Một người đã khỏi bệnh COVID-19 đến Trung tâm hiến máu Trung Seattle tại Seattle, Washington, Mỹ để hiến huyết tương có kháng thể vào ngày 17-4-2020 - Ảnh: REUTERS
Bác sĩ Vũ Thị Thu Hương - thành viên nhóm nghiên cứu sử dụng huyết tương người nhiễm virus corona đã khỏi bệnh để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng - đã tóm lược như vậy về hành trình mà nhóm nghiên cứu đang thực hiện.
Khởi động từ ngày 3-8 nhưng đến nay, sau hơn 20 ngày bắt đầu, nhóm nghiên cứu mới xét nghiệm đánh giá 16 người tình nguyện hiến tặng huyết tương và mới lấy được huyết tương của 4 người. Mỗi người hiến tặng, nhóm đã nhận 2-3 khối huyết tương/người, tức ít nhất là 500ml, có người hiến nhiều hơn.
Con đường chông gai
Đã có hàng trăm bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh nhưng vì sao chỉ có 4 người đủ điều kiện hiến tặng huyết tương? Bác sĩ Hương cho biết có người còn e ngại, có người mắc bệnh từ tháng 3-2020 và đến nay khi xét nghiệm không còn kháng thể.
Điều kiện để hiến tặng huyết tương cũng rất nghiêm ngặt, ngoài các tiêu chuẩn về tuổi, cân nặng, loại trừ các bệnh lây, người hiến huyết tương nếu trước đây đã mang thai thì chỉ mới mang thai một lần, nếu không cũng không thể hiến tặng.
Trong khi đó, hành trình tìm kiếm thêm "vũ khí" chống lại COVID-19 khá khó khăn do "vũ khí" lợi hại nhất là vắcxin, theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, phải 6 tháng cuối năm 2021 Việt Nam mới có thể tiếp cận. Trong giai đoạn hiện nay của dịch, số bệnh nhân nặng và có biến chuyển nặng tăng cao hơn hẳn, đã có 27 bệnh nhân tử vong, khao khát có thêm một phương pháp điều trị hiệu quả càng cháy bỏng. Huyết tương có thể là phương pháp mang lại hiệu quả như mong đợi?
Theo bác sĩ Hương, sử dụng huyết tương điều trị cho bệnh nhân bị viêm đa rễ thần kinh, bị gan và nhiều bệnh lý khác đã được áp dụng tại Việt Nam, nhưng sử dụng huyết tương của người bệnh COVID-19 đã khỏi để điều trị cho người đang bị bệnh, mức độ bệnh từ trung bình trở lên lại là lần đầu tiên áp dụng, vì vậy nhóm nghiên cứu rất cẩn trọng trong lựa chọn người hiến, người nhận.
Quá khó, liệu có hi vọng?
Theo bác sĩ Hương, cơ hội sử dụng huyết tương điều trị như vậy là không nhiều, nhưng qua thực tế các nước đã áp dụng phương pháp này cho thấy có hiệu quả rất đáng kể. Tại Mỹ đã có hàng chục ngàn bệnh nhân được sử dụng phương pháp truyền huyết tương và với những bệnh nhân được truyền ở ngày thứ 10 trở lại tính từ khi được phát hiện bệnh, đặc biệt là truyền ở ngày thứ 3 trở lại (càng sớm càng tốt) đạt hiệu quả đáng kể, giảm được tỉ lệ tử vong. Nhiều nước khác cũng đã áp dụng biện pháp này và hiệu quả đều đáng khích lệ.
Chính vì thế, nhóm nghiên cứu của Việt Nam cũng rất hi vọng và đang cân nhắc kỹ những ca bệnh đầu tiên được áp dụng phương pháp này. Trong thông báo phát đi ngày 23-8 của tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia, các chuyên gia đang cân nhắc dùng huyết tương điều trị cho một bệnh nhân 27 tuổi đang có tình trạng các chỉ số miễn dịch xấu đi. Bệnh nhân này hay là bệnh nhân nào đó được áp dụng đầu tiên đều sẽ được cân nhắc kỹ vì đây là phương pháp mới.
"Dù con đường chông gai nhưng đã đi đúng hướng, chúng tôi rất hi vọng" - bác sĩ Hương chia sẻ.
1.022 bệnh nhân COVID-19
Theo Bộ Y tế, ngày 24-8 ghi nhận thêm 6 ca mắc COVID-19 mới (4 ca ở Đà Nẵng, 2 ở Hải Dương), đồng thời 20 ca khỏi bệnh, nâng số người khỏi bệnh lên 588. Trong số bệnh nhân đang điều trị có 19 bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nhân có tiến triển nặng hơn. Đặc biệt, có tới 4 bệnh nhân tiên lượng tử vong. (L.A.)
Mỹ cấp phép trở lại cho bác sĩ sử dụng huyết tương
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 23-8 đã cấp phép trở lại cho các bác sĩ sử dụng huyết tương từ những người đã khỏi bệnh COVID-19 để điều trị cho những người đang bệnh trong các tình huống khẩn cấp.
Quyết định cấp phép trở lại của FDA được đưa ra sau khi những kết quả nghiên cứu ban đầu được cho là đã đảm bảo an toàn nhất định cho việc sử dụng liệu pháp này. Sử dụng sớm huyết tương giàu kháng thể của các bệnh nhân đã khỏi COVID-19 có thể là biện pháp tốt nhất, theo nghiên cứu mới của Mayo Clinic.
Theo Reuters ngày 23-8, dữ liệu mới từ một nghiên cứu trên toàn quốc của Mỹ, liên quan đến Mayo Clinic - trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận của Mỹ, cho thấy điều trị những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng bằng huyết tương giàu kháng thể của những người đã khỏi bệnh có thể giảm thấp nguy cơ tử vong.
Trong nghiên cứu đăng trên trang medRxiv, tại 2.807 bệnh viện của Mỹ trong khoảng thời gian từ 4-4 đến 4-7, hơn 35.300 bệnh nhân nhập viện điều trị COVID-19 gặp các vấn đề về hô hấp nặng hoặc đe dọa đến tính mạng đã được truyền ít nhất một đơn vị huyết tương của người khỏi bệnh.
Hơn một nửa trong số các bệnh nhân này đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, và khoảng 1/4 cần sự hỗ trợ của máy thở tại thời điểm nhận huyết tương. Nghiên cứu sẽ ghi nhận tỉ lệ tử vong trong 7 ngày và trong 30 ngày.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tỉ lệ tử vong sẽ thấp hơn khi huyết tương được truyền trong vòng 3 ngày sau khi chẩn đoán mắc COVID-19 thay vì trễ hơn sau đó. Ngoài ra, càng nhiều kháng thể trong huyết tương thì nguy cơ tử vong của người nhận sẽ càng thấp.
Cụ thể, tỉ lệ tử vong trong 7 ngày là 8,7% ở bệnh nhân được truyền huyết tương trong vòng 3 ngày sau khi chẩn đoán mắc COVID-19, nhưng đạt 11,9% ở bệnh nhân truyền huyết tương từ ngày thứ 4 trở đi sau chẩn đoán. Những phát hiện tương tự cũng được quan sát thấy ở tỉ lệ tử vong trong 30 ngày, với 21,6% trong vòng 3 ngày đầu sau chẩn đoán so với 26,7% kể từ ngày thứ tư trở đi.
ANH THƯ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận