15/09/2014 19:08 GMT+7

Dừng họp, sơ tán dân tránh bão trước 17g ngày 16-9

TUẤN PHÙNG - THÂN HOÀNG - ĐỨC BÌNH  - ĐỨC HIẾU
TUẤN PHÙNG - THÂN HOÀNG - ĐỨC BÌNH - ĐỨC HIẾU

TTO - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công điện tối 15-9 về cơn bão số 3 gửi UBND các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (phải) chủ trì cuộc họp trực tuyến phòng chống bão với 22 địa phương - Ảnh: Tuấn Phùng

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tỉnh, bộ ngành đình hoãn các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo đối phó với bão số 3, rà soát các phương án phòng chống, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bão, mưa lũ nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Các địa phương trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ căn cứ diễn biến cụ thể cho học sinh nghỉ học; sử dụng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền trên biển về nơi trú ẩn an toàn, tránh khu vực nguy hiểm, căn cứ diễn biến thực tế cấm tàu thuyền ra khơi; tàu thuyền ở vịnh Bắc Bộ và Quảng Ninh đến Nghệ An phải về bờ neo đậu trước 12g ngày 16-9.

Sơ tán dân ở vùng trũng, nguy cơ sạt lở, lồng bè nuôi hải sản trước 17g ngày 16-9; các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc thông tin đến từng thôn bản để người dân biết được thông tin đầy đủ về thiên tai, phòng tránh giảm thiểu thiệt hại đáng tiếc về sinh mạng người dân do bất cẩn, chủ quan... 

Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến phòng chống bão số 3 (bão Kalmaegi) vào chiều tối 15-9.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá bão số 3 mạnh, diễn biến phức tạp, di chuyển rất nhanh nên không được chủ quan.

Phó Thủ tướng lưu ý thông báo từng thôn, bản, xã ở miền núi canh gác những khu vực ngầm, suối có nhiều người qua lại để tránh tai nạn nước cuốn.

Các địa phương sơ tán dân ở nơi nguy hiểm muộn nhất là 17g ngày 16-9, tiếp tục xác định vùng nguy hiểm từ vĩ độ 17 trở lên để kêu gọi tàu thuyền về trú ẩn trước 17g ngày 16-9.

Tính đến chiều 15-9, lực lượng biên phòng các tỉnh, thành đã thông báo, kiểm đếm và nhắc nhở cho 81.924 tàu thuyền/336.498 ngư dân biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó, khu vực từ vĩ tuyến 17 trở lên phía Bắc có gần 33.484 tàu thuyền/ 120.905 người; khu vực quần đảo Hoàng Sa có 129 tàu/1.447 ngư dân.

UBND các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để chỉ đạo đối phó với bão, xem xét cho học sinh nghỉ học trước thời điểm bão đổ bộ, trước khi mưa lớn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chủ động vận dụng các quy định hiện có để hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại. Bộ GTVT bố trí lực lượng, phương tiện ở các điểm có nguy cơ chia cắt để khắc phục kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương Cao Đức Phát yêu cầu tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ, hết sức quan tâm sơ tán dân ở khu nuôi trồng thủy sản. Ông Phát đặc biệt lưu ý thiệt hại về người do mưa lũ ở miền núi.

Nhận định về diễn biến bão, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương cho biết bão đang có sức mạnh cuối cấp 12, đầu cấp 13, giật cấp 15-16. Ông Cường cho biết đây là cơn bão mạnh lên rất nhanh. Trong vòng từ 24 đến 36 tiếng, bão số 3 đã mạnh từ cấp 8 lên cấp 13 (tăng 5 cấp).

Đồng thời, bão di chuyển nhanh hiếm thấy so với các cơn bão trong lịch sử với tốc độ có lúc hơn 30km/g. Bão số 3 cũng có hoàn lưu rộng với bán kính gió cấp 6 từ 300 đến 350km và gió mạnh tập trung ở phía Bắc tâm bão. Còn vùng mây có khả năng gây mưa lớn tập trung ở phía Nam tâm bão.

Theo ông Cường, các cơ quan dự báo quốc tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hong Kong nhận định bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng chủ đạo là Tây Tây Bắc, ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ông Cường nhận định nếu bão di chuyển nhanh thì thời gian đổ bộ vào Hải Phòng - Quảng Ninh khoảng 21-22g đêm 16-9, nếu di chuyển chậm thì đổ bộ vào khoảng 4-5 giờ sáng 17-9.

Vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng khi bão đổ bộ có gió bão cấp 11-12, có thể giật cấp 15. Gió giảm 2 cấp ở mỗi tỉnh từ Quảng Ninh xuống phía Nam. 

Như vậy, khu vực ven biển Thanh Hóa - Nghệ An có gió cấp 6-7. Các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Hà Nội có gió cấp 6-7, giật 8-9.

Nguy cơ cần phòng tránh lớn nhất là lũ quét và sạt lở đất ở miền núi.                

Lãnh đạo các tỉnh Lào Cai, Hà Giang cho biết trong trưa 16-9, Lào Cai sẽ di chuyển 198 hộ dân đang phải sống ở những nơi cực kỳ nguy hiểm như sạt lở núi, sạt lở ruộng bậc thang đến nơi an toàn; Hà Giang chủ động di dời 302 hộ trước khi trời mưa lớn.

Tại Hải Phòng: Ban chỉ huy PCLB Hải Phòng được yêu cầu lên phương án cấm toàn bộ tàu thuyền đánh cá ra khơi từ tối nay (15-9) và cấm toàn bộ tàu du lịch, tàu phà chở khách trên biển trước 9g sáng mai 16-9. 

Bộ chỉ huy Biên phòng Hải Phòng thông báo các tàu đánh cá có công suất trên 400CV đang hoạt động ngoài khơi gần đảo Bạch Long Vĩ phải vào đất liền, các tàu đánh cá nhỏ hơn thì vào khu vực âu cảng Bạch Long Vĩ trú bão.

Theo Báo cáo của Bộ chỉ huy Biên phòng Hải Phòng, tính đến cuối giờ chiều 15-9 đã thông báo cho 4.075 tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi neo đậu an toàn. 

Hiện vẫn còn 945 tàu thuyền đang hoạt động trên biển, trong đó có 57 tàu thuyền đang đánh bắt xa bờ. 

Ngư dân neo đậu tàu tại bến Xăm (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) chuẩn bị đón chờ bão – ĐỨC HIẾU
Ngư dân neo đậu tàu tại bến Xăm (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) - Ảnh: Đức Hiếu
Hơn trăm tàu cá từ các vùng biển Bạch Long Vĩ, Cô Tô và ven bờ đã neo đậu vào bến cá tại quận Đồ Sơn ngay khi nhận được tin bão sắp đổ bộ - Ảnh: Đức Hiếu
Hơn trăm tàu cá từ các vùng biển Bạch Long Vĩ, Cô Tô và ven bờ đã neo đậu vào bến cá tại quận Đồ Sơn - Ảnh: Đức Hiếu

Tại Quảng Ninh, ông Phạm Đình Hòa, Chánh văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho biết ngay trong sáng 16-9, nghiêm cấm các tàu đánh bắt gần bờ ra khơi, chủ động về các nơi trú tránh. Từ chiều 16-9 ngừng hoạt động của các tàu du lịch, kể cả tàu du lịch ra các tuyến đảo, yêu cầu các tàu về nơi trú tránh an toàn.

Tổ chức sơ tán dân lên đất liền hoặc những hang động an toàn trên biển, công việc sơ tán dân yêu cầu hoàn thành trước 19 giờ ngày 16-9.

Các địa phương kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập, chủ động tiêu thoát nước đệm khi có mưa lớn để đảm bảo an toàn cho hồ chứa và đề phòng ngập úng.

Các địa phương miền núi, các khu mỏ, khu đô thị rà soát kiểm tra các phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất đá, ngập lụt khu dân cư. Chủ động sơ tán dân ở những khu vực có nguy cơ cao để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Nghiêm cấm việc đi qua ngầm tràn, ra sông suối vớt củi khi đang có lũ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban 24/24 giờ.

Tại Thái Bình, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này cũng đã có các công điện nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ trưa ngày 15-9. Khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ số tàu thuyền trên địa bàn. 

TUẤN PHÙNG - THÂN HOÀNG - ĐỨC BÌNH - ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên