Số tôn Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL (PFS) từ TP.HCM đã trao tay bà con thị trấn Mộ Đức, Quảng Ngãi sáng 2-11 - Ảnh: SƠN LÂM
Đêm 1-11, ông Nguyễn Tấn Diệp - phó chủ tịch UBND thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi - thức trắng, đi ra đi vào cơ quan, không thể ngủ. Ông chờ tiếp nhận 7.000m2 tôn từ chương trình "Cùng Tuổi Trẻ cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung" do Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - Vnsteel (PFS) gửi đến bà con Mộ Đức.
Chờ nhận tôn mừng mất ngủ
Từ chiều, ngay khi nghe thông tin cần danh sách những hộ khó khăn cấp thiết, ông Diệp đã huy động văn phòng đi khảo sát, chọn ngay 84 hộ nhà bị bão thổi bay hết mái. "Hiện giờ tôn quý và rất khó kiếm. Tỉnh Quảng Ngãi quá nhiều nhà tốc mái, chỉ riêng thị trấn Mộ Đức này cũng đã có hơn 1.500 căn" - ông Diệp nói. Đến sáng, khi thấy xe chở tôn tiến vào sân trụ sở ủy ban, ông Diệp mới thở phào.
Đây cũng là câu chuyện chung của hầu hết các địa phương tại Quảng Ngãi. Nhu cầu cao khiến lượng tôn và ngói trở nên rất khan hiếm. Ở thị trấn Mộ Đức, nhiều gia đình phải đi hơn 20km ra TP Quảng Ngãi kiếm tôn đem về lợp lại nhà, nhưng cũng chỉ mua được lắt nhắt để lợp tạm. Còn những hộ nghèo thì "không biết tính răng" trong cảnh lo sợ cơn áp thấp đang tiến vào miền Trung. Cả những người già nhất ở Mộ Đức cũng chưa từng rơi vào cảnh này, họ gần như tuyệt vọng trong cảnh ở nhờ, tới đâu hay tới đó.
Vậy nên, khi thấy xe tôn chạy vào sân ủy ban thị trấn và biết mình có tên trong danh sách nhận tôn, nhiều người đã bật khóc. Khi được đội dân quân đem về giúp tận nhà, bà Trương Thị Mỹ (tổ dân phố 3, thị trấn Mộ Đức) vẫn đứng lặng người không nói được gì ngoài những từ cảm thán "may quá", "mừng lắm". Bà Mỹ có duy nhất người con gái là Trương Thị Thương Thương đang học lớp 12. Mười mấy năm qua, bà vẫn ngày ngày kéo xe bánh mì nhỏ bán trước ngõ vào tổ dân phố, chắt chiu tiền nuôi con ăn học. Năm 2016, nhờ được em út giúp đỡ và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi hỗ trợ thêm, bà mới cất được căn nhà cấp 4 cho hai mẹ con. Bão số 9 chỉ mới vài trận gió giật đầu tiên đã thổi bay hết mái tôn đi xa vài trăm mét, méo mó không còn sử dụng được. Hai mẹ con vẫn đang phải ở nhà người em gái, định ở nhờ luôn cho đến khi con gái học xong lớp 12 rồi tính tiếp chứ tiền đâu mà mua tôn dựng lại?
Với 42m2 tôn được nhận, chưa đủ lợp hết lại căn nhà bà Mỹ nhưng cũng giúp bà có động lực đi vay mượn, gom góp và chờ đợi thêm để có thể làm lại mái. Ít ra trước mắt bà đã có thể lợp lại mái chỗ phòng ngủ và phòng bếp, để hai mẹ con có chỗ ở khi những cơn mưa đang tiếp tục trút xuống.
7.000m2 tôn là rất ít so với nhu cầu thực tế của toàn thị trấn Mộ Đức, nhưng với tinh thần san sẻ nhau trong nghèo khó, phần nào dựng lại hình hài nhà của 84 hộ dân ở thị trấn ven quốc lộ này.
Ấm lòng người dân Lý Sơn
Chương trình "Dựng lại mái nhà, mái trường cho vùng bão lũ" của báo Tuổi Trẻ đã đến với 5 gia đình đang sống cảnh màn trời chiếu đất ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Lý Sơn là địa phương đầu tiên đón bão số 9, sức gió đo được giật cấp 15. Cơn cuồng phong đã làm hơn 2.200 nhà cửa đổ sập, tốc mái, hư hỏng (70% nhà dân tại Lý Sơn), thiệt hại ước tính gần 22 tỉ đồng. Trong số này, 12 nhà sập hoàn toàn. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này, báo Tuổi Trẻ đã quyết định hỗ trợ nhanh 5 hộ gia đình mất nhà, hoàn cảnh khó khăn nhất mỗi gia đình 10 triệu đồng để góp phần khắc phục khó khăn.
Ông Phù Minh Tùng kể gió bão khủng khiếp, cả nhà chỉ kịp theo hướng dẫn của chính quyền địa phương đến nơi tránh trú bão an toàn. Bão tan, căn nhà chỉ còn là đống gạch đổ nát. Những ngày này là khoảng thời gian khó khăn chưa từng có, dù là hộ nghèo nhưng mất nhà là điều ông chưa từng nghĩ đến. "Gia đình tôi rất cảm ơn bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã hỗ trợ. Thú thật mấy ngày qua tôi nhìn căn nhà mà nát ruột, chẳng biết những ngày tháng tiếp theo phải thế nào" - ông Tùng nói.
Nhà ông Nguyễn Kỉnh cũng chỉ còn lại những bức tường trơ trọi, một phần tường đã đổ sập. Sau bão, khó khăn bủa vây, tôn khan hiếm ở đất đảo, ông Kỉnh cố gắng đi mượn tiền dựng lại nhà cũng chẳng được vì ai cũng khó khăn sau dịch bệnh, bão tố. "Số tiền này tôi sẽ dùng vào việc mua vật liệu xây dựng lại nhà cửa" - ông Kỉnh nói.
Bà con và chính quyền Lý Sơn quay cuồng với những phương án khắc phục hậu quả trận bão trước khi những cơn bão tiếp theo đổ bộ. Mọi nguồn lực vào lúc này đều rất quý với huyện Lý Sơn. Ông Đỗ Thành Tân, phó bí thư - chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn, nói: "Khi nghe báo Tuổi Trẻ hỗ trợ bà con bị hư hỏng nhà cửa hoàn toàn, địa phương rất mừng. Nhìn bà con vui, chúng tôi cũng rất vui. Thay mặt bà con đất đảo, tôi gửi lời cảm ơn đến bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã tiếp sức cho Lý Sơn".
Gửi tình về quê hương miền Trung
Ông Nguyễn Minh Huy, chủ tịch hội đồng thành viên - đại diện Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL
"Khi thấy báo Tuổi Trẻ phát động chương trình "Dựng lại mái nhà, mái trường cho vùng bão lũ", tập thể công ty quyết định trích nguồn kinh phí từ quỹ xã hội từ thiện để chung tay cùng chương trình. Phía công ty cũng liên hệ ngay nhà cung cấp tôn để kịp thời có hàng trong tình hình thị trường tại các tỉnh miền Trung rất khan hiếm nguồn cung cấp. Công ty chúng tôi có rất nhiều người lao động quê ở Quảng Ngãi, việc trích quỹ gửi báo Tuổi Trẻ tham gia hỗ trợ bà con miền Trung như một sự chia sẻ với quê hương của anh chị em. Chúng tôi còn phát động mỗi người lao động đóng góp một ngày lương để tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ bà con miền Trung".
Ông Nguyễn Minh Huy, chủ tịch hội đồng thành viên - đại diện Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL (PFS) đã bày tỏ khi đến tòa soạn Tuổi Trẻ sáng 2-11. Cùng lúc này, số tôn trị giá 500 triệu đồng, phần đóng góp của công ty cho chương trình, đã đến Mộ Đức để trao ngay cho bà con trong sáng cùng ngày.
K.ANH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận