Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của TS.BS LÊ THÁI VÂN THANH - Giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM:
- Bất kể dụng cụ lấy mụn là gì đều gây tổn thương cấu trúc bình thường của nang lông - tuyến bã của da, do đó có nguy cơ gây sẹo vĩnh viễn cho làn da.
Ngoài ra, tác động xâm lấn trên da như vậy có rủi ro lây nhiễm các tác nhân gây bệnh do lây truyền như HIV, viêm gan siêu vi, vi nấm, herpes simplex...
Nang lông - tuyến bã có chức năng tiết chất nhờn nhằm “nuôi dưỡng” bề mặt da. Cồi mụn hoặc các thương tổn mụn được tạo thành là do sự ứ trệ, bít tắc lưu thông của chất nhờn.
Vi khuẩn gây mụn là một loại vi sinh vật “thường trú” tại nang lông - tuyến bã. Điều này có nghĩa là chúng sống một cách hòa bình trên làn da.
Khi gặp điều kiện thuận lợi như môi trường của da bị rối loạn (viêm, tăng sừng) hoặc nguồn thức ăn là chất bã nhờn trở nên dồi dào thì chúng phát triển dữ dội và gây mụn.
Như vậy vấn đề ở đây là da mụn không phải do vệ sinh kém mà vấn đề là làm sao giúp thông thoáng nang lông - tuyến bã với bề mặt da và bảo tồn tối đa cấu trúc của da.
Rạch, chích, lễ mụn không phải là một phương pháp an toàn và không nên được áp dụng định kỳ trên da mụn.
Kỹ thuật này chỉ được áp dụng trong một số tình huống đặc biệt như ổ mủ đã hóa mềm, cồi cứng -to - mở ra trên da…
Chúng ta nên biết cách chăm sóc đúng da nhờn nhằm tránh tạo cồi mụn và điều trị mụn tại các cơ sở chuyên khoa Da Liễu để giúp có một làn da nhờn "khỏe mạnh và không tì vết".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận