14/08/2017 09:27 GMT+7

Đừng khóc, cô Phượng!

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Mấy chục năm qua, hình như chưa có con số thống kê cụ thể nào về những thầy cô giáo cắm bản đã vĩnh viễn nằm lại giữa non cao.

Các thầy cùng giúp đẩy xe của cô giáo Bùi Thị Lệ vượt qua đoạn sạt lở khi vào đến bản Nậm Ngà (Mường Tè, Lai Châu) - Ảnh: Cô giáo ĐÀO THỊ PHƯỢNG
Các thầy cùng giúp đẩy xe của cô giáo Bùi Thị Lệ vượt qua đoạn sạt lở khi vào đến bản Nậm Ngà (Mường Tè, Lai Châu) - Ảnh: Cô giáo ĐÀO THỊ PHƯỢNG

Nhiều thầy cô đã chết vì lũ cuốn, vì đắm bè, vì rơi vực, sốt rét, rắn cắn... dọc dài theo hành trình gieo chữ cho miền biên cương, biển đảo!

Ba tháng trước, chúng tôi cùng với các thầy cô ở Hội cựu giáo chức Quảng Trị ra dự lễ khánh thành mộ phần thầy giáo Anh hùng lao động Hà Công Văn ở Quảng Bình, quê hương thầy Văn.

Một ông giáo nghèo, tận hiến cả đời cho công cuộc gieo chữ ở miền núi, từng bị sốt rét suýt chết, đã đến từng bản giáp biên heo hút đưa từng đứa học trò về trường, đi rẫy trồng sắn, đi suối bắt cá, đi rừng hái rau nuôi học trò rồi từ đó sinh ra chương trình “Nội trú dân nuôi” nhân rộng ra cả nước và hàng vạn trẻ em miền núi nhờ đó mà được đi học.

Công lao ấy đã được Nhà nước ghi nhận, thầy Văn được phong anh hùng, nhưng khi chết đi, để có một nấm mồ tử tế, lại phải nhờ đến những tấm lòng đồng nghiệp quyên góp xây dựng cho.

Mỗi ngày trôi qua chúng ta lại được biết thêm về sự hi sinh ấy của các thầy các cô cắm bản. Như câu chuyện trên báo Tuổi Trẻ hôm qua được kể lại vô cùng chân thật từ hình ảnh do các cô giáo chụp, clip do các cô giáo quay trên đường trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, bắt đầu năm học mới.

Xem clip các cô các thầy đang vượt suối vượt dốc vào Nậm Ngà - Tà Tổng (Mường Tè, Lai Châu), chợt nhớ hình ảnh cô giáo quay cảnh các cô phải chui vào túi nilông vượt qua suối Sam Lang năm nào.

Những ngày này, hàng ngàn thầy cô đang bước vào năm học mới, trở lại với những điểm trường heo hút, họ phải đi qua muôn vàn suối sâu vực thẳm như thế. Nhưng nỗi âu lo của thầy cô không phải là đường về bản gian nan, mang ẩn họa đến cho mình mà lo “đường đi sạt lở hết rồi, bản bị cô lập, không biết các em có xuống lớp không nữa”.

Trong cốp xe máy của nhiều giáo viên ở rẻo cao, tôi luôn thấy có những gói kẹo, kẹo ấy được dùng để vận động các em đi học... Còn các thầy các cô thì sao: “lớp tạm - nhà tạm - sóng rơi”.

Trong khi ở Trường Sa, sóng điện thoại đã phủ khắp quần đảo bao la thì trên biên ải mù mây này, các cô sẽ vô cùng may mắn nếu tìm ra được vị trí mà khi treo điện thoại lên đó sẽ hứng được sóng để liên lạc với “thế giới ngoài kia”. Kể sao cho hết những cống hiến bền bỉ âm thầm như thế?

Trên báo Tuổi Trẻ hôm qua có câu chuyện thú vị về một cô giáo cắm bản ở miền tây Nghệ An. Khi cô về xuôi, nhớ ơn cô, dân bản đã đặt tên chiếc cầu mang tên cô: “cầu Cô Oanh”. Cho dù đất nước mình chưa có tượng đài về thầy cô cắm bản thì nhân dân, bằng cách nào đó, vẫn biết thể hiện niềm tri ân của mình như thế.

Vì vậy, đừng khóc cô Phượng, cô hãy tiếp tục đến với các em, dù con đường đi còn đầy gian khó, bất trắc; dù chế độ, chính sách hôm nay còn nhiều bất cập..., tấm lòng và sự hi sinh vô bờ của các thầy, các cô chắc chắn vẫn được ghi tạc trong tim mọi người.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên