Đừng la hoảng…

HUY THỌ 04/04/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Chơi rắn, chơi xấu gần như là một thuộc tính của bóng đá đỉnh cao. Những ai gắn bó với hậu trường bóng đá đỉnh cao hẳn đều biết có nhiều câu chuyện không thể hình dung nổi.

Họ dùng đủ chiêu trò để hướng đến mục tiêu tối thượng: chiến thắng! Cụ thể, đó là réo tên cha mẹ, vợ, người yêu... của đối thủ ra chửi mắng, hi vọng anh ta sẽ nổi khùng và dẫn tới phản ứng nóng nảy mà nhận thẻ.

V-League là viết tắt của Võ League? Ảnh: HT

 

Nói ví dụ, một tiểu xảo phổ biến là khi đối thủ nằm sân bèn làm ra vẻ tới hỗ trợ bằng cách xốc nách giúp đứng dậy. Ngồi trên khán đài mà nhìn, hay xem qua tivi, thì đó là “fair play”, nhưng trên sân thì trái ngược, khi lợi dụng xốc nách rồi dùng hai ngón tay cái bấm thật mạnh vào huyệt ngay nách khiến đối thủ đau đớn, kêu oai oái. 

Hay xúm xít lại giẫm đạp lên tay, chân đối thủ... Chẳng thế mà khi có một vụ nằm sân, các đồng đội của nạn nhân, rồi cả trọng tài đều xua cầu thủ đối phương thật xa khỏi hiện trường như đuổi tà!

Chơi bóng đá đỉnh cao, đặc biệt đá vai phòng ngự, ai cũng phải trang bị một “thương hiệu” đá rắn, đá đau để hi vọng tiền đạo đối phương vì nghe tiếng mà kiềng mặt bớt. 

Chuyện này đi hỏi làng bóng đá, người ta sẽ kể cho nghe những hậu vệ khét tiếng một thời như Tam Lang, Lê Khắc Chính, Nguyễn Kim Hằng... làm cho các tiền đạo sợ ra sao!

Đó là một phần của bóng đá đỉnh cao, mà điều chỉnh nó thì đã có luật. Luật bóng đá thực ra cũng đã tiến hóa theo kiểu ngày càng nghiêm khắc để bảo vệ các cầu thủ cầm bóng và đội tấn công. 

Có điều những gì đang diễn ra với bóng đá VN nhiều năm qua, đến độ cả làng gọi đùa là Võ League, đã quá nhiều lần vượt giới hạn.

Nhìn rộng ra, những tin tức bạo lực, đánh ghen, thậm chí đâm chém chết người gần như ngày nào cũng thấy. Những vụ say xỉn rồi thượng cẳng chân hạ cẳng tay đến nhập viện, học trò gây nhau một chút là mang dao ra xử, là tổ chức đánh hội đồng bạn, rồi giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm là chuyện thường ngày ở bàn nhậu, trên đường phố... 

Những chuyện đó với đá xấu trên sân bóng có liên quan không? Chưa biết chừng là có!

Chỉ tiếc là tôi chưa lục ra được một nghiên cứu xã hội học nào về tình trạng bạo lực nói chung của xã hội. Nhưng nếu ngày nào người ta còn hả hê khi con mình ra ngoài “bụp” thiên hạ, ắt có ngày nó về “bụp” anh em trong nhà. Khi đó xin đừng có la hoảng! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận