Nghệ nhân Trần Hữu Phương bên khung cửi...
Ông Phương là người rất kiên định với lụa và xem nghề ươm tơ, dệt lụa là cuộc sống của mình. Nhờ có ông, làng lụa Mã Châu bên bờ sông Thu Bồn đã khôi phục nghề dệt lụa truyền thống
Ông Hoàng Châu Sinh (nguyên chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, Quảng Nam)
Trần Hữu Phương là nghệ nhân của lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Lần này gặp lại ông giữa TP.HCM trong triển lãm lụa "Chuyện kể xứ Tằm Tang" (diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), ông Phương đã đưa tinh hoa 600 năm dệt lụa bên bờ sông Thu Bồn vào đất phương Nam.
Điêu tàn làng lụa Mã Châu
Bên khung cửi giữa TP.HCM, ông Phương say mê thuyết trình về thứ lụa đặc sản của đất Quảng Nam: "Một tấm lụa hình thành tốn rất nhiều công đoạn, riêng nuôi tằm tạo kén cho tơ thôi đã tốn ít nhất là ba tháng. Tổ tiên của chúng tôi từ Bắc di cư vào Nam rồi chọn lưu vực sông Thu Bồn trồng dâu nuôi tằm, đóng khung cửi tạo nghề. Đã 600 năm rồi, tôi là đời thứ 18 của làng lụa Mã Châu. Lụa làng tôi ngày xưa chỉ có vua chúa mới được mặc".
Đây là lần thứ hai ông Phương vào TP.HCM. Lần đầu là năm 1990, đọng lại chỉ là những ký ức buồn. Lúc đó ông Phương mới tuổi đôi mươi, mang khung cửi theo những nghệ nhân trong làng hành phương Nam quảng bá nghề lụa, tìm hướng đi mới trong vòng xoáy kinh tế thị trường.
Ông lý giải: "Lúc đó, quần áo nilông, cotton nhiều và giá cực rẻ. Chúng tôi làm ra lụa mà chẳng thể cạnh tranh được. Nhiều thợ lụa Mã Châu lúc ấy phải bỏ xứ vào Sài Gòn làm thuê để mưu sinh".
Tiếp đến là giai đoạn 2006-2011 lụa Trung Quốc tiến vào thị trường Việt Nam với giá rẻ bèo, lụa làng Mã Châu làm ra không bán được. "Tôi nhớ khoảng thời gian đó, mang lụa xuống phố cổ Hội An gửi các cửa hàng, cả năm trời chỉ bán được vài chiếc khăn. Thê thảm cho làng lụa từng là cống phẩm hoàng triều. Bao nhiêu bản sắc phong đầy tự hào của bao đời làng lụa, đến đời thứ 18 thì rơi vào cảnh điêu tàn" - ông Phương nhớ lại.
Cũng trong thời gian lụi tàn làng lụa này, một nhóm nghệ sĩ về Mã Châu điền dã đã gọi ông Phương là "con tằm cô đơn" khi nghe ông tuyên bố: "Thà chết với con tằm ngoài gốc dâu, hơn là phải gánh chịu nỗi đau thất truyền nghề lụa".
Dựng lại cơ đồ
Bây giờ, sau nhiều cố gắng theo đuổi, những tấm khăn lụa Mã Châu của ông Phương đã được thị trường khó tính TP.HCM đón nhận.
Cơ đồ trăm năm của tổ tiên đã bắt đầu chấn hưng trở lại. 10 tuổi biết làm lụa, 20 tuổi rong ruổi khắp chốn cùng lụa, 30 tuổi chứng kiến làng lụa dần lụi tàn, 40 tuổi một mình cô đơn bên khung cửi; cả đời với lụa, ông Phương đã đạt được nguyện ước của mình.
"Tôi đã đi giữa bão và bước đầu thành công. Từ lúc tôi tập trung gia sản để mở công ty, khoảng 700.000m lụa được sản xuất, tất cả đều được bán sạch" - người nghệ nhân 50 tuổi của làng lụa Mã Châu nói.
Ở Mã Châu, ông Phương bây giờ không còn là con tằm cô đơn nữa, hơn 40 người đã trở lại nghề, chung tay cùng ông Phương khôi phục khung cửi. Biền dâu giờ dần mở rộng, con tằm đã biết nhả tơ thay vì lên bàn nhậu.
Với ông Phương, niềm tin còn lớn hơn khi con gái đầu Trần Thị Yến (26 tuổi) tốt nghiệp đại học, đang làm việc ổn định ở một ngân hàng đã bỏ việc để về quê theo cha làm lụa. Người con kế là Trần Hoàng Oanh (24 tuổi) tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế cũng về nhà quanh quẩn với nương dâu, sợi lụa cùng cha.
"Tôi chỉ giỏi làm lụa chứ không giỏi kinh doanh, quản lý sản xuất. Thế là hai con tôi đã giúp việc đó. Tôi hạnh phúc vì các con yêu nghề của tổ tiên nên tự về quê chứ tôi chưa mở lời hay khuyên bảo. Tôi không còn lo lụa Mã Châu thất truyền nữa" - ông nói.
Người cuối cùng
...Lụa Mã Châu đã sống lại - Ảnh: N.HIỂN
"Một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ", câu ca dao thấm đẫm công sức của làng lụa bên bờ sông Thu Bồn ấy khiến ông Phương đau đớn. Mồ hôi đẫm áo mới có được tấm lụa Việt nhưng không thể chống lại lụa Trung Quốc. Ông Phương không tìm ra được đường đi cho lụa. Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu từ 300 thành viên chỉ còn vỏn vẹn 16 người. Đến năm 2011 thì những ruộng dâu bị phá, người dân chính thức bỏ nghề trồng dâu nuôi tằm, lang bạt mưu sinh. Ông Phương là người cuối cùng còn theo nghề nuôi tằm dệt lụa. Một số ít người nuôi tằm để bán nhộng cho các quán nhậu. Chẳng ai muốn cho tằm tạo kén. Mà tạo để làm gì khi không bán được?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận