TTCT - Thay cho ná và tên, thổ dân Surui sống ở khu rừng nhiệt đới của Brazil đang chống lại những âm mưu tàn phá rừng bằng Internet, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và bản đồ ảo Google Earth. Họ cũng có kế hoạch tham gia thỏa thuận trao đổi thương mại khí thải carbon toàn cầu. Phóng to Ảnh: Spiegel Trưởng tộc Almir Narayamoga Surui, 35 tuổi, đánh dấu những vị trí Copenhagen, Bristol và Washington trên quả địa cầu trong máy tính trước mặt. Ông rất thích “vọc” Google Earth, nhảy từ lục địa này sang lục địa khác và cuối cùng đi tới Brazil. Trưởng tộc nhắm vào một tam giác màu xanh. “Đây là đất của chúng tôi, khu rừng 2.428km2, gần gấp ba lần diện tích thành phố New York”. Trước khi cuộc sống hiện đại nhảy xổ vào cuộc sống của họ, người Surui chỉ ở trong khu vực của mình và chưa bao giờ rời khu rừng. Nhưng một trong vài ngàn bộ tộc thổ dân sống ở Brazil từng bị giảm dân số từ 5.000 còn 250 người vì nạn đói, thảm họa văn minh và bệnh thủy đậu. 41 năm sau, trưởng tộc Almir ngồi trong ngôi nhà xanh nhạt ở ngoại ô thị trấn Cacoal thuộc bang Rondônia phía tây bắc Brazil. Ông có dáng người thấp đậm, mắt nhỏ, sáng. Trước mặt ông là cuốn sổ ghi chép nhỏ, đằng sau trên tường là một mũi tên có trang trí lông chim. Internet, Google Earth, GPS Chính từ đây, ông khởi động cuộc chiến chống phá rừng trên đất của mình với lựa chọn là Internet, Google Earth và GPS. Ông nói về hình ảnh vệ tinh, hàng triệu cây định trồng và 16,4 tấn CO2 ông muốn bán trên thị trường khí thải thế giới. Người Surui sẽ sớm trở thành những thổ dân đầu tiên trên thế giới được chi trả tiền để gìn giữ rừng của họ. Almir tin rằng bộ tộc của ông cần sự hiện đại để duy trì cách sống truyền thống và đó là cách duy nhất có thể giữ gìn rừng, văn hóa và bộ tộc. Lưu vực Amazon là nơi có 40% rừng nhiệt đới trên thế giới. Amazon cũng là nơi chứng kiến cuộc chiến chống phá rừng và biến đổi khí hậu có thể đem lại thắng lợi hay không. Năm ngoái, 130.000km2 rừng đã bị đốn hạ hay thiêu trụi, ít nhất 10.000km2 trong số đó là ở Brazil. Có thể đây là con số thấp nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng nó vẫn là quá cao. 20% rừng Amazon đã biến mất, 20% nữa đang bị hư hại. Tính trên quy mô, bang Rondônia là nơi rừng Amazon bị tàn phá nhiều nhất trên thế giới. Khu bảo tồn Sete de Setembro còn tồn tại vì người Surui đã đưa dân định cư và những người đốn gỗ ra khỏi khu vực, chặn đường và chuyển làng của họ tới những khu vực gần hơn. Nhưng người Surui không thể bảo vệ được hết. Họ mất 7% rừng, nhưng vẫn cứu được 93%. Họ sở hữu khu vực cuối cùng còn lại của khu rừng ở Rondônia và 4.000 người gần đó vẫn đang sống nhờ vào ngành công nghiệp đốn gỗ. Phóng to Đến nay, người Surui đã trồng được 120.000 cây. Almir ước tính sẽ tốn 120 triệu USD để bảo vệ rừng của mình trong 44 năm tới - Ảnh: Spiegel Cung tên và IPhone Cha của Almir bây giờ vẫn đi săn bằng cung tên, còn Almir đã sở hữu iPhone. Có ngày trang web của ông đạt 50.000 lượt truy cập. Điều này khiến ông hi vọng vì “bạn không biến mất quá nhanh nếu bạn có 50.000 hit”. Ông có năm địa chỉ email và 342 bạn trên Facebook, trong đó có tổng thống da đỏ của Bolivia Evo Morales. Năm 1997, năm Nghị định thư Kyoto ra đời, Almir, 22 tuổi, đưa ra kế hoạch 50 năm: trong 50 năm, người Surui sẽ làm lại rừng như rừng từng tồn tại thuở sơ khai. Ông thuyết phục dân làng, họ bắt đầu trồng rừng. Dần dần rừng đã trở lại, họ trồng nhiều loài hơn. Nam phụ lão ấu đều tham gia. Thomas Pizer của Tổ chức Aquaverde từ Thụy Sĩ đã nhận được email của Almir sáu năm trước gọi ông tới giúp mình. Pizer đã gửi tiền để người Surui có thể trồng 500 cây giống. Giờ đây, người Surui đã trồng được 120.000 cây. Năm nay, thêm 40.000 cây nữa sẽ được trồng. Dù mọi nỗ lực đã được áp dụng, giấc mơ 1 triệu cây của Almir vẫn còn xa - một phần vì nạn đốn gỗ trái phép vẫn tiếp diễn. Ông đã mất niềm tin vào chính phủ và kế hoạch cắt giảm gỗ lậu xuống 80% vào năm 2020 mà chính phủ đưa ra. Almir giờ chỉ còn tin vào quyền lực tri thức. Ba năm trước, ông đã liên hệ với Google, Inc. Ông đội mũ lông chim vào tổng hành dinh của tập đoàn tại 1600 Amphitheater Parkway ở Mountain View, California (Mỹ), yêu cầu gặp lãnh đạo. Ban đầu ông chỉ được phép gặp 30 phút nhưng Google dành hẳn ba giờ nói chuyện sau đó. Vài tháng sau Google đã tới Lapetanha cùng laptop, điện thoại vệ tinh, camera. Và Almir đã gõ yêu cầu đầu tiên vào trang web tìm kiếm Google: “Desmatamento Amazônia” (phá rừng ở Amazon). Thổ dân bắt đầu học quay phim đưa lên YouTube, làm một website và học nghĩa của các từ như “blog”, “overlay” và “3D”. Trưởng tộc hi vọng một ngày nào đó sẽ số hóa toàn bộ khu bảo tồn. Họ đã tích hợp được một bản đồ tự làm vào Google Earth để mọi người đều có thể xem hình, lên chuyến bay ảo xem mọi nơi, xem video thổ dân nói chuyện về truyền thống của họ. Almir sẽ xem các hình ảnh vệ tinh chất lượng cao để phát hiện những kẻ xâm nhập nhờ hệ thống vệ tinh của Trung Quốc - Brazil CBERS III sắp được cung cấp. Giữ tương lai và truyền thống Almir lần đầu tiên nghe về REDD (Chương trình hợp tác Liên Hiệp Quốc về giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển) ba năm trước. Rừng hút CO2, và các công ty khắp nơi sẵn sàng trả tiền để giữ những cái cây hút CO2 do họ thải ra. Họ không trả tiền cho các khu vực có sự tồn tại của khu rừng, mà để ngăn khu rừng khỏi bị phá hủy. Theo tình hình hiện nay, 30% rừng của người Surui sẽ biến mất trong 50 năm tới. Vào cuối thế kỷ 21, nó có thể mất hoàn toàn. Almir ra giá 120 triệu USD để bảo vệ rừng trong 44 năm, đủ để ngăn 16.475.469 tấn CO2 vào không khí. Những khách hàng sẵn sàng mua những “tín chỉ carbon” là các công ty, ngân hàng, người môi giới, thậm chí cả chính phủ. Ví dụ như bang California (Mỹ) đã hứa sẽ cắt giảm lượng thải CO2 và đang là khách hàng tiềm năng. Dù có những chỉ trích rằng chính sách “tín chỉ carbon” quá phức tạp, thực tế là không giúp gì cho môi trường, nhưng người Surui có thể là mô hình về cách mà người da đỏ có thể sống hòa hợp với khu rừng của mình. Họ lấy tiền bán “tín chỉ carbon” đó xây nhà mới và trồng thêm cây mới, xây bệnh viện, trường học tốt hơn, tiền hưu cho người già, phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm. Almir và những người Surui khác sẽ thuộc ban cố vấn trong thương vụ này. Ông đã cử 15 người Surui theo học kinh doanh, sinh vật, du lịch. Những người trẻ hi vọng buôn bán CO2 sẽ giúp đem lại tương lai cho làng, người già thì hi vọng đem lại truyền thống về cho họ. Một công ty ở Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, vừa gọi ông và hỏi ông có giúp họ trồng được một khu rừng nhiệt đới ở giữa sa mạc hay không. Almir biết đó là quốc gia xây trên cát. Nhưng họ đã xây được tòa nhà cao nhất thế giới, một hòn đảo hình cây cọ và khu trượt tuyết thì sao lại không trồng được một khu rừng nhiệt đới ở giữa sa mạc cát? Phóng to Trưởng tộc Almir Narayamoga Surui là người đứng sau các sáng kiến kết hợp khoa học kỹ thuật và truyền thống của tộc người Surui. Cha của Almir vẫn săn bắn bằng cung tên, còn Almir đã có chiếc iPhone - Ảnh: Spiegel Chân dung nhà môi trường Cái đầu Almir từng được bọn phá rừng định giá 100.000 USD tiền thưởng. Nhưng điều đó không ngăn ông tới Mỹ và 26 nước, dự các hội nghị thượng đỉnh thế giới và được tạp chí Época (Brazil) bầu chọn là 1 trong 100 người Brazil quan trọng nhất, cùng với ngôi sao bóng đá Kaka, người mẫu Gisele Bündchen và nhà văn Paulo Coelho. Ông là thành viên của hai ủy ban nhà nước, sắp tới sẽ ra tranh cử một ghế trong Đảng Xanh. 17 tuổi, ông được bầu là trưởng tộc, tiếp nối vị trí của cha mình. Ở tộc của ông, người dân vẫn ăn khoai và mới có điện dùng bốn năm nay. Ông vẫn vẽ mặt, bôi mình trong các lễ hội tôn giáo. 41 năm trước, khi công nhân đến để làm đường cao tốc, họ mang theo người định cư, ôtô và điện thoại. Tủ đá giờ được dùng để đựng lợn lòi họ săn được bằng cung tên. Almir là người Surui đầu tiên đi học đại học. Ông học sinh vật ở Goiâna, thành phố 1,2 triệu dân, nơi bạn học coi như không có ông vì cách ông sinh hoạt, ăn uống không giống họ. Ông chỉ ăn thịt luộc mềm, không rau hay nước xốt gì cả. Thói quen ăn uống đến nay vẫn không thay đổi. Khi trưởng tộc Almir về làng, ông đem theo máy tính và ý tưởng: niềm hi vọng duy nhất của người Surui là kết hợp hai thế giới: công nghệ và truyền thống. Điều đó mở ra kỷ nguyên mới.
Hành trình xuyên rừng tìm kiếm chiếc máy bay Yak-130 bị rơi TRUNG TÂN 09/11/2024 Xác chiếc máy bay Yak-130 được tìm thấy sau 2 ngày gặp nạn nhờ các nguồn tin báo và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Đắk Lắk.
Vì sao bão Yinxing rất mạnh trên Biển Đông nhưng lại suy yếu nhanh khi vào gần Việt Nam? CHÍ TUỆ 09/11/2024 Không khí lạnh, độ ẩm thấp và nhiệt độ mặt nước biển không cao khiến bão số 7 (Yinxing) có nhiều khả năng suy yếu nhanh khi đi vào gần đất liền Việt Nam.
Xử lý tài sản vụ án ngành y tế, máy móc 'không có tội' nhưng bị niêm phong rất lãng phí TIẾN LONG 09/11/2024 Tài sản là máy móc, trang thiết bị trong vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai 'không có tội' nhưng khi xảy ra vụ án, hệ thống máy để đấy, không hoạt động rất lãng phí.
Khai hội Việt Nam xanh, bắt đầu hai ngày tràn ngập hoạt động thú vị NGỌC HIỂN 09/11/2024 Ngày hội Việt Nam Xanh chính thức khai hội tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM).