Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Tim mạch, ước tính mỗi năm có khoảng hơn 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trong tổng ca tử vong, gấp 20 lần số tử vong do ung thư.

Đáng nói, theo dự đoán của các chuyên gia, con số này vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại nếu mỗi chúng ta không nhận biết và điều chỉnh kịp thời từ giai đoạn tim quá tải.

TS.BS Phạm Trần Linh, Hội Tim mạch học Việt Nam, cho biết trái tim hoạt động trung bình 100.000 nhịp/24h, bơm 2.000 lít máu đi qua 96.500km của toàn bộ chiều dài hệ thống mạch máu trong cơ thể. 

Tim "làm việc" cật lực là thế nhưng hằng ngày còn phải hứng chịu nhiều yếu tố nguy cơ như khói thuốc, rượu bia, stress, cùng với chế độ dinh dưỡng không hợp lý và lối sống kém lành mạnh... làm tăng thêm trọng trách cho tim, dẫn đến tim bị quá tải. 

Nếu không thay đổi, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc cũng như cấu tạo, chức năng của tim và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

Đừng đợi tim quá tải mới quan tâm! - Ảnh 1.

Ghi nhận tại Viện tim thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Thống Nhất, hiện có nhiều người trẻ tuổi bị mắc bệnh tim. 

Mới 30 tuổi nhưng anh V.V. T., ngụ Long An, đã được phẫu thuật điều trị bệnh tim từ 5 tháng trước. Anh T. cho biết mới đầu anh bị tức ngực, đau ngực, tối thì không thể ngủ được. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị phình động mạch chủ, phải nhập viện để mổ thay động mạch chủ, gắn van cơ học. 

Sút 23kg, tốn hơn 100 triệu đồng điều trị và không thể đếm xuể những tổn thất tinh thần đè nặng lên vai anh và gia đình trong khoảng thời gian đó.

Anh T. cho biết người thân trong gia đình không có người mắc bệnh tim, bản thân anh cũng không có bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, anh thừa nhận anh có thói quen uống bia rượu rất nhiều từ năm 22 tuổi, tháng nhiều cũng 10 lần, tháng ít từ 4-5 lần, mỗi lần anh uống cả 7-8 chai bia.

Đừng đợi tim quá tải mới quan tâm! - Ảnh 2.

Đang chờ số tới lượt để lấy thuốc, ông T.N. (49 tuổi, ngụ Long Thành, Đồng Nai) trò chuyện với chúng tôi: "Năm ngoái, bác sĩ chẩn đoán tôi bị hẹp mạch vành, phải nong và đặt stent (ống đỡ động mạch - PV) để mở rộng và phục hồi quá trình lưu thông máu tới cơ tim. 

Tôi cũng không ngờ bệnh tim lại "tìm" đến mình. Ban đầu còn nghĩ do tuổi tác nhưng khi rà soát lại, có thể do đặc thù công việc, tôi phải chịu áp lực trong một thời gian dài, lại thêm gánh nặng lo cho gia đình nên tôi dễ cáu bẳn, nóng giận khi có việc gì đó không vừa ý mình". 

Ông cho biết thêm mỗi lần thấy căng thẳng, tim lại đập mạnh và nhanh, vì thế bác sĩ đang nghi ngờ tim quá tải từ giai đoạn đó.

Để có được những thông tin khoa học đắt giá về "tim quá tải" và lời khuyên "giảm tải" cho tim, Tuổi Trẻ đã có buổi gặp gỡ với chuyên gia tim mạch - TS.BS. Phạm Trần Linh, Hội Tim mạch học Việt Nam và chuyên gia dinh dưỡng - PGS.TS.BS. Lê Bạch Mai, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Đừng đợi tim quá tải mới quan tâm! - Ảnh 3.
Đừng đợi tim quá tải mới quan tâm! - Ảnh 4.
Đừng đợi tim quá tải mới quan tâm! - Ảnh 5.
Đừng đợi tim quá tải mới quan tâm! - Ảnh 6.

* Những lưu ý trong lối sống sinh hoạt và tinh thần để giảm tải cho tim là gì, thưa chuyên gia?

- TS.BS. Phạm Trần Linh: Việc vận động hàng ngày đều đặn ít nhất 30 phút sẽ mang lại lợi ích rõ rệt trong giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Việc tập luyện thể chất thường xuyên làm giảm nguy cơ xuất hiện nhồi máu cơ tim, đồng thời nâng cao khả năng sống sót khi xảy ra nhồi máu cơ tim. 

Đồng thời, tôi khuyến nghị bỏ thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, rượu bia, thức khuya. Cố gắng giữ tinh thần tích cực, tránh căng thẳng… để tim không phải chịu thêm gánh nặng nào.

Đừng đợi tim quá tải mới quan tâm! - Ảnh 7.

* Thưa chuyên gia, chế độ dinh dưỡng như thế nào sẽ hạn chế nguy cơ tim quá tải?

- PGS.TS.BS. Lê Bạch Mai: Chỉ cần nhớ 3 điều cần hạn chế và 2 điều cần bổ sung. Cụ thể, 3 điều cần hạn chế gồm ăn mặn (dưới 5g muối mỗi ngày), ăn ngọt (năng lượng từ các loại đường tinh chế ít hơn 10% tổng năng lượng cả ngày), ăn thức ăn nhanh. 

2 điều cần bổ sung gồm thực phẩm tốt cho tim, nhất là những loại giàu chất xơ (rau, quả, trái cây) và chất béo tốt cho tim (giàu dưỡng chất chống ôxy hóa, giúp hạn chế hấp thu cholesterol xấu).

Đừng đợi tim quá tải mới quan tâm! - Ảnh 8.

* Thưa chuyên gia, như vậy có thể nói tình trạng tim quá tải dễ gặp nhưng cũng không khó để phòng đúng không ạ?

- TS.BS. Phạm Trần Linh: Có thể xem là như vậy. Nên thật ra không khó để "giảm tải" cho tim, miễn là chúng ta thật sự ý thức đây là một vấn đề nghiêm trọng, cần phải hành động ngay, không chần chừ.

Cám ơn hai chuyên gia!


THANH PHƯƠNG
KIỀU NHI, HẢI PHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên