21/05/2014 08:56 GMT+7

Dừng hoạt động nhà máy giấy 2.000 tỉ đồng

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TT - Thông tin từ UBND tỉnh Long An cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có quyết định dừng đầu tư dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam, giao cho Bộ Công thương chủ trì cùng tỉnh Long An và các cơ quan liên quan xử lý.

HIAdX1zJ.jpgPhóng to
Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam chỉ chạy thử rồi ngừng hoạt động - Ảnh: S.Lâm

Như vậy, sau hơn 10 năm dự án được phê duyệt và hơn bảy năm hoạt động trong tình trạng trục trặc liên tục, Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) đã chính thức dừng hoạt động.

Thanh lý hoặc nhượng bán

Người trồng đay lao đao theo nhà máy

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Long An, ngay trong vụ đầu tiên giữa nhà máy và nông dân đã phát sinh mâu thuẫn, trong đó nông dân cho rằng nhà máy mua giá đay quá rẻ, quá chậm và còn đưa nhiều lý do như độ ẩm, chất lượng, quy cách... để hạ giá đay nguyên liệu. Từ đó người dân đã phải mang đay ngâm nước lấy sợi để bán. Theo lý giải của nhà máy, vào thời điểm này nhà máy chỉ mới mua đay nguyên liệu để chuẩn bị cho giai đoạn chạy thử chứ chưa chính thức đi vào hoạt động sản xuất được. 10.000ha đay được trồng theo quy hoạch, nhưng nhà máy chỉ có thể bao tiêu được 1.000ha ở vụ đầu tiên khiến nhiều nông dân trồng đay lao đao.

Chiều 20-5, ông Nguyễn Thanh Nguyên - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết Thủ tướng đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An khẩn trương xây dựng phương án xử lý đối với dự án, theo hình thức thanh lý hoặc nhượng bán lại nhà máy để trình Thủ tướng trong tháng 6-2014. Theo ông Nguyên, chủ trương chung sẽ là bán lại cho một đơn vị được rà soát có đủ khả năng mua nhà máy, nhằm tránh gây lãng phí đối với một dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vẫn phục vụ được nhu cầu thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Long An.

Trước đó, từ năm 2013, các cơ quan chức năng tỉnh Long An đã liên tục kiến nghị các cấp trung ương về vấn đề Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam, đề nghị Nhà nước có phương pháp hỗ trợ để nhà máy có thể tiếp tục hoạt động, tạo điểm nhấn để phát triển vùng đay nguyên liệu theo quy hoạch đã được đề ra. Tuy nhiên, những nỗ lực của chính quyền Long An cũng không cứu được nhà máy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam do Công ty Tracodi (thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - Bộ GTVT) xây dựng từ tháng 3-2006 và đưa vào hoạt động vào năm 2007 với vốn đầu tư ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỉ đồng, công suất 100.000 tấn bột giấy/năm với nguyên liệu chủ yếu từ cây đay. Tuy nhiên, sau gần hai năm hoạt động cầm chừng, đến năm 2009 nhà máy tạm ngừng hoạt động do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự mâu thuẫn về giá mua nguyên liệu với người trồng đay, nhưng chủ yếu là máy móc liên tục bị trục trặc.

Thủ tướng đã yêu cầu Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp nhận nhà máy, thực hiện tiếp dự án. Tỉnh Long An tiếp tục đề ra nhiều chính sách tuyên truyền và lên kế hoạch hỗ trợ người dân để quy hoạch hơn 10.000ha đay nguyên liệu. Đến năm 2012, Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam tiếp tục mua nguyên liệu đay và chạy thử dây chuyền sản xuất nhưng sau đó liên tục hư hỏng. Chỉ có gần 1.000ha đay người dân trồng được trong vụ hè thu năm 2012 có đầu ra vì lúc này nhà máy cần nguyên liệu để chạy thử. Nhưng đến vụ hè thu năm 2013, khi người dân tiếp tục xuống giống hơn 1.000ha cho vụ mới và cây đay bắt đầu lên xanh tốt thì nhà máy chính thức tuyên bố ngừng mua cây đay nguyên liệu của nông dân.

Phát động dân trồng đay rồi vận động dừng

Theo một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, vào đầu năm 2007 tỉnh Long An chính thức phát động nông dân trồng đay nguyên liệu, với vùng đay chuyên canh được quy hoạch tại ba huyện khu vực Đồng Tháp Mười là Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh được nâng từ 3.100ha vọt lên 8.800ha. Đặc biệt, 10.000ha đất trồng lúa thuộc hai huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa (Long An) có năng suất thấp, được quy hoạch để thay vì trồng lúa vụ hè thu người dân chuyển sang trồng đay phục vụ nhu cầu nhà máy.

Tuy nhiên, với giá mua đay nguyên liệu thấp, ngay từ khi đưa vào hoạt động nhà máy đã bị nông dân phản ứng. Lúc này, UBND tỉnh Long An đã phải vào cuộc can thiệp để giải quyết mối quan hệ “xấu” đi giữa Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam với người trồng đay. Nhiều cuộc họp được tổ chức, nhiều lời hứa sẽ nâng giá mua đay và mua tất cả sản lượng trong vùng quy hoạch... nhưng tất cả chỉ là lời hứa trong khi nhà máy vẫn ì ạch với việc chạy thử. Sản lượng đay trong vùng quy hoạch cũng giảm dần vì người dân mất niềm tin vào một dự án chuyên canh đay lớn nhất nước có thể đem lại nguồn lợi kinh tế cho vùng đất cằn cỗi.

Ngay khi nhận thấy nhà máy có dấu hiệu “đóng băng”, Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã phải vận động người dân tạm thời ngừng trồng đay để tránh tình cảnh không có đầu ra. “Nhưng vẫn còn rất nhiều người dân phải trồng đay vì trên thực tế thổ nhưỡng vùng đất này không trồng đay thì không còn biết trồng cây gì khác. Điều đáng tiếc là lẽ ra một mô hình mẫu về đay sẽ được vận hành tốt, đem lại nguồn lợi cho kinh tế vùng nông nghiệp vốn khó khăn thì trên thực tế lại thành ra hoang phí tiền xây dựng nhà máy lẫn mất niềm tin nơi người dân” - vị này nhận xét.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên