đang là vấn đề lớn của VN. Không phải ngẫu nhiên xếp hạng môi trường kinh doanh của VN sau rất nhiều kêu gọi của Chính phủ phải “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” nhưng năm 2013 vẫn... đứng nguyên ở con số thứ 99. Đây là điều cảnh báo. Những doanh nghiệp, đến như Vinamilk còn phải kêu khó, chuyện nộp thuế nhanh, hoàn thuế chậm hay có những doanh nghiệp “kêu” cả năm trời nhưng công văn cứ luẩn quẩn trong văn phòng các bộ mà không được giải quyết... thì làm sao nhanh chóng thoát khỏi khó khăn được?
Những quy định như kiểu thông tư 128/2013, ngay khi đáp ứng tốt nhu cầu quản lý của các bộ, ngành thì thực tế đã và sẽ làm doanh nghiệp gặp khó hơn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, cần tránh những quy định có thể khiến doanh nghiệp “chết sững”, kêu trời trên báo chí như thế. Các cơ quan nhà nước cần sớm ngồi lại bàn với nhau để tháo gỡ quy định trên. Một trong những việc đầu tiên cần thay đổi, là việc các cơ quan nhà nước luôn muốn áp dụng các quy định dễ nhất cho mình, chứ không phải cho đối tượng mà họ phục vụ, đang nộp thuế để chi lương cho họ, là người dân, doanh nghiệp.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận