Đừng làm con rối cho người giật dây

NGÔ PHƯƠNG THẢO 13/06/2018 22:06 GMT+7

TTCT - Cả một xã hội đổ xô đuổi bóng bắt hình, nếu không có ai nói lên điều mình thật sự nghĩ thì sẽ đuổi theo nhau đến khi nào? Đến khi cả đám nhỏ, từ lứa này qua lứa khác, trở thành những huy hiệu lộng lẫy của chúng ta, hay trở thành nỗi thất vọng chán chường của chúng ta, hay trở thành nỗi hối hận suốt đời của chúng ta thì mới thôi?

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

 

Khi dựng Không nổi tiếng cũng đâu có sao!, một cuốn sách mang thông điệp đi ngược lại hoàn toàn với những gì giới truyền thông, đặc biệt là truyền miệng trên Facebook, suy nghĩ về thành công, tác giả hỏi tôi: Chị có sợ bị “ném đá” không? Tôi nói không.

Sửa chữa những tổn thương

Khi chủ động kết thúc cuộc hôn nhân gần 10 năm của mình, tôi đặt ba đứa con vào một tình cảnh bị tổn thương. Các cháu chuyển môi trường sống đến một nơi khác, chuyển trường, thay bạn. Một mình bươn chải lo kinh tế, tôi không đủ điều kiện để chăm sóc con chu đáo. Vấn đề tồn tại về vật lý đúng nghĩa lúc này lớn hơn tất cả những vấn đề khác.

Và mãi đến 3 năm sau, khi có chỗ đứng trong nghề trở lại, tôi mới thực sự bắt đầu hành trình quan trọng nhất đối với con tôi lúc bấy giờ: chữa lành những thương tổn mà mình đã gây ra cho con.

Tôi quan sát con, nhìn ánh mắt, giọng nói, hành vi của con mà đoán biết cảm xúc của con. Việc đó tưởng chừng rất dễ, mà hóa ra không dễ. Mỗi lần định hòa với con thành một, tôi bị một bức tường dựng lên trước mắt. Những đau khổ, hoài nghi, thất vọng; những mong cầu, kỳ vọng, mơ ước; những trăn trở, suy tư, buồn phiền của tôi bởi chính những vấn đề của riêng mình, đã nhảy xổ ra ngăn trở.

Tôi nhìn con mà nghĩ đâu đâu. Có khi con nói một câu vài ba lần tôi mới chú ý. Có khi tôi cáu chỉ vì con nói đi nói lại mãi một chuyện mà tôi đã nghe rồi. Có khi tôi cáu vì con cứ vòi vĩnh chuyện này chuyện khác. Trong những lo âu suy nghĩ, tôi thỉnh thoảng lại để lạc những rung động của con tôi.

Chuyện gì đang xảy ra với mình? Tôi đã nghĩ. Và thay vì cố gắng hiểu con, tôi đã cố gắng hiểu mình.

Ngày qua ngày, tôi quan sát mình, khám phá ra nhiều chỗ tổn thương trong quá khứ còn nguyên ở đó. Tôi tưởng mình đã lành lặn rất lâu rồi, hóa ra không phải. Tôi muốn con trở thành người dẫn đầu lớp, giống như ba tôi xưa kia đã muốn tôi như vậy. Tôi muốn con trở thành người xuất sắc như xưa kia tôi đã muốn trở thành. Tất cả những điều đó, tôi đã gắn lên con gái tôi.

Đó là một ngày được giải phóng, khi con gái tôi thông báo bạn chỉ được 7 điểm môn văn. Tôi cười nhìn con, nói không sao mà! Môn văn dễ ợt, từ 7 điểm qua 10 điểm nhanh lắm. Vả lại, điều con cần là đọc thật nhiều sách. Muốn học giỏi văn, cách nhanh nhất là đọc sách văn học. Con có thể bắt đầu từ tủ sách nhà mình. Con gái tôi nhìn tôi kinh ngạc. Con hỏi một loạt câu: Mẹ ổn không mẹ? Mẹ có bị làm sao không mẹ?

Sau đó là một chuỗi những phản ứng của tôi về chuyện học của con, toàn những phản ứng gây sốc cho con. Con trượt top 5? Không sao. Con bị vài điểm 7 và có điểm 6? Không sao. Con học tiếng Anh kém? Không sao.

Vậy điều gì là có sao?

Tôi cho con biết nếu con không chịu đọc sách chữ, là có sao. Nếu con không chịu đọc tin tức trên các ứng dụng đọc báo tiếng Anh, là có sao. Nếu con không chịu nghe nhạc, xem phim bằng tiếng Anh, là có sao.

Nếu con không biết cách tư duy 5W để tìm ra bản chất thông tin trong một rừng thông tin con tiếp nhận hằng ngày, là có sao. Nếu con không biết lắng nghe cảm xúc của mình và cảm xúc của những người bên cạnh, là có sao. Nếu con không khá hơn con ngày hôm qua trong từng việc nhỏ, là có sao. Chúng ta không thể trở thành một con người hoàn hảo tức thì, do đó tôi không bao giờ yêu cầu con mình, hay chính tôi, phải tỏ ra hoàn hảo.

Tôi yêu cầu con phải trung thực với cảm xúc của mình và hiểu nó một cách sâu sắc. Vì thời đại của con, mười năm tới khi bước vào đời, con sẽ phải đối mặt với robot.

Hãy thử tưởng tượng xem, robot thay con trên những cánh đồng, giờ đây con không thể làm nông dân được nữa; robot thay con trong nhà hàng, giờ đây con không thể làm đầu bếp được nữa; robot thay con trong phần mềm quản trị, giờ đây con không thể làm kế toán được nữa; robot thay con trong các bộ phận tiếp tân và hành chính, giờ đây con không thể trở thành nhân viên tiếp tân được nữa; robot cũng thay con trong các cửa hàng tự động, vì vậy con cũng không thể làm nhân viên bán hàng được nữa.

Con sẽ trở thành ai? Khi robot thay người làm những công việc dễ hay những công việc có tính quy luật, con người sẽ làm những công việc gì?

Đây chính là mục tiêu của giáo dục. Con phải trả lời câu hỏi, con sẽ trở thành ai trong tương lai? Khi con sống chung với robot, có khi được tích hợp là một phần của robot (trong trường hợp phải cấy một chip điện tử để thay cho căn cước, hộ chiếu), con sẽ định vị mình như thế nào trong mối tương quan với robot, hay mối tương quan với người khác, hay mối tương quan với chính con? Con có đủ hiểu con trước khi trở thành một phần của xã hội robot hay không?

Giờ đây, trường học của con đã không còn giới hạn ở một trường vật lý. Hầu hết các trường đại học lớn trên thế giới đã có những khóa học trực tuyến miễn phí và cấp tín chỉ cho con. Giờ đây, bằng cấp cũng không còn là điều quan trọng đối với các nhà tuyển dụng, bằng chứng là 3 năm nay tôi mở công ty và tuyển nhân sự chưa bao giờ nhìn vào bằng cấp, và rất nhiều người khác cũng đang làm như vậy.

Xã hội tương lai mà con hòa mình vào, sẽ là xã hội của thông tin và của lòng trắc ẩn. Mỗi ngày, cùng với Internet kết nối vạn vật, lượng thông tin đồ sộ từ 7 tỉ người, hoặc gần 8 tỉ người trên Trái đất sẽ ồ ạt bao vây con. Cùng với AI (trí tuệ nhân tạo), những sở thích của con sẽ được lưu dấu trong Big data (dữ liệu lớn), và rồi con đi đâu, làm gì, với ai, ăn món gì, đọc sách gì, coi phim gì... sẽ trở thành dữ liệu định hình con, biến con thành một phần của bộ lưu trữ thông tin khổng lồ trên Trái đất. Con sẽ được xếp loại trong một nhóm người giống con về hành vi, sở thích, sức khỏe... và trở thành một phần của những chính sách hoạch định từ Big data mà thế giới sở hữu và khai thác.

Ai sẽ là người sở hữu dữ liệu lớn, hay khai thác dữ liệu lớn. Con biết họ không? Những người này có lòng trắc ẩn không? Và con, con có phải là người đó, con có lòng trắc ẩn không? Những câu hỏi này kéo con quay trở lại cái ngày con vác balô tới lớp học. Con sẽ học gì cho tương lai?

Và đây là lý do mà tôi không khuyến khích con theo đuổi bẳng cấp hay danh tiếng. Tất cả những điều đấy không có nghĩa gì nếu con không thực sự biết rõ về thế giới nơi con sẽ hòa vào trong 10, 20 năm tới. Sự cạnh tranh khốc liệt về kỹ năng và danh tiếng của con hôm nay chỉ để mang lại sự chán chường, vô nghĩa, bất lực và buồn bã cho chính con vào 20 năm tới, nếu con không hiểu con hay không đủ hiểu con người.

Vậy phải bắt đầu từ ngày hôm nay, con phải tập thói quen quan sát chính con và người bên cạnh. Muốn quan sát được, con phải bỏ cái điện thoại ra xa. Muốn hiểu con người, hãy đọc sách văn học nhiều hơn. Muốn yêu thương và thấu cảm nỗi thống khổ của con người, những điều còn xa lạ với con lúc này, hãy tìm đọc những số phận được kể lại trong sách. Rồi hãy học cách quan sát cảm xúc của người đối điện, để bắt đầu những cuộc hội thoại sâu sắc. Một với một. Hãy để con là một con người đúng nghĩa. Đó là cách tồn tại trong xã hội tương lai.

Và hãy nhớ về bài học 5W trong tiếp nhận thông tin: What - chuyện gì vậy? When - khi nào vậy? Where - ở đâu vậy? Why: tại sao lại diễn ra? Và Who - ai làm ra chuyện này? Hãy nắm rõ nguyên tắc này để phân biệt những thông tin giúp bồi đắp con và những thông tin làm bòn rút con. Hãy hỏi thật kỹ, hỏi đi hỏi lại, để thông tin khổng lồ mà con nhận được mỗi ngày đều góp phần cho con thành người minh triết, không phải thành con rối của người giật dây.

Đó là tự chủ. Và đây cũng là mục tiêu của giáo dục: trở thành một con người tự chủ và có phẩm giá. Không có công thức chung cho giáo dục, vì mỗi con người thật sự là một cá thể, và đó chính là thứ khiến giáo dục trở thành một hành trình khó nhọc: cần phải sáng tạo mỗi ngày. Một nền giáo dục văn minh là một nền giáo dục sáng tạo dựa trên sự công nhận và thấu hiểu với từng cá thể. Vậy tại sao không cho phép mỗi cá thể cùng tham gia vào hành trình giáo dục của chính họ?

Vì vậy, tại sao phải chạy theo thành tích, phải thật xuất sắc để được khoe?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận